Du học sinh Việt mưu sinh kiệt sức tại đất khách để "mang tiền về cho mẹ"

Lệ Thu

(Dân trí) - Bất chấp đi làm "chui", ngủ 3 tiếng/ ngày hay làm nhiều việc một lúc… là cách mà nhiều du học sinh Việt làm để có thể mang tiền về cho mẹ trong dịp Tết.

Tất nhiên, không có bố mẹ nào bắt ép họ phải làm như vậy. Nhưng đó là lựa chọn và công việc hàng ngày họ đang phải làm để mưu sinh nơi đất khách, phần là để báo hiếu cho sự vất vả của bố mẹ suốt những năm tháng vất vả.

Từ làm "chui" cho đến việc ngủ 3 tiếng/ngày 

Nguyễn P.L (sinh năm 2001) hiện đang là sinh viên năm thứ nhất tại một trường đại học ở Hàn Quốc. Chọn con đường du học Hàn Quốc và nghĩ rằng cuộc sống nơi đây toàn màu hồng, nhưng thực tế đã khiến P.L cảm thấy ngậm ngùi, có những giây phút nghẹn ngào cảm thấy hối hận. 

"Khi mới sang, mình hoàn toàn bị choáng ngợp với sự thay đổi về môi trường, văn hóa nơi đây. Giao tiếp ngôn ngữ chưa thành thạo khiến tìm việc làm thêm trở nên vô cùng khó khăn", P.L nói.  

Du học sinh Việt mưu sinh kiệt sức tại đất khách để mang tiền về cho mẹ - 1

Để trang phải chi phí học tập, sinh hoạt hàng ngày và thêm dư giả, P.L đã xin vào làm "chui" tại một xưởng phụ tùng ô tô gần trường.

P.L chia sẻ: "Du học sinh ở Hàn Quốc chỉ được phép làm tối đa 20 giờ/tuần học. Nếu chỉ làm đúng số giờ quy định thì sẽ chẳng có một đồng dư giả nào cả. 

Nhiều khi làm "chui" mình cũng lo sợ cảnh sát có thể ập tới và hỏi giấy tờ tùy thân bất cứ lúc nào. Việc làm chui sẽ cho mình nguồn thu nhập cao hơn và có thể tự đóng học phí, trang trải cuộc sống".

Đã là cái Tết thứ 2 xa nhà, nhưng P.L vẫn cố gắng đi làm thêm gửi tiền về cho gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. 

Với P.L, việc gửi tiền về cũng sẽ là thêm một cái Tết đầy đủ hơn cho gia đình, giảm gánh nặng số chi phí bố mẹ bỏ ra cho cô nàng sang Hàn Quốc du học. 

P.L bộc bạch: "Quan niệm giữa tiền và tình thân thì với mình tình thân luôn trên hết. Dẫu bạn có gửi thật nhiều tiền nhưng mình chắc chắn bố mẹ luôn muốn nhìn thấy bạn bằng xương bằng thịt hơn là nghe tiếng ting ting ở ngân hàng. 

Còn về việc tiền mang về là báo hiếu hay trách nhiệm thì mình nghĩ tùy thuộc vào mục đích gửi của mỗi người. Đó như trả lại số tiền bố mẹ đầu tư cho bạn sang nước ngoài du học và cũng là tấm lòng của bạn tiết kiệm gửi về đỡ đần bố mẹ".

"Đừng đặt nặng vấn đề mang tiền về là gì mà hãy thấy vui vì bạn có thể mang tiền về cho gia đình. 

Gia đình luôn trân quý số tiền bạn gửi về nhưng quý hơn là sức khỏe của con cái vậy nên hãy giữ cho mình một sức khỏe thật tốt và biết hài hòa giữa việc học và đi làm", P.L nhấn mạnh. 

Cũng giống P.L, cuộc sống của Khắc Hoàng trở nên khó khăn hơn và nam du học sinh phải bắt đầu đi tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống sau 3 tháng đến Hàn Quốc.

Du học sinh Việt mưu sinh kiệt sức tại đất khách để mang tiền về cho mẹ - 2
Lê Khắc Hoàng (sinh năm 2000, quê Yên Bái) hiện đang là sinh viên năm thứ 2, Khoa Quản trị Khách sạn, Trường Đại học Kyonggi Seoul (Hàn Quốc).

Khắc Hoàng đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, từ nhà hàng, phục vụ quán ăn cho đến công việc văn phòng. Tất cả các công việc cũng vất vả như nhau, nhiều khi khiến anh chàng kiệt sức.

"Mỗi lần tan làm mình như kiệt sức thậm chí không còn tâm trí gì dành cho việc học cả và điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến với việc học của mình. 

Đó chính là một sự đánh đổi rất lớn giữa ước mơ và đồng tiền mưu sinh nơi xứ người. Nhưng cũng đành chịu, ước mơ vẫn còn đó, mình đã quyết tâm dù làm có mệt như thế nào đi chăng nữa thì vẫn cố dành thời gian ra, thậm chí là cắt hết thời gian ngủ để tập trung cho việc học", chàng trai 22 tuổi tâm sự.

Du học sinh Việt mưu sinh kiệt sức tại đất khách để mang tiền về cho mẹ - 3
Theo Khắc Hoàng, Tết chính là thời điểm mà nhiều du học sinh Việt tại Hàn Quốc cảm thấy áp lực và cố gắng để có thể gửi về cho gia đình một khoản.

