Giáo sư Ngô Bảo Châu: Nghiên cứu khoa học quyết định đến chất lượng giáo dục

(Dân trí) - “Tầm quan trọng về nghiên cứu cơ bản đã được các nhà khoa học lập luận rất xác đáng. Tuy nhiên, cá nhân tôi có một điều tương đối hiển hiện, chất lượng nghiên cứu khoa học quyết định chất lượng giáo dục”, giáo sư Ngô Bảo Châu nói.


Giáo sư Ngô Bảo Châu giao lưu tọa đàm với các nhà kha học về chủ đề: “Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi”.

Giáo sư Ngô Bảo Châu giao lưu tọa đàm với các nhà kha học về chủ đề: “Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi”.

Chiều 7/7, giáo sư Ngô Bảo Châu, giáo sư GS Kurt Wuthrich- Nhà Nobel Hóa học năm 2002 người Thụy Sỹ cùng nhà khoa học quốc tế có buổi tọa đàm về chủ đề: “Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi”.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đều khẳng định rằng tầm quan trọng của khoa cơ bản đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Giáo sư GS Kurt Wuthrich - Nhà Nobel Hóa học cho rằng: “Khoa học cơ bản có tác động vô cùng quan trọng với cả nhân loại và con người. Ở những nước mới nổi như Việt Nam thì những nỗ lực để làm cho khoa học cơ bản có tác động với cuộc sống cần phải được thúc đẩy hơn nữa để mọi người nhận ra được tầm quan trọng của khoa học cơ bản. Điều đó cần phải được thực hiện trước tiên ở giới trẻ cũng như những thế hệ trong tương lai để họ hiểu và nuôi dưỡng niềm đam mê đối với bộ môn khoa học cơ bản”

Về vấn đề trên giáo sư Ngô Bảo Châu cũng cho rằng: “Cá nhân tôi, nếu chất lượng nghiên cứu khoa học không được cải thiện thì chất lượng giáo dục cũng không thể tiến bộ được. Rất khó tách rời nghiên cứu ứng dụng với nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu và giảng dạy. Không thể nói chúng ta không có tiền nên không nghiên cứu”.


Các nhà khoa học trẻ tham gia hội thảo

Các nhà khoa học trẻ tham gia hội thảo

Nói về thực trạng nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam, giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng: “Ngoài một vài trường lớn như ĐH quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… thì việc nghiên cứu khoa học tại các trường khác đều tương đối là khiêm tốn. Cái mà có lẽ đáng lo ngại hơn là phần lớn họ thấy không thực sự cần thiết phải nâng cao. Khi nghiên cứu khoa học không chú trọng về việc tuyển sinh giảng viên tốt thì chất lượng trường không đi lên được kéo theo chất lượng đào tạo đi xuống và mất đi nhiều thứ”.

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ thêm: “Mỗi năm, người dân Việt Nam chi tiêu khoảng 2 đến 3 tỷ đô la cho con em ra nước ngoài học tập. Nhà nước cũng có những suất học bổng cho sinh viên ra học tiến sĩ ở nước ngoài, mức đầu tư nhà nước và nhân dân rất lớn. Riêng về lĩnh vực khoa học tuy có đầu tư đào tạo nhưng thiếu chính sách, các trường đại học cần có chính sách tuyển dụng tích cực và cạnh tranh nhau. Hiện tại những người đến xin việc ở các trường vẫn còn có tâm lý xin xỏ. Cho nên vấn đề lớn nhất phải có sự cạnh tranh trong tuyển dụng và phải linh hoạt chế độ đãi ngộ để với mục đích là nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học của giảng viên”.


Hơn 200 đại biểu là nhà khoa học trên thế giới và trong nước, đặc biệt có 5 nhà đạt giải Nobel

Hơn 200 đại biểu là nhà khoa học trên thế giới và trong nước, đặc biệt có 5 nhà đạt giải Nobel

Nói về thực tế, hiện nhiều sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu nhưng không trở về nước phục vụ, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, không ai là không muốn về quê hương phục vụ nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo cuộc sống về tương lại của họ. Bên cạnh đó, phải có chế độ đãi ngộ thích đáng thì khoa học Việt Nam mới khởi sắc. Tuy nhiên, về lâu dài tôi nghĩ không thể sử dụng lương thưởng. Chìa khóa cơ bản là thị trường lao động khoa học phải có sự cạnh tranh và các trường lớn cần nhận thức rõ ràng đó là tương lai của trường”.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm