Đồng Tháp thực hiện kế hoạch thu hút học sinh mê học các môn xã hội
(Dân trí) - Từ thực trạng ngày càng có nhiều học sinh “chán” học các môn xã hội nên đầu năm học 2014, ngành Giáo dục Đồng Tháp đã triển khai Kế hoạch “Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn trong nhà trường phổ thông”, giai đoạn 2014 -2016.
Hiện nay các môn Khoa học Xã hội (KHXH) như: Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân… ngày càng ít học sinh (HS) “mê” học, thể hiện rõ nhất là số lượng HS đăng ký dự thi ĐH, CĐ khối C ngày càng giảm sút. Do vậy, nhiều năm qua ngành GD đã có nhiều giải pháp để “vực dậy” các môn KHXH và hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực toàn diện cả về kỹ năng, chuyên môn lẫn đạo đức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tại ĐBSCL, Đồng Tháp được xem là tỉnh tiên phong thực hiện kế hoạch “Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn KHXH & NV trong nhà trường phổ thông” khi Đồng Tháp ký kết với trường ĐH KHXH & NV thực hiện kế hoạch trong giai đoạn 2014 -2016. Xung quanh Kế hoạch làm các HS “mê” học các mộn học xã hội, PV Dân trí có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp Hồ Văn Thống.
PV: Chúng tôi được biết, năm học 2014 -2015 là năm đầu tiên ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp thực hiện kế hoạch “Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn KHXH & NV trong nhà trường phổ thông”. Vậy từ những lí do nào, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp tiên phong thực hiện kế hoạch này?
Thứ ba, trước những vấn đề cấp bách đó, việc nhìn nhận lại những thành tựu giáo dục đạo đức và hiểu biết xã hội trong các trường phổ thông đã đạt được trong thời gian qua, nhất là các môn KHXH, cũng như việc đánh giá đúng những thiếu sót, khó khăn cần được nghiên cứu và giải quyết hiệu quả, hợp lý.
Thứ tư, không chỉ ở Đồng Tháp mà của cả nước, đó là thực trạng chất lượng dạy học các môn KHXH & NV chưa cao, HS “ngán” và “chán” học các môn này. Do vậy, cần phải có biện pháp để khắc phục tình trạng này nhằm mục tiêu phát triển toàn diện cho HS và đảm bảo cân đối nguồn nhân lực giữa KHXH - NV với khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời gian tới.
PV: Nội dung hướng đến của kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy các môn KHXH & NV là gì, thưa ông?
Kế hoạch tập trung 5 định hướng về đổi mới phương pháp giảng dạy như sau: Tạo bước đột phá trong thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về công tác giáo dục và đào tạo; công tác dạy và học các môn KHXH & NV; Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học các KHXH & NV; phương pháp dạy học và phương thức kiểm tra đánh giá các môn KHXH & NV; Học tập kinh nghiệm, trao đổi, giao lưu, chia sẻ việc thực hiện đổi mới các nội dung nêu trên của các môn KHXH&NV; Đánh giá thực trạng sau thời gian tập huấn, triển khai đổi mới dạy học các môn các môn KHXH & NV. Đào tạo nâng cao trình độ và năng lực cán bộ quản lý và giảng dạy các môn KHXH cho tỉnh Đồng Tháp (bậc cao học).
PV: Tham gia kế hoạch này, các giáo viên sẽ được tập huấn những kỹ năng gì hoặc được trang bị thêm những kiến thức gì, thưa ông? Mức độ đồng tình của các giáo viên tham gia kế hoạch?