Hoàng cho hay: "Đối với những du học sinh như mình, Tết lại là lúc cảm thấy cô đơn, tủi thân nhất và thậm chí là áp lực nhất. Cô đơn vì không thể về bên gia đình, tủi thân vì dù là đêm giao thừa cũng phải cặm cụi làm việc đến kiệt sức. 

Và áp lực vì phải đối diện với những câu hỏi phải nhận vào ngày Tết, áp lực vì chính khái niệm về "chữ hiếu" do chính bản thân đề ra. Đó là: "Mình phải cố gắng để có thể gửi quà, gửi tiền về cho gia đình dù là chút ít". 

Với Hoàng, "mang tiền về cho mẹ" vừa là báo hiếu và là trách nghiệm do chính bản thân đề ra. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều muốn giúp đỡ ba mẹ, cũng muốn dành một cái gì đó do chính bản thân mình làm ra để tặng. 

"Nó như thay như một lời nói "Con yêu gia đình" và sự chứng minh rằng giờ đây con cũng đã có thể giúp đỡ được gia đình, có thể lo lắng được cho ba, mẹ rồi!", Hoàng nghẹn ngào kể.

"15 đô la/ giờ, chẳng thể dư chút nào tại Canada"

Rời Sài Gòn ngày 2/2/2020 (mùng 8 Tết), để đến Canada du học và phát triển bản thân. Bảo Thi cứ cuốn theo cuộc sống của một du học sinh, nhịp sống bận rộn của một đất nước tư bản.

Thi chia sẻ: "Mình còn nhớ như in ngày mình đặt chân xuống Canada, mình phải lao đầu vào tìm công việc để trang trải những đồng tiền cho bản thân.

Công việc đầu tiên mình kiếm được tiền là đứng cashier (nhân viên thu ngân tại bộ phận lễ tân - PV) cho một tiệm nhà hàng. Những đồng tiền mình kiếm được chỉ đủ cho mình trả tiền nhà, tiền bill điện thoại, tiền sinh hoạt cho bản thân".

Du học sinh Việt mưu sinh kiệt sức tại đất khách để mang tiền về cho mẹ - 4
Theo Bảo Thi, thực tế hầu như tất cả các bạn du học sinh sang đây thì chỉ làm được công việc bán thời gian và hoàn toàn sẽ không có dư giả vì Canada quy định sinh viên còn đi học chỉ được đi làm tối đa 20h/ 1 tuần.

Thi kể rằng: "Nhiều sinh viên Việt Nam đang quay cuồng trong guồng quay của làm thêm chui, mong muốn có tiền trang trải cuộc sống, gửi về đỡ đần gia đình, dẫn tới việc thiếu thời gian học tập, nhất là dịp Tết đang cận kề".

Giờ đây thứ mình đáp trả lại là cố gắng học hành và cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay để còn đi làm kiếm được đồng lương cao hơn cho ba mẹ cảm thấy vui và tự hào", Thi tâm sự. 

Mang tiền về cho mẹ là chưa đủ

Đã 5 năm đón Tết xa nhà, Khánh Linh cho rằng: "Mang tiền về cho mẹ thôi chưa đủ, cái bố mẹ cần hơn cả là tình thương và là sự quan tâm của con cái".

Du học sinh Việt mưu sinh kiệt sức tại đất khách để mang tiền về cho mẹ - 5
Khánh Linh bộc bạch: "Bố mẹ mình ở nhà nhiều khi cũng tiết kiệm, chẳng dám ăn, cũng chẳng dám mặc. Lúc nào cũng chỉ lo lắng cho con gái ở nơi đất khách có vất vả hay thiếu thốn thứ gì không.

Không muốn phụ lòng của bố mẹ nên lúc nào mình cũng cố gắng để có một tương lai tốt hơn, đền đáp lại những khó khăn, vất vả của bố mẹ khi đưa mình sang đây".

"Mang tiền về cho mẹ" cũng thật quý, nhưng với Khánh Linh tốt hơn là "đừng mang ưu phiền" về cho mẹ. Bởi nếu cứ vì chạy theo giá trị của đồng tiền mà bỏ bê việc học, thậm chí là bỏ học làm việc bất hợp pháp thì sẽ khiến bố mẹ buồn phiền nhiều hơn. 

Trong mỗi cuộc gọi về với bố mẹ, mẹ luôn thủ thỉ với Khánh Linh rằng: "Những đồng tiền con gửi về phải là những đồng tiền dư dả và làm ra trong hạnh phúc. Tiền và hạnh phúc chỉ là nhu cầu vật chất và tinh thần của con, chúng phụ thuộc, bổ sung cho nhau".

Nghe rồi Khánh Linh mới hiểu thật không dễ dàng gì với lo lắng của cha mẹ khi mình gửi tiền về. 

"Khi tôi lớn lên, mẹ không muốn tôi sống một cuộc sống vất vả như thế. Mẹ đã cho tôi học hành tới nơi tới chốn, được đi đó đây, tôi đã có nhiều cơ hội kiếm tiền. Khoảng thời gian này, tôi thấy nụ cười hạnh phúc của mẹ. Nụ cười đó tôi chẳng thể nào quên", Khánh Linh thổ lộ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm