Động viên "Con cố gắng lên!" có thể khiến trẻ thấy mình là gánh nặng

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Phụ huynh động viên con không đúng cách và phản ứng tiêu cực trước những cơn nóng giận của con trong giai đoạn ôn thi nước rút có thể vô tình gây thêm áp lực tâm lý với trẻ.

"Con cố lên!" là lời động viên quen thuộc của những bậc phụ huynh có con đang trong giai đoạn ôn thi quan trọng. Tuy nhiên, lời động viên tưởng chừng đơn giản này có thể vô tình gây ra những tổn thương tâm lý và tạo thêm gánh nặng tinh thần cho con trong giai đoạn nước rút.

Để giúp phụ huynh và học sinh tháo gỡ những trở ngại về tâm lý này, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là nghiên cứu sinh lĩnh vực tâm lý học lâm sàng, có những chia sẻ, phân tích dưới góc độ chuyên môn của mình. động viên con cố gắng

Động viên Con cố gắng lên! có thể khiến trẻ thấy mình là gánh nặng - 1
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền trao đổi, tháo gỡ khúc mắc và giải tỏa tâm lý cho phụ huynh và học sinh lớp 9 tại sự kiện tư vấn thi vào trường chuyên (Ảnh: Phương Nhung).

Động viên "Con cố lên!" đúng cách

Theo Thạc sĩ Hiền, lời động viên nếu không được nói đúng cách có thể khiến người nghe cảm thấy bản thân như trở thành gánh nặng.

"Nghe những lời động viên như vậy có thể khiến con trẻ cảm thấy bản thân đang trở thành gánh nặng, phải "gồng" mình để vươn lên và đối phương đang phải kéo mình lên.

Đồng thời, lúc này, người lớn vô tình đặt mình cao hơn các con trong khi điều các con đang cần là sự đồng hành, sự bình đẳng, ngang hàng khi giúp con tháo gỡ những khúc mắc", chị Hiền phân tích.

Thêm vào đó, lời động viên này cũng vô tình thể hiện sự kỳ vọng của phụ huynh, khiến con cảm thấy bản thân đang trở thành tâm điểm của sự chú ý, được quan tâm nhiều hơn, từ đó trẻ càng trở nên áp lực hơn.

Thạc sĩ Hiền cũng khẳng định, bản chất của lời động viên này không xấu, nhưng cần được thể hiện đúng cách, đúng thời điểm.

Để lý giải rõ hơn cho quan điểm của mình, chị phân tích, khi phụ huynh có niềm tin con có thể đạt được mục tiêu của mình, ví dụ như trước khi con bước vào phòng thi với tâm thế sẵn sàng thì lời động viên "Con cố lên!" sẽ tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin cho con.

Ngược lại, nếu thực tế năng lực của con còn quá xa so với vạch đích mà phụ huynh đặt ra cho con mà bản thân con trẻ cũng cảm nhận được điều đó, thì lời động viên ấy có thể khiến "người trong cuộc" thấy nặng nề hơn.

"Mỗi học sinh vẫn luôn cần những điểm tựa để có thể kéo mình lên nhưng điều ấy không nên chỉ luôn là "Con cố gắng lên!". Người lớn nên thể hiện sự đồng hành bằng những hành động thiết thực, giúp con tự vươn lên", Thạc sĩ Hiền khẳng định.

Động viên Con cố gắng lên! có thể khiến trẻ thấy mình là gánh nặng - 2
Thạc sĩ Hiền đang động viên nữ sinh trong buổi tư vấn tâm lý cho phụ huynh, học sinh lớp 9 (Ảnh: Phương Nhung).

Một trong những hành động thể hiện sự đồng hành với con mà chị Hiền đề xuất bao gồm: Để con tham gia những hoạt động giúp con tiếp nhận quá trình học tập một cách thoải mái nhất, chuẩn bị cho con tâm lý và thể chất khỏe mạnh. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tìm hiểu và phòng tránh những nguồn nguy cơ như: Áp lực đồng trang lứa, sự kỳ thị, tẩy chay… có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của trẻ trong giai đoạn căng thẳng thi cử.

Cách thừa nhận cảm xúc tiêu cực của con

Ngoài việc mệt mỏi về tinh thần và thể chất, sự cáu gắt cũng là một trong những biểu hiện phổ biến ở một số em học sinh trong giai đoạn ôn thi nước rút.

Giải mã về trạng thái tâm lý này của các sĩ tử, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cho biết, ôn thi là giai đoạn các em học sinh đang phải xử lý nhiều thông tin cùng một lúc trong một khoảng thời gian ngắn, khiến đầu óc luôn trong trạng thái "căng tràn". Do đó, nếu phải tiếp nhận thêm những thông tin mà bản thân các em đánh giá rằng nó tiêu cực thì đó sẽ là "giọt nước tràn ly", khiến các em bộc phát cơn giận.

"Sự cáu gắt lúc này giống như một phản ứng tự vệ để đáp lại những thông điệp đó", chị Hiền phân tích.

Theo thạc sĩ Hiền, khi đối diện với sự gắt gỏng của con trong giai đoạn này, điều đầu tiên phụ huynh nên làm là nhìn nhận lại cách tiếp cận với con có tạo nên "giọt nước tràn ly" không.

"Có thể thấy rõ những mâu thuẫn này qua trường hợp con đang mệt nhưng phụ huynh lại không biết và thúc giục con học tiếp hay khi con chỉ đang có nhu cầu học nhưng phụ huynh lại căn ke chuyện ăn uống, nghỉ ngơi,…

Mặc dù ý đồ của cha mẹ là muốn tốt cho con nhưng đối với con, trong một số trường hợp, đó lại là điều tiêu cực", chị Hiền đưa ra ví dụ.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên lắng nghe cảm xúc của bản thân, để cảm xúc của mình thật cân bằng và bình ổn, từ đó tác động tích cực tới con.

"Việc phụ huynh thể hiện sự lo lắng, sốt ruột, thậm chí còn áp lực hơn cả con đồng nghĩa với việc tâm lý của phụ huynh đang không cân bằng. Điều này có thể dẫn tới việc tác động đến con thiếu tích cực", chị Hiền phân tích.

Động viên Con cố gắng lên! có thể khiến trẻ thấy mình là gánh nặng - 3
Nam sinh căng thẳng trong khi chờ đợi trong phòng thi (Ảnh minh họa: M.H).

Bên cạnh nhìn nhận lại cảm xúc của mình, chuyên gia cũng khuyên các bố mẹ nên lắng nghe và cảm nhận cả cảm xúc của con. Việc cảm nhận cảm xúc của con có thể bắt đầu từ việc tìm hiểu về đặc điểm tâm lý tuổi dậy thì. Từ đó, bố mẹ phân tích và thấu hiểu cho những gì con đang phải đối mặt: Con đang trong giai đoạn nào?; Con đang phải chịu những áp lực gì?… để rồi thông cảm và chấp nhận những phản ứng của con.

Nhung Phương