Giáo sư Mỹ "bốc thuốc" chữa "bệnh" bỏ học
(Dân trí) - Theo GS. Holsinger (Đại học Brigham Young, Mỹ) gần một thập kỷ qua, UNICEF đã xây dựng khung lý luận cho hệ thống giáo dục và trường học thân thiện với trẻ, xuất phát từ các quyền lợi của trẻ em. Tại sao Việt Nam không áp dụng mô hình này?
Trong cuộc trao đổi cùng Dân trí, Giáo sư Donald B. Holsinger, (Đại học Brigham Young, Mỹ - chuyên gia tư vấn cho Dự án phát triển GD THCS II , Bộ GDĐT) đã rất hăng say trong việc “bốc thuốc” chữa căn bệnh này cho ngành giáo dục. “Bài thuốc” của GS Holsinger là mô hình trường học thân thiện mà ở đây, mọi trẻ em dù giầu hay nghèo cũng đều được được “thổi” một niềm say mê học tập như nhau.
Đối với các em học sinh, trường học là một môi trường cá nhân và xã hội hết sức quan trọng. Vậy khi nào một trường học được xem là trường học thân thiện?
Có 5 điều kiện để mỗi trường học trở thành trường học thân thiện. Đó là:
- Khi tất cả các trẻ em được học tập trong môi trường an toàn về thể chất, vững chắc về tinh thần và được phát triển lành mạnh về tâm lý, được giáo dục về tính trung thực trong học tập và thi cử.
- Giáo viên là yếu tố quan trọng nhất trong việc đem đến hiệu quả và sự tham gia của học sinh trong học tập.
- Khi khả năng riêng biệt của từng học sinh được phát hiện, khuyến khích và hỗ trợ cùng với việc xây dựng văn hoá nhà trường, văn hoá giảng dạy và phương pháp lấy việc học và người học làm trọng tâm.
- Khi trường học tự vận động một cách chủ động, sáng tạo để có được sự ủng hộ, tham gia và cộng tác của gia đình học sinh và cộng đồng, khi nhà trường tham gia tích cực vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá xã hội của mỗi quốc gia.
- Khi trường học lấy học sinh làm trung tâm-hoạt động vì lợi ích của học sinh, và quan tâm tới một học sinh “toàn diện” (bao gồm sức khoẻ, tình trạng dinh dưỡng, tình cảm) và những điều có thể xảy ra đối với các em-trong gia đình và ngoài xã hội-trước khi các em tham gia học tập tại nhà trường và sau khi các em đã tốt nghiệp.
Lý do nào mà GS khẳng định mô hình trường học thân thiện sẽ là một “bài thuốc” hữu hiệu chữa “căn bệnh” bỏ học?
Với sự hợp tác của Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Mô hình trường học thân thiện với trẻ đã được áp dụng thí điểm tại nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, chẳng hạn như Papua New Guinea từ năm 2004.
Có nhiều lý do để tôi nhận định rằng Trường học thân thiện là mô hình rất thích hợp cho ngành giáo dục trong thời điểm nóng bỏng hiện nay vì tình trạng học sinh bỏ học. Như ở Papua New Guinea, trường học thân thiện là nhằm mục đích gia tăng tỉ lệ nhập học của học sinh nữ và duy trì thời gian học tập của các em học sinh này tại trường.
Chương trình tập trung vào các học sinh nữ và giải quyết những vấn đề liên quan tới tỉ lệ học sinh nữ bỏ học như nguồn nước sạch, khu vệ sinh và hoạt động hỗ trợ về tâm sinh lý. Do hạn chế về nguồn vốn, chỉ có năm trường trong mỗi tỉnh ưu tiên được lựa chọn để thực hiện thí điểm mô hình Trường học thân thiện với trẻ tại Papua New Guinea.
Chiến lược chính được xác định trong Kế hoạch hành động của Papua New Guinea là biến trường học thành một nơi thân thiện hơn với trẻ. Các khái niệm trong ý tưởng về Trường học thân thiện với trẻ của Papua New Guinea bao gồm việc chấp nhận tất cả các học sinh đến trường mà không phân biệt giới tính, chủng tộc hay tôn giáo; Cho phép và khuyến khích giáo viên tạo ra các giờ lên lớp có chất lượng, bảo vệ học sinh trong nhà trường khỏi các cám dỗ và bạo lực, tư vấn về sức khoẻ thể chất và tinh thần cho các học sinh nữ, xây dựng các khu vệ sinh, cung cấp nguồn nước sạch, giáo dục về HIV/AIDS; và tham gia tích cực vào các hoạt động thực tế tại cộng đồng nơi các em đang sinh sống.
GS có nghĩ rằng để thực hiện mô hình đó đối với Việt Nam có lẽ là quá khó?
Tất nhiên, lý do Bộ GD- ĐT Việt Nam lựa chọn Mô hình trường học thân thiện với trẻ có thể khác so với các tiêu chí do Papua New Guinea đặt ra.
Những lý do mà Bộ lựa chọn liên quan tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả học tập, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học và các hoạt động lấy học sinh làm trung tâm...
Tuy nhiên, dù ở lý do nào thì với các đặc điểm của mình, rõ ràng Mô hình trường học thân thiện hoàn toàn phù hợp với những ưu tiên mà các lãnh đạo Bộ GD- ĐT và các lãnh đạo giáo dục cấp địa phương trong cả nước đang hướng tới. và vì thế, theo tôi, không có gì là quá khó.
Xin trân trọng cảm ơn GS.
Đoàn Trần thực hiện