Cuộc sống của du học sinh màu gì?
(Dân trí) - Câu hỏi đặt ra là nếu cuộc sống du học không phải là màu hồng thì du học để làm gì? Đây chính là điều mỗi bạn trẻ trước khi du học phải có câu trả lời.
Nếu con không muốn, chưa sẵn sàng thì đừng ép
Đừng theo thời, theo bạn bè, theo hàng xóm, và đừng vì áp lực của ai cả. Người ở nhà nghe chữ "du học" thì xuýt xoa, kiểu "Trời ơi thích quá, sướng quá". Mình thì nghĩ cái gì cũng có giá của nó, cuộc sống ở đâu cũng có mặt này mặt kia, và cuộc sống của du học sinh chắc chắn không phải là một màu hồng lung linh.
Với những phụ huynh đang muốn gửi con cái du học, mong các bạn hãy nói chuyện với con như người lớn. Hãy hỏi con có thích và muốn du học hay không, quan trọng hơn là con đã sẵn sàng xa gia đình hay chưa. Nếu con không muốn, không thích, hoặc chưa sẵn sàng thì đừng ép.
Và chỉ cần con muốn/thích đi thì xong, mọi chuyện còn lại sẽ rất dễ dàng. Mong bạn hãy cùng con tìm hiểu các lựa chọn khác nhau, và bàn bạc cùng con xem lựa chọn nào là phù hợp với con (về mặt tính cách, sở thích, nguyện vọng). Đừng dùng "quyền" phụ huynh để áp đặt các bé, cũng đừng gửi các bé đi nước này nước nọ chỉ vì muốn giống bạn bè, hàng xóm.
Quan trọng hơn nữa, hãy chuẩn bị cho con một sự tự lập và tự tin nhất định, cũng như sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần trước khi con lên đường. Đừng bao giờ để con rơi vào tình trạng phải băng qua sông khi chưa biết bơi.
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng họ dành dụm tiền cả đời, làm lụng cật lực cả đời để con cái được sung sướng, và một trong những cái sung sướng là được du học, vì vậy bổn phận con cái là phải học cho giỏi. Còn chuyện học gì, học ở đâu đã có bố mẹ lo, có các công ty du học lo, có trường học lo. Cũng có nhiều phụ huynh nghĩ rằng cứ cho con du học thì tự khắc con sẽ học được tính tự lập, tự tin...
Họ quên mất rằng trong bao nhiêu năm từ lúc sinh con ra tới lúc tiễn con du học, họ đã bọc con kín mít trong trường chuyên lớp chọn, trong các lớp học thêm, trung tâm ngoại ngữ... đến nỗi nhiều bé tuổi teen không biết xài tiền, không tự đi được từ nhà đến trường, không biết tự nấu một nồi cơm, không biết tự thức dậy vào buổi sáng.
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng gửi con sang ở cùng người thân thì sẽ có người thân chăm sóc, quan tâm... Xin thưa, ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, cho dù là bà con thân thuộc cỡ nào thì ai cũng có cuộc sống riêng, có những mối lo riêng. Có thương có yêu cách mấy cũng không thể chăm lo được cho con bạn như bạn kỳ vọng đâu! Chỉ có cách các bé phải tự lập mà thôi!
Chủ động tìm hiểu thông tin, có chính kiến và tự chịu trách nhiệm
Với các bạn đang muốn du học, cho dù là bậc học nào, mong các bạn hãy chủ động với kế hoạch học tập của mình. Bạn có thể hỏi người này người kia để tham khảo thêm, nhưng nhất định bạn phải chủ động tìm hiểu thông tin và rút ra chính kiến riêng của mình, và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đừng bao giờ nghe thông tin từ một nguồn - phải cross check (kiểm tra chéo). Đặc biệt với những bạn dự định du học bậc đại học và sau đại học, cho dù đa số các nước đều cho phép đi làm thêm thì bạn cũng đừng bao giờ để mình bị áp lực tài chính đè nặng, tức là ở vào thế phải đi làm thì mới có đủ chi phí sinh hoạt.
