TPHCM:
Đủ kiểu tận thu, chia chác của ê kíp tại Trường THCS Lam Sơn
(Dân trí) - Với việc thu vô tội vạ, chia theo lợi ích nhóm, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn (quận 6, TPHCM) - bà Kha Lệ Thanh cùng “ê kíp” đã chia chác những khoản tiền khổng lồ.
“Máy xay tiền ” phụ huynh học sinh
Sau những tố cáo của tập thể giáo viên Trường THCS Lam Sơn (Q.6, TPHCM) và quá trình thanh tra kéo dài trong nhiều tháng, thanh tra quận 6 “khui” ra những chuyện khó tin về việc thu - chi, quản lý tài chính xảy ra tại trường này.
Từ năm học 2011 - 2012 trở về trước, theo quy định mức thu tiền tổ chức bán trú 30.000 đồng/tháng. Ngoài quy định, trường thu thêm từ 48.000 - 120.000 đồng/tháng/HS với mục đích để sử dụng chi cho việc tổ chức ôn tập, dò bài HS bán trú, chăm lo cho HS bán trú nghỉ trưa.
Đầu năm học 2013 - 2014, đang chờ Sở GD-ĐT TPHCM và kế hoạch thu của Phòng GD-ĐT, trường đã tạm thu từ tháng 8/2013 - 10/2013 tiền tổ chức phục vụ bán trú là 270.000 đồng, nước uống 5.000 đồng, buổi 2 là 40.000 đồng cho mỗi tháng. Số tiền thu thừa trong 3 tháng này lên đến gần 220 triệu đồng và đến tận tháng 5/2014 mới hoàn trả cho HS.
Với lý do để tiện việc thu tiền ăn bán trú, trường thu 10 tháng/năm, không tính trừ những ngày HS được nghỉ theo quy định như lễ, Tết. Đến tháng cuối năm học, kế toán bán trú tính tổng số ngày HS được nghỉ trong năm học để làm cơ sở hoàn trả tiền ăn thừa cho phụ huynh.
Cụ thể năm 2011 - 2012 số tiền phải hoàn trả là trên 309 triệu đồng, năm học 2012 - 2013 số tiền phải trả trên 1 tỷ đồng. Sau khi hoàn trả, số tiền vẫn còn thừa của hai năm học là trên 215 triệu đồng.
Số tiền này được kế toàn tự ý chuyển vào nguồn thu cơ sở vật chất bán trú. Sau này, hiệu trưởng Kha Lệ Thanh mới biết việc này nhưng nghĩ không thể trả lại tiền ăn thừa cho các em lớp 9 đã ra trường nên bà cũng đồng ý chuyển vào nguồn cơ sở vật chất bán trú. Trong khi theo quy định khoản thu hộ - chi hộ này sử dụng không hết và muốn sử dụng số tiền này phải họp xin ý kiến phụ huynh.
Các mặt hàng thực phẩm trường mua ở nhiều nhà cung cấp khác nhau, có hóa đơn tài chính đầy đủ. Nhưng thực tế trên hóa đơn không ghi xuất xứ các mặt hàng, nhiều mặt hàng không ghi rõ của công ty nào.
Đặc biệt, một số mặt hàng như đường, bột ngọt, muối, hạt nêm, dầu ăn… trường mua qua sạp 15 Lê Tấn Kế ở chợ Bình Tây. Nhưng sạp này lại chỉ bán bánh kẹo và tham gia với vai trò trung gian mua hàng cho trường nên giá các mặt hàng thực phẩm HS phải "gánh" đều cao hơn ngoài thị trường.
Từ năm 2006, khi chuyển từ mô hình bán công sang công lập, HS của trường được học miễn phí tại phòng Lab 1 tiết/tuần từ tiền ngân sách nhưng từ đó đến nay trường vẫn đều đặn thu mỗi HS 10.000 đồng/tháng. Gần 10 năm trời với sĩ số học sinh gần 2.000 là một số tiền khổng lồ.
Tận dụng được giấy thi thừa của các kỳ thi tổ chức tại trường nên trong nhiều năm gần đây, trường không phải in giấy thi. Nhưng trường vẫn tranh thủ thu tiền giấy thi của HS.
Bên cạnh những khoản tận thu của phụ huynh HS, nhiều khoản thu tại trường như tiền cho thuê căn tin, nguồn thu giữ xe, tiền hoa hồng bán đồng phục... động đến khoản nào đều mập mờ, vào sổ không rõ ràng.
Chỉ riêng việc cho thuê căng tin, trường không thực hiện đấu thầu mà cho thuê với giá chỉ 185 triệu đồng/năm từ năm học 2009 - 2010 đến năm 2013 - 2014. Sau phản ánh của GV, giá cho thuê căng tin mới “nhảy” lên tận 600 triệu đồng.