Tham gia kế hoạch này, các giáo viên được tập huấn nâng cao thêm rất nhiều kỹ năng cho cá nhân người dạy như: kỹ năng tiếp cận HS và đồng nghiệp, kỹ năng thể hiện ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ hình thể, kỹ năng sử dụng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy…
Giáo viên được trang bị thêm nhiều kiến thức: giáo dục hiện đại , chuyên ngành, liên môn, bổ trợ, xã hội,…
Qua đó giáo viên vận dụng được các kiến thức và các kỹ năng vào giảng dạy. Đặc biệt là trang bị cho giáo viên những phương pháp đổi mới giảng dạy các môn KHXH & NV ở trường phổ thông
Các giáo viên được các trường cử tham gia kế hoạch này đều đồng tình với kế hoạch hợp tác này và tham gia rất tích cực. Qua các hoạt động của kế hoạch đã được triển khai, mức độ chú ý cũng như tham gia của giáo viên rất cao.
PV: Khi thực hiện Kk hoạch này, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp thấy được những thuận lợi, khó khăn nào? Và những khó khăn đó sẽ được khắc phục ra sao?
Tất nhiên là khi bắt tay vào thực hiện một công việc gì mới cũng có những khó khăn và thuận lợi nhất định. Đối với kế hoạch này, chúng tôi cho rằng khi triển khai thực hiện có các khó khăn và thuận lợi sau:
Khó khăn về mặt chủ quan hiện nay là cách dạy và học các môn KHXH & NV theo lối học vẹt, thụ động, thiếu cập nhật kiến thức đã “ăn sâu” trong suy nghĩ không chỉ của HS mà cả giáo viên trong thời gian dài vừa qua. Do vậy, khi “thay đổi” cả cách dạy và cách học tất nhiên sẽ vấp phải trở ngại về tâm lý của không ít HS và một bộ phận giáo viên.
PV: Phương án triển khai cũng như mục tiêu hướng đến của kế hoạch này là gì, thưa ông?
Mục tiêu chính của kế hoạch này gồm: Cung cấp phương pháp luận giảng dạy các môn KHXH trong thời đại mới; cung cấp các phương pháp cụ thể dùng trong giảng dạy các môn KHXH hiện nay; Xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với các phương pháp giảng dạy mới.
Về phương án triển khai, Kế hoạch sẽ được triển khai trong giai đoạn 2014 - 2016 với nhiều hoạt động: tập huấn, hội thảo, tham quan thực tế… để nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên.
PV: Khi Bộ GD-ĐT chọn kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Có nhiều ý kiến cho rằng một lần nữa các môn KHXH & NV sẽ bị các em HS lãng quên? Như vậy, kế hoạch “Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn KHXH trong nhà trường phổ thông” của ngành Giáo dục Đồng Tháp sẽ có vai trò và ý nghĩa như thế nào đối với các em HS?
Tôi cho rằng, đây là câu hỏi rất hay và mang tính thời sự rất cao. Theo số liệu thống kê của năm học vừa qua, số lượng HS đăng ký thi các môn KHXH rất thấp. Tôi cho rằng việc chọn các môn KHXH để thi tốt nghiệp, hoặc chọn thi để xét tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, phương án thi không là yếu tố quyết định; có chăng chỉ là một trong nhiều yếu tố.
Như đã nêu ở trên, mục tiêu của kế hoạch tập trung: cung cấp phương pháp luận giảng dạy các môn KHXH trong thời đại mới; cung cấp các phương pháp cụ thể dùng trong giảng dạy các môn KHXH hiện nay; và xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với các phương pháp giảng dạy mới.
Với cách tiếp cận mới về quan điểm giáo dục toàn diện, HS phải được tạo môi trường học tập thuận lợi để phát huy năng lực sở trường của mình theo định hướng nghề nghiệp. Bộ GDĐT đã chỉ đạo các trường THPT đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng đòi hỏi HS vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống. KHXH & NV như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí đã được ra theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt HS học thuộc lòng, đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của HS vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...);
Đồng thời, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS trong quá trình được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học; HS không coi nhẹ môn học nào; từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ trong nhà trường.
Kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy xuất phát từ mong muốn đào tạo HS vừa giỏi về chuyên môn, đạo đức và kiến thức xã hội; nhằm giúp HS yêu môn học hơn; đặc biệt kế hoạch có tác động mạnh đến công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.