Hãy chuẩn bị đủ tài chính cho suốt thời gian bạn đi học, rồi nếu tìm được việc làm thêm thì tốt, còn không thì bạn vẫn có thể yên tâm học hành và phát triển bản thân (thông qua việc đi làm volunteer chẳng hạn). Cho tới thời điểm này, các nước như Anh, Australia, Mỹ, Canada, New Zealand đều có chế độ post-study work visa, nên sau khi tốt nghiệp xong bạn có thể ở lại thêm một thời gian để đi làm, lúc đó bạn kiếm tiền không muộn.
Đó là vì khi vừa sang mình chưa bắt được nhịp cuộc sống, chưa hiểu văn hóa địa phương, không có kinh nghiệm làm việc với người bản xứ, không có mối quan hệ... Thành ra, nếu phải vừa đi học vừa phải chịu thêm áp lực cơm áo gạo tiền thì đuối luôn. Lúc đó, cuộc đời du học đảm bảo là một màu đen thui! Nhiều bạn còn áp lực tiền bạc đến độ làm quá giờ quy định, bỏ học...
Những cái này không nên chút nào, vì bạn có thể bị trục xuất về nước như chơi - cái này thì không ai muốn hết bởi vì nếu trường hợp xấu xí này xảy ra thì từ đó cho đến hết đời, bất cứ khi nào bạn xin visa vào một nước khác, bạn phải khai ra là bạn đã từng bị trục xuất (bạn có quyền không khai, nhưng nếu các cơ quan di trú biết thì coi như bạn có thêm một dấu đen nữa, mà chuyện họ cross check với nhau dễ ợt).
Nếu làm nghiên cứu thì hãy nghĩ xem mình có đủ "lì"
Với những bạn muốn làm nghiên cứu/research, đây là một lĩnh vực rất dễ xin học bổng. Nhưng bạn phải tìm hiểu kĩ nghiên cứu là gì và làm như thế nào. Bạn phải hình dung ra cuộc sống của một nghiên cứu sinh, khác gì so với cuộc sống của một sinh viên học coursework, và khác gì so với một người đi làm. Hãy nghĩ xem mình có đủ "lì" để làm một việc trong một năm liên tục (365 ngày) hay trong 3-4 năm liên tục hay không.
Hãy nghĩ xem mình có đủ đam mê và khả năng để vừa đọc vừa tổng hợp thông tin từ các loại tạp chí chuyên ngành, nào skimming, scanning, deep reading... một lượng (trung bình) 300-400 bài academic articles trong vòng 5-6 tháng hay không. Hãy nghĩ xem mình có sẵn lòng vứt bỏ những thành tựu mình đã đạt được ở corporate life để bắt đầu lại từ con số 0 trên con đường học thuật hay không.
Tóm lại là đời du học sinh không chỉ có màu hồng! Màu gì thì do cách mình chuẩn bị và đương đầu với nó thôi.
Tâm Lê sinh ra và lớn lên ở Gò Công; là cựu học sinh trường Chuyên Tiền Giang, và có khoảng một năm theo học tại ĐH Sư Phạm TPHCM và ĐH Ngoại Thương TPHCM. Cô từng là du học sinh ở thành phố Melbourne, Australia (Cử nhân Kinh tế ĐH La Trobe, chuyên ngành Tài chính & Kinh doanh Quốc tế; Thạc sĩ Thương mại Ứng dụng trường ĐH Melbourne, chuyên ngành Marketing) với học bổng toàn phần của Chính phủ Australia (AusAID & ADS).
Cách đây gần 4 năm, Tâm Lê sang du học ở thành phố Dunedin, New Zealand (Thạc sĩ Thương mại ĐH Otago, chuyên ngành Quản trị Marketing) với học bổng Thạc sĩ Nghiên cứu của ĐH Otago.
Chị có hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực marketing và từng đảm nhiệm các vị trí: Giám đốc thương hiệu (FrieslandCampina Vietnam/ Dutch Lady Vietnam; Unilever Vietnam); Giám đốc thương hiệu tập đoàn (Diageo Vietnam); Giám đốc thương hiệu vùng Đông Nam Á (Diageo South East Asia); Giám đốc thị trường Việt Nam (Education New Zealand); Giám đốc Marketing và Truyền thông (UC International College, ĐH Canterbury).
Hiện tại, thạc sĩ Lê Tâm đang làm việc tại ĐH Otago, thành phố Dunedin, New Zealand.