Tiền lọt vào túi “nhóm lợi ích”
Bên cạnh việc tận thu bằng mọi cách là đủ kiểu chia chác “lọt” vào túi bà hiệu trưởng Kha Lệ Thanh và nhóm “vây cánh”.
Tiền Nha học đường theo hướng dẫn của Sở là nguồn thu hộ - chi hộ, phải được sử dụng đúng mục đích (chi lương cho nhân viên nha, thuốc, dụng cụ khám chữa răng và
Bà Kha Lệ Thanh được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, nhận Huân chương Lao động hạng 3 năm 2008 và từng nhận rất nhiều huy chương danh dự khác. Mới đây bà Thanh được trao Huân chương Lao động hạng 2 nhưng vì sai phạm nên việc trao Huân chương đang phải ngưng lại. |
Trong hai năm học 2012 - 2013 và 2013 - 2014, trường thu 20.000 đồng/HS thì chỉ một số tiền nhỏ dùng mua thuốc trám răng. 20% số tiền được chi bồi dưỡng cho ban giám hiệu, kế toán, thủ quỹ.
Trong hai năm 2012 - 2013, ban giám hiệu trường không thực hiện đủ số tiết đứng lớp theo quy định nhưng hiệu trưởng Kha Lệ Thanh và hai hiệu phó là Trần Nguyên Nhứt và Từ Thị Thu Trang vẫn ung dung lĩnh hàng chục triệu đồng tiền chế độ phụ cấp ưu đãi.
Đối với nguồn thu bảo hiểm y tế HS, theo quy định 4% tổng số tiền thu từ HS được trích lại để hỗ trợ cho những người thực hiện công tác thu khoản tiền này. Thế nhưng số tiền này lại được chia cho ban giám hiệu, kế toán, thủ quỹ, nhân viên y tế.
Theo đoàn thanh tra, các khoản chi từ các nguồn thu như học phí buổi hai, vi tính, quản lý bán trú cho giáo viên, bảo dưỡng, bam giám hiệu hàng năm đều thay đổi theo hướng tăng nhiều hơn cho các bộ phận gián tiếp, theo đó hiệu trưởng được hưởng phần nhiều nhất.
Việc điều chỉnh tăng mức chi của bà Kha Lệ Thanh thiếu công bằng giữa các GV và các bộ phận còn lại. Trong đó lộ rõ lợi ích nhóm qua việc bà Thanh cho rằng chỉ có ban giám hiệu, kế toán, thủ quỹ, giám thị mới tham gia vào công tác bán trú mà không tính tới bộ phận giáo viên dò bài.
Ngoài ra cũng chỉ bà Thanh và ê kíp này được hưởng tiền bồi dường từ nguồn thu Anh văn bản ngữ. Rồi đến việc chi bồi dưỡng lễ, Tết, bà Thanh cũng mạnh tay chi sai quy định hàng trăm triệu đồng cho “nhóm”.
Với việc chi cho lợi ích nhóm khủng khiếp như vậy, chỉ mới tính trong hai năm 2012 - 2013, từ các khoản chi sai quy định thanh tra quận 6 đề nghị thu hồi từ 12 cá nhân gồm hiệu trưởng Kha Lệ Thanh, hai phó hiệu trưởng, thủ quỹ, hai kế toán cùng 6 giám thị số tiền gần đến 1,2 tỷ đồng.
Thủ quỹ từng “om” của trường hơn 900 triệu đồng Theo ghi nhận của đoàn thanh tra, khi Trường THCS Lam Sơn thay thủ quỹ, kế toán, theo biên bản bàn giao giữa thủ quỹ cũ và thủ quỹ mới ngày 4/8/2011, số tiền mặt tồn quỹ cần bàn giao là trên 976 triệu đồng nhưng thủ quỹ cũ là Lục Thị Kim Oanh chỉ bàn giao được chưa đến 59 triệu đồng. Theo giải trình của thủ quỹ này, do gia đình khó khăn nên tự ý rút tiền của nhà trường. Đến tận tháng 3/2014, sau 9 lần chi trả, Lục Thị Kim Oanh mới hoàn lại số tiền chiếm dụng. Về sự việc này bà Kha Lệ Thanh giải trình, đến khi bàn giao bà mới biết thủy quỹ Oanh chiếm dụng tiền quỹ nhưng không báo công an và cấp trên do Oanh khóc và đòi tự vẫn. Hiệu trưởng lập khống biên bản họp liên tịch Tháng 10/2012, trong công văn hướng dẫn các trường việc chi bồi dưỡng từ các nguồn thu của Phòng tài chính kế hoạch Q.6 đã nhắc nhở các trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trên nguyên tắc tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ công khai. Tuy nhiên, hiệu trưởng Kha Lệ Thanh không chỉ đạo triển khai thực hiện, tiếp tục vi phạm việc không gửi dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ cho tập thể trường góp ý kiến trước khi ban thành. Đồng thời, bà Thanh còn lập khống biên bản họp liên tịch ngày 9/10/2013. |
Lê Đăng Đạt