Giảm tai nạn giao thông bằng ứng dụng cảnh báo điểm xóc
(Dân trí) - Nhóm sinh viên Vũ Văn Cường, Lê Hồng Dũng, Lâm Hải Vũ, Nguyễn Duy Trí (FPT Edu) đã phát triển giải pháp cảnh báo điểm xóc cho lái xe nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Ứng dụng mang tên Smart Traffic hoạt động trơn tru trên nền tảng Android, có khả năng thương mại hóa cao.
Theo thống kê, cứ 17 phút, nước Anh lại tốn 432 bảng Anh để khắc phục hậu quả do mặt đường xấu gây ra. Năm 2011, người ta ghi nhận tới 20 triệu ổ gà trên khắp các tuyến đường châu Âu. Còn ở Việt Nam, tình trạng đường không bằng phẳng, gây khó khăn cho việc di chuyển đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Xuất phát từ thực tế đó, 4 sinh viên FPT Edu đã đề xuất giải pháp xác định các ổ gà, ổ voi trên đường và đưa ra cảnh báo kịp thời cho lái xe để tránh tai nạn hoặc thiệt hại cho xe. Giải pháp gồm 2 ứng dụng Android. Một ứng dụng thu thập vị trí các điểm xóc trên đường thông qua cảm biến gia tốc và tổng hợp thành mạng lưới/ bản đồ. Ứng dụng còn lại đưa ra cảnh báo bằng giọng nói hoặc tin nhắn cho lái xe khi gần đến điểm xóc.
Nhóm chia sẻ trên thực tế đã có nhiều giải pháp cảnh báo điểm xóc trên đường tuy nhiên hạn chế của sản phẩm này là tốn nhiều chi phí và thiết bị vận hành, khó phát triển tại các quốc gia đang phát triển, hạ tầng giao thông còn hạn chế.
Khắc phục những vấn đề đó, ứng dụng Smart Traffic có giao diện bắt mắt, dễ sử dụng và đặc biệt thân thiện với người dùng. Người dùng vừa nhận được cảnh báo để chủ động hơn khi di chuyển trên đường, vừa có thể tham gia đóng góp thông tin vào mạng lưới chỉ thông qua các thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng được tích hợp tính năng chỉ đường hay đưa ra lời khuyên về các tuyến đường ít điểm xóc hơn.
Khi thử nghiệm trên Đại lộ Thăng Long (huyện Thạch Thất, Hà Nội), ứng dụng đã phát hiện 40 điểm xóc với độ chính xác gần như tuyệt đối. Cách mỗi điểm xóc từ 200 - 300 mét, ứng dụng đều tự động phát ra cảnh báo để lái xe giảm tốc độ hoặc đánh lái để giảm va chạm.
Giao diện hoạt động của ứng dụng trong thực tế
Chứng kiến sản phẩm chạy demo ổn định, thuật toán sử dụng thông minh và giao diện ứng dụng thân thiện với người dùng, thầy Hoàng Xuân Sơn, giảng viên FPT Edu, cho rằng sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa: “Tôi thấy ứng dụng của các bạn rất hay, có ý nghĩa thực tế. Tôi cũng từng đặt ra câu hỏi là tại sao một chức năng hữu dụng như thế lại chưa xuất hiện ở trên các ứng dụng lớn như Google Maps. Bởi vậy nếu có thể cải tiến các tính năng hơn, đóng gói sản phẩm một cách hoàn thiện thì rõ ràng triển vọng cho sản phẩm là rất lớn”.
Theo các sinh viên FPT Edu, một hướng thương mại hóa khác của sản phẩm là bán cho các hãng ô tô để họ tích hợp chức năng nay vào hệ thống cảm biến trên xe. “Nhóm sẽ tiếp thu các ý kiến của Hội đồng Phản biện để tiếp tục cải thiện các tính năng, đồng thời tạo thêm phiên bản của ứng dụng trên iOS để nhiều người có thể sử dụng và đóng góp thông tin vào hệ thống hơn.” - Duy Trí cho biết.
Ngọc Hải