Áp dụng giáo dục STEM cấp tiểu học như thế nào?
(Dân trí) - Ngày 15/4, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo xây dựng và khai thác học liệu hỗ trợ triển khai hiệu quả bài học STEM trong trường tiểu học.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia về giáo dục STEM, cán bộ quản lý giáo dục và thầy cô giáo đến từ nhiều nơi trên cả nước.
Xây dựng sản phẩm giáo dục STEM
Chia sẻ về quá trình xây dựng học liệu và tổ chức hỗ trợ giáo viên khai thác học liệu triển khai đại trà giáo dục STEM cấp tiểu học, ông Hà Sỹ Tuyển - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát hành Sách Giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết, hiện nay, Công ty đã xây dựng hệ sinh thái giáo dục STEM đáp ứng đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT với cả ba hình thức bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM, làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Quy trình xây dựng sản phẩm, tư liệu, học liệu và sản phẩm giáo dục STEM EBD gồm 8 bước đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính thực tiễn.
Đó là: (1) Lựa chọn và mời chuyên gia; (2) Nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các công trình khoa học liên quan đến giáo dục STEM trong và ngoài nước; (3) Xây dựng đề cương, mô hình sản phẩm; (4) Làm sản phẩm mẫu; (5) Thử nghiệm sản phẩm tại trường học; (6) Hoàn thiện sản phẩm; (7) Góp ý của các chuyên gia và các cơ quan chức năng; (8) Hoàn thiện và phát hành sản phẩm.
Ông Hà Sỹ Tuyển chia sẻ thêm, bộ sách Bài học STEM - sản phẩm cốt lõi tiếp theo về giáo dục STEM có sự đồng hành từ các chuyên gia giáo dục STEM của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, kế thừa kết quả của các Sở GD&ĐT thực hiện thí điểm giáo dục STEM thời gian qua theo Kế hoạch số 526/KH-BGDĐT ngày 17/5/2022 về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM cấp tiểu học.
Chủ biên của bộ sách là TS Tưởng Duy Hải, các tác giả TS Trần Thúy Ngà, TS Đào Thị Sen, TS Cao Hồng Huệ, TS Vũ Thị Ngọc Thúy… đều là các chuyên gia giáo dục STEM của Bộ GD&ĐT.
Bộ sách được thực hiện bài bản từ khâu biên soạn đề cương, lập kế hoạch giáo dục, tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, đến tổ chức dạy thực nghiệm, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo và ghi hình bài dạy minh họa.
Mỗi cuốn trong bộ tài liệu có 17 bài học STEM; mỗi bài thực hiện trong 2 tiết, bám sát yêu cầu cần đạt, kế hoạch dạy học các môn toán, tự nhiên - xã hội ở lớp 1, 2 và toán, công nghệ, tin học, tự nhiên - xã hội ở lớp 3 và khoa học lớp 4; tích hợp thêm yếu tố âm nhạc, mỹ thuật nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả của giáo dục thực hành, hợp tác theo nhiều cách khác nhau để thúc đẩy tính sáng tạo, thẩm mỹ, trí tò mò và sự thấu cảm của học sinh.
Các thiết kế bài học STEM trong bộ sách đáp ứng tối đa yêu cầu, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 909/BGDĐT-GDTH ban hành ngày 8/3/2023.
Định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh
Bộ sách cũng được chuẩn bị hệ sinh thái tài nguyên phong phú hỗ trợ giáo viên dạy và học sinh tự học gồm: Kế hoạch thực hiện bài học STEM cho cả năm học lớp 1, 2, 3, 4; Kế hoạch bài dạy của từng bài học; Bài giảng điện tử định dạng Powerpoint; Video - clip bài dạy minh họa; Tài liệu bồi dưỡng tập huấn giáo viên về phương pháp triển khai và đánh giá; Phiếu thực hành…
Chia sẻ với Dân trí, TS Tưởng Duy Hải nói, mục tiêu của tài liệu là thực hiện bài học STEM theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, tránh việc tổ chức các hoạt động giáo dục STEM không bám sát với mục tiêu cần đạt của các môn học và hoạt động giáo dục cấp Tiểu học.
Tại hội thảo, các đại biểu, thầy cô giáo đã thảo luận theo tổ về thực hiện đại trà bài học STEM theo các khối lớp; sự đáp ứng của bộ sách Bài học STEM theo yêu cầu cần đạt các môn học được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Sau một ngày, Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện nội dung, hình thức của giáo dục STEM trong chương trình giảng dạy bậc Tiểu học.
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, STEM là phương pháp giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học để phát triển phẩm chất, năng lực, giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.