Toán học Việt Nam đứng vị trí 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN

Hồng Hạnh Lệ Thu

(Dân trí) - Đến nay Toán học Việt Nam được xác định ở vị trí trong khoảng 35-40 trên thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN (ở đây chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế).

Thông tin trên được đưa ra tại chương trình Tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán ngày 23/12/2020 tại Hà Nội.

Toán học Việt Nam đứng vị trí 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN - 1

Các đại biểu tham dự chương trình Tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Ảnh: TT)

Tham dự Chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội,  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và  đại diện Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, Lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, cùng đông đảo các nhà khoa học, cộng đồng Toán học Việt Nam.

Chương trình trọng điểm quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực khoa học cơ bản

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 17/08/2010. Đây là một Chương trình trọng điểm quốc gia đầu tiên được ban hành riêng cho một lĩnh vực khoa học cơ bản.

Sau khi Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020" được phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Điều hành Chương trình, đồng thời trình Chính phủ thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp (NCCCT) về Toán (quyết định 2342/QĐ-TTg ngày 23/12/2010) theo mô hình các viện nghiên cứu tiên tiến xuất sắc của các nước phát triển. Việc thành lập Viện NCCCT là một giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác của Chương trình.  

Sau 10 năm hoạt động, với uy tín khoa học của Giáo sư Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học và các thành viên Hội đồng khoa học của Viện, bao gồm các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế, Viện đã tạo dựng được một môi trường học thuật tiên tiến, được cộng đồng toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Toán học Việt Nam đứng vị trí 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN - 2

Chiều 9/3/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức công bố Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Quyết định bổ nhiệm Giáo sư Ngô Bảo Châu làm Giám đốc khoa học của Viện. (Ảnh: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Giáo sư Ngô Bảo Châu - Ảnh: Chinhphu.vn)

Viện trở thành một "Trung tâm nghiên cứu chung" của cộng đồng Toán học Việt Nam, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao về Toán học đối với các giảng viên đại học, các nhà toán học, nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh đến thực hiện các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và ứng dụng cao.

Với vai trò là đơn vị thường trực điều phối triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, Viện NCCCT không chỉ hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu toán học đỉnh cao mà còn tham gia tích cực trong việc xây dựng các quy định, quy chế, và triển khai các hoạt động của Chương trình với kết quả hoàn thành tốt 5/6 mục tiêu cụ thể đã đề ra.

Nhờ chương trình khoa học phong phú, chất lượng cao, hiệu quả và cách tổ chức chuyên nghiệp, chuẩn mực quốc tế nên năm 2013, sau 3 năm  thành lập và đi vào hoạt động, Viện NCCCT đã được Hội Toán học châu Âu công nhận là một trong số ít "Trung tâm Toán học xuất sắc khu vực - Emerging Regional Centres of Excellence" của các nước đang phát triển giai đoạn 2013-2017, với mục tiêu khuyến khích và hỗ trợ Viện trở thành hạt nhân phát triển Toán học trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2018, Viện tiếp tục được công nhận là Trung tâm xuất sắc của khu vực giai đoạn 2019-2023. Viện cũng là thành viên của Hiệp hội Toán trong công nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APCMfI). 

Sự ra đời và phát triển của Viện NCCCT là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của Toán học Việt Nam là: Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà Toán học Việt Nam trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà toán học hàng đầu thế giới đến làm việc; Tổ chức thành công các hội nghị Toán học quốc tế lớn, góp phần nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam; Các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tài năng toán học đạt kết quả tốt.

Toán học Việt Nam đứng vị trí 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN - 3

GS Ngô Bảo Châu (Ảnh: Lê Anh Dũng)

 Toán học Việt Nam đứng vị trí trong khoảng 35-40 trên thế giới

Với nỗ lực của cộng đồng Toán học Việt Nam đến nay Toán học Việt Nam được xác định ở vị trí trong khoảng 35-40 trên thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN (ở đây chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế).

PGS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về toán khẳng định: Đây là một thành tích rất ấn tượng, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, và ngay ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã đầu tư rất mạnh cho khoa học cơ bản  và toàn bộ hệ thống các cơ sở nghiên cứu - đào tạo với kinh phí rất lớn.  

Bên cạnh các chỉ số công bố khoa học thì việc tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn, uy tín khoa học của Viện NCCCT, sự kiện lần đầu tiên hai ngành Toán học của 2 đại học Việt Nam được vào bảng xếp hạng QS (1 trong 2 bảng xếp hạng uy tín nhất của thế giới), Viện Toán học (Viện HLKHCNVN) có nhiều thành tích trong nghiên cứu với việc thành lập trung tâm nghiên cứu và đào tạo quốc tế dạng 2 được Unesco công nhận và bảo trợ... đều góp phần chứng tỏ vị thế của Toán học Việt Nam trong thời gian qua. 

"Đây là tiền đề rất tốt để Toán học Việt Nam có thể có những bước phát triển mới bền vững hơn, và đóng góp sâu rộng và trực tiếp hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" - PGS.TS Lê Minh Hà nhấn mạnh.

Toán học Việt Nam đứng vị trí 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN - 4

Đội tuyển toán học Việt Nam năm 2017 đoạt 4 Huy chương vàng Olympic Toán học thế giới.

PGS.TS Lê Minh Hà cho biết, trong số 6 mục tiêu cụ thể đã đề ra của Chương trình, chỉ duy nhất mục tiêu "Xây dựng Viện toán học và 1-2 khoa toán ở các trường đại học lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo toán của khu vực" chưa thực sự được hoàn thành.

Tuy nhiên,  PGS.TS Lê Huy Hà cho rằng, mục tiêu lâu dài và quan trọng nhất của Chương trình là hỗ trợ cho các nhà khoa học - giảng viên ở các trường đại học tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, qua đó nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo, không chỉ của riêng các ngành toán mà của toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Các giải pháp được đề cập đến ở nội dung: "Xây dựng Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán, một cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao về Toán học cho các giảng viên đại học, các nhà toán học, các tân tiến sĩ, các nghiên cứu sinh đến thực hiện các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và ứng dụng cao" cũng hướng tới mục tiêu sẽ hình thành được một số khoa Toán mạnh về chất lượng, đủ về số lượng và xây dựng Viện Toán học (Viện HLKHCNVN) trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo của khu vực.

Toán học Việt Nam đứng vị trí 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN - 5

PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (Ảnh: TT)

PGS.TS Lê Minh Hà cho biết, hàng năm, Viện NCCCT dành một tỷ lệ nhất định cho các nghiên cứu viên đến từ khoa Toán của một số trường đại học lớn ở các khu vực, đặc biệt là Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM. Mặt khác, Chương trình đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ 3 khoa Toán của các trường về bồi dưỡng đội ngũ như: hỗ trợ công tác tuyển sinh ngành Toán; đào tạo sinh viên, học viên cho Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN; cấp học bổng cho số lượng đông đảo sinh viên của 3 trường,…

Mặc dù chưa trở thành các trung tâm nghiên cứu và đào tạo lớn của khu vực nhưng ba khoa Toán nói trên đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu, là ba trung tâm toán học mạnh ở ba miền.

Ngày 22/12/2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu chung của Chương trình: Tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.