Giáo sư lọt top thế giới cảnh báo tiếng Anh vẫn là "điểm đen" của giáo dục

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ), số liệu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho thấy, bên cạnh thành tựu, còn một số "điểm nghẽn" của giáo dục.

Tiếng Anh vẫn là "điểm đen"

Sáng 26/9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường Đại học Công nghệ phối hợp tổ chức, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đăng cai thực hiện Hội thảo khoa học "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, một trong 14 nhà khoa học được xướng danh trong bảng xếp hạng thế giới năm 2023 của tổ chức Research.com cho biết, tại Mỹ đầu những năm 90 đã hình thành xu hướng giáo dục mới gọi là giáo dục STEM.

Giáo sư lọt top thế giới cảnh báo tiếng Anh vẫn là điểm đen của giáo dục - 1

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Ảnh: Anh Thư).

Trong chương trình giáo dục STEM, các môn học về khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành  một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành.

Năm 2022, 2023, tổ chức Research.com đã thống kê và xếp hạng các nhà khoa học về công bố quốc tế trên thế giới.

Việt Nam có các nhà khoa học trong 6 lĩnh vực được ghi nhận và xếp hạng, đó là kỹ thuật công nghệ, khoa học máy tính, khoa học môi trường, khoa học vật liệu, cơ khí - hàng không, và y tế cộng đồng - đều là các lĩnh vực liên quan đến STEM.

Theo GS Đức, điều này cho thấy giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước tiến liên quan đến STEM nhưng bên cạnh những thành tựu, còn có nhiều bất cập.

Theo chuyên gia này, trong khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT rất cao, số thí sinh có điểm dưới trung bình của môn toán thấp nhất trong các môn chuyên môn: chiếm gần 22% số bài thi.

Tiếp đó là môn vật lý chiếm khoảng 14,786%. Đây là một trong 2 môn cốt lõi trong giáo dục STEM và có tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình rất cao.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tốt rất tích cực, đặc biệt ở những thành phố lớn, và dẫu rằng chuẩn đầu ra bậc THPT trình độ chỉ A2 và phổ điểm đã có 2 hình yên ngựa nhưng môn tiếng Anh vẫn có gần 45% dưới điểm trung bình. Như vậy, GS Đức cho rằng, tiếng Anh vẫn là "điểm đen" trong giáo dục.

Với năng lực ngoại ngữ và các môn cốt lõi như trên, tuyển sinh vào đại học dễ dãi với những điểm văn và giáo dục công dân tràn lan điểm giỏi, thế hệ trẻ sẽ rất khó để nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.

Giáo sư lọt top thế giới cảnh báo tiếng Anh vẫn là điểm đen của giáo dục - 2

Nhiều người còn nghĩ STEM là môn học tích hợp như ở bậc phổ thông (Ảnh: Mỹ Hà).

Chưa chú trọng STEM ở bậc đại học

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng cho biết tại Việt Nam còn có nhiều bất cập liên quan đến giáo dục STEM. 

Cụ thể, chúng ta nói nhiều đến giáo dục STEM nhưng đa phần dư luận xã hội hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và toán ở bậc phổ thông, chưa chú trọng đến giáo dục STEM ở bậc đại học.

Nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chất lượng nhân lực Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Chẳng hạn tại thời điểm xây dựng chiến lược nhân lực (2010), Việt Nam có chỉ số xếp hạng về giáo dục đại học - đào tạo nhân lực là 93 trong số 131 quốc gia trong danh sách xếp hạng.

Tư duy phản biện của nhân lực Việt Nam xếp hạng 113/140 (Diễn đàn kinh tế thế giới 2018) và theo một báo cáo của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp năm 2022, về chất lượng đào tạo, Việt Nam đứng thứ 102/141.

Để không bị tụt hậu, theo đề xuất của GS Nguyễn Đình Đức, cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM và tiếng Anh kể cả trong bậc THPT, cũng như ở giáo dục bậc đại học.

"Cùng với hội thảo này, chúng ta kỳ vọng như một tiếng chuông thức tỉnh - điều trước tiên là để thống nhất ý chí và nhận thức sâu sắc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở các bậc trình độ về tầm quan trọng của giáo dục và nguồn nhân lực STEM để thực thi các giải pháp thiết thực nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam", GS Đức nói.