Gần 70% trúng tuyển sớm là thí sinh ảo
(Dân trí) - Số thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng 1 chỉ chiếm 32,2%. Như vậy, có gần 70% thí sinh ảo, gây khó khăn cho các trường trong xét tuyển.
Gần 50% thí sinh trúng tuyển ngay nguyện vọng 1
Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học chiều 26/8 tại TPHCM.
Số thí sinh thi tốt nghiệp THPT có giảm vào năm 2023 nhưng lượng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng giáo dục mầm non tăng 4,56% so với 2022.
Cụ thể, số thí sinh dự thi THPT năm 2022 là 1.011.589 em, có 620.477 em đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, chiếm 61,34%. Năm 2023, trong tổng số 1.002.100 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT; có 660.258, chiếm 65,9%.
Tổng số nguyện vọng năm nay là 3.396.325, cao hơn mức 3.098.730 của năm trước.
Theo số liệu cập nhật mới nhất, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 tăng 7,9% so với 2022. Trong đó, thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng (NV) 1 là 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển ở 3 NV đầu tiên chiếm 74,9% và trúng tuyển ở 5 NV đầu tiên là 85,1%. Trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 NV.
Tỷ lệ ảo vẫn nhiều
Chia sẻ cụ thể hơn về kết quả trúng tuyển sớm, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho hay, thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký NV1 là 32,2%. Số thí sinh trúng tuyển thẳng theo quy chế xác nhận nhập học ngay chỉ chiếm 30,48%.
Số liệu này cho thấy quy trình, quy chế đang giúp cho thí sinh có cơ hội trúng tuyển ở những NV ưu tiên hơn chứ không phải theo tuyển sớm và tuyển thẳng.
"Số lượng thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký NV1 chỉ chiếm 32,2% như vậy còn gần 70% thí sinh có nguyện vọng ảo, chưa phải là nguyện vọng yêu thích nhất. Do đó, các trường cũng khó dự báo thí sinh ảo. Đây là điều cảnh báo các trường để điều chỉnh phương án ở những năm sau", bà Thủy nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cũng lưu ý, năm 2023, vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.