Giải mã vì sao học sinh chuyên Toán học càng lên cao càng yếu
(Dân trí) - Học sinh càng lên cao càng đuối là do chúng ta đào tạo chưa đúng cách, thiếu những giáo viên giỏi và tâm huyết chứ không phải vì em đó học lớp chuyên toán…”
Đó là ý kiến của PGS Phan Thị Hà Dương tại buổi tọa đàm “Chuyên toán đi đâu về đâu?” do Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức. Tham gia buổi tọa đàm có GS Trần Văn Nhung, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, TS Trần Nam Dũng và GS.TS Nguyễn Khắc Minh.
Thành công trong đào tạo thế hệ làm Toán
Theo GS Trần Văn Nhung – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cựu học sinh chuyên toán Tổng hợp A0, mặc dù cũng là dân chuyên toán và ông đã chuẩn bị nhiều kiến thức để hy vọng hiểu được về bổ đề cơ bản. Tuy nhiên, khi nghe GS Ngô Bảo Châu nói về bổ đề 200 trang do GS này thực hiện thì ông càng không hiểu hơn cả lúc chưa nghe.
Điều đó chứng tỏ “hậu sinh khả úy”, thế hệ sau luôn có kiến thức sâu và rộng hơn thế hệ trước. Đây là điều đáng mừng cho sự phát triển của toán học Việt Nam ở thế hệ sau.
Được hỏi phải chăng các nhà toán học hàng đầu của nước ta đều là cựu học sinh chuyên toán, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (Trường ĐHKHTN- ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Tôi tập trung sự chú ý vào chừng 20-30 nhà toán học người Việt được xem là thành đạt nhất hiện nay, ở trong cũng như ngoài nước. Phải thừa nhận rằng ở độ tuổi sinh từ 1950 trở lại đây, (tức là độ tuổi vào học cấp 3 từ khi có hệ Phổ thông Chuyên toán, lúc đầu ở Miền Bắc, sau 1975 được lập trong cả nước), rất khó tìm được một nhà toán học thành đạt người Việt lại không phải là cựu học sinh chuyên toán.”
“Từ quan sát đó, nếu kết luận ngay rằng hệ Phổ thông Chuyên toán đã thành công, thậm chí không thay thế được, trong việc đào tạo cả một thế hệ làm toán thành đạt, thì tôi e hơi vội vàng và khiên cưỡng.”
“Vì sao? Một quan sát khác cho thấy tất cả những đồng nghiệp nước ngoài trong chuyên ngành Tôpô Đại số mà tôi từng gặp trên toàn thế giới đều chưa từng học lớp chuyên toán.” - GS Hưng cho biết.
Cũng theo lý giải của GS Hưng: “Không có con số thống kê, nhưng bằng quan sát trực tiếp, tôi thấy phần lớn
“Nếu phải chọn lại, tôi vẫn chọn làm toán nhưng không chọn học chuyên toán, bởi vì tôi muốn con người tôi không bị áp lực từ nhỏ, và phát triển một cách chậm rãi, điềm tĩnh hơn” – GS Nguyễn Hữu Việt Hưng.
các nhà toán học thành đạt trên thế giới đều chưa từng học lớp chuyên toán. Họ là các công dân các quốc gia có nền khoa học phát triển: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật…, nơi thậm chí các lớp chuyên toán không tồn tại.”
“Vậy phải chăng ta nên nhận định một cách khiêm nhường hơn: Ở nước ta, hệ Phổ thông Chuyên toán đã thành công trong việc đào tạo một thế hệ làm toán?”
Rồi ông nhận xét tiếp: “Ngay cả kết luận như thế, tôi e rằng vẫn vội vàng. Vì sao vậy? Bởi vì, các lớp chuyên toán ở ta khi tuyển sinh đã gần như vét sạch những học sinh tỏ ra có năng khiếu về toán từ nhỏ; Những người này, vốn là những tinh hoa của đất nước, dù học hay không học chuyên toán nhiều người trong số họ cũng có thể trở thành các nhà toán học. Nếu như không trở thành các nhà toán học, họ cũng có thể trở thành các nhà khoa học trong những lĩnh vực khác…”
Không bỏ lớp chuyên, nên sửa cách dạy
Chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm, PGS Hà Dương (Viện Toán học Việt Nam) khẳng định, chuyên toán phải tồn tại ngay từ bậc THCS, học sinh thi đầu vào phải thi riêng một môn toán chứ không phải cả toán và tiếng Việt như hiện nay.
Ngoài ra, việc thi cử áp lực cũng ảnh hưởng đến việc học của các em và xuất hiện thế hệ học sinh “gà nòi” chỉ chăm chăm cho các cuộc thi.
Nữ PGS này đề xuất, Nhà nước phải có quy chế đặc biệt với các lớp chuyên Toán ít học sinh, có giáo viên cực tốt để dạy. Chúng ta nên chọn những người có năng khiếu vào chuyên toán chứ không phải vào chuyên toán để chọn người có năng khiếu.
Theo GS. TS Nguyễn Khắc Minh (Cục Khảo thí & Kiểm định chất lương GIáo dục- Bộ GD&ĐT), người từng nhiều năm dẫn đoàn học sinh Việt Nam đi dự thi Olympic Toán Quốc tế, hiện có rất nhiều luồng ý kiến trong xã hội về chuyên toán. Nhiều người cũng kiến nghị bỏ lớp chuyên toán vì chôn vùi tuổi thơ.
“Thực ra trước đây, chúng ta đòi xóa bỏ trường chuyên ở cấp 2 vì bệnh thành tích, có xã cũng xin mở trường chuyên cấp 2. Vì thế, thay vì chấn chỉnh lại, chúng ta lại ra nghị quyết xóa bỏ.
Tôi đồng ý với cô Hà Dương, trước hết cần làm tốt việc dạy Toán ở các lớp dưới rồi mới tính chuyện cao hơn. Nên sửa lại cách dạy và bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên bởi thực trạng đại đa số giáo viên dạy chuyên toán hiện chưa đáp ứng được năng lực với học sinh chuyên toán”, ông Nguyễn Khắc Minh khẳng định.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Trần Nam Dũng (giải nhì Toán Quốc tế năm 1983) quan niệm, vào bậc THPT mới tiến hành học chuyên toán là muộn. Nếu bắt đầu từ sớm, học sinh sẽ có cách tiếp thu kiến thức tốt nhất, không tạo sức ép lên người thầy.
TS Dũng cũng cho rằng, do các lớp chuyên toán luôn đặt nặng vấn đề thành tích, làm sao để đạt được thành tích trước mắt nên dạy các em theo kiểu nhồi kiến thức chứ không đề cao việc học.
Với kiểu học tập này, học sinh sẽ đuối ngay bởi các em luôn phải lao đến cái đích quá gần. Trong cuộc chạy đua ngắn, học sinh có thể đạt thành tích nhưng về sau các em sẽ thực sự đuối.
Văn bản đầu tiên của bài "Giải mã vì sao học sinh chuyên Toán học càng lên cao càng yếu" có những trích dẫn phát biểu của Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng không chính xác, kể cả những câu được đặt trong ngoặc kép. Theo yêu cầu của Giáo sư, chúng tôi đã sửa lại bài viết. "Dân trí" thành thật xin lỗi Giáo sư và bạn đọc về sự cố nghiệp vụ này.
Quốc Huy