Bình Định:
Đổi mới hướng nghiệp cho học sinh: Chọn nghề phù hợp nhu cầu xã hội
(Dân trí) - Trước nhu cầu của thị trường lao động, giáo dục hