Gần 150 nghìn học sinh bỏ học

(Dân trí) - Theo tin từ Bộ GD- ĐT, số học sinh bỏ học tính đến hết tháng 3/2008 là gần 150 nghìn học sinh tăng gần 40 nghìn học sinh so với con số được Bộ công bố vào đầu tháng 3 vừa qua.

Số học sinh bỏ học chiếm 0,94% trong tổng 15.710.060 học sinh (HS) cả nước. 

Bậc tiểu học có hơn 19 nghìn HS bỏ học trong tổng số 6.863.205 HS (tăng hơn 6 nghìn HS). Bậc THCS có hơn 66 nghìn HS bỏ học/5.794.235 HS (tăng trên 7.000 HS) Bậc THPT có trên 61 nghìn HS bỏ học/3.052.620 HS, chiếm 2,02%. (tăng hơn 14 nghìn HS)

Cùng trong một thời điểm nhưng có sự vênh nhau gần 40 nghìn học sinh bỏ học, lãnh đạo Bộ GD- ĐT cũng có giải thích là do cách thống kê từ các địa phương chưa thống nhất nên số liệu chưa chính xác. Số liệu này được tính đến hết tháng 3/2008, sau khi Bộ yêu cầu các địa phương rà soát lại con số đã thống kê.

Theo Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Vinh Hiển, nguyên nhân học sinh bỏ học trước hết là do hoàn cảnh khó khăn. Còn một nguyên nhân khác là do nhận thức của các cấp lãnh đạo, của người dân và của chính học sinh về tầm quan trọng của tri thức và việc học tập còn hạn chế.

Số lượng HS ở các tỉnh, thành phố có kinh tế - xã hội phát triển bỏ học chủ yếu nằm ở địa bàn khó khăn như làng chài, vùng kinh tế mới... Các quán chơi điện tử, các tụ điểm tệ nạn xã hội cũng luôn là nơi rình rập, lôi kéo học sinh, nhất là đối với những em thiếu sự theo dõi, quản lý của gia đình. Đã sa đà vào những nơi đó thì học lực của các em càng giảm sút nên nguy cơ bỏ học càng tăng.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ cũng đã nghiêm túc chỉ ra những yếu kém, bất cập trong những năm đầu thực hiện thay sách, đổi mới phương pháp dạy học. Chương trình, nội dung dạy học, một bộ sách giáo khoa thống nhất sử dụng trong cả nước rất khó phù hợp với tất cả các vùng miền...

Đội ngũ giáo viên, có một bộ phận tuy đã chuẩn hóa về bằng cấp nhưng do quá trình đào tạo không liên tục nên năng lực thực sự còn hạn chế. Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng là khó khăn không nhỏ của lớp giáo viên cao tuổi đã quá quen với lối dạy học "đọc chép". Một số ít giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn vi phạm đạo đức nhà giáo, do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, làm giảm uy tín chung của ngành.

Sau khi Lãnh đạo Bộ GD- ĐT làm việc với các địa phương trong suốt tháng 4 vừa qua về tình hình học sinh bỏ học đã rút ra được bài học là sự chuyển biến về thái độ của gia đình và xã hội đối với sự phát triển của giáo dục, đặc biệt sự quan tâm của các thầy cô giáo tâm huyết với nghề nghiệp là yếu tố quyết định làm cho áp lực bỏ học giảm đi rất mạnh.

Bộ có đề ra quyết tâm: Duy trì sĩ số học sinh, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học phải là việc làm thường xuyên và lâu dài của nhà trường, gia đình và cộng đồng.

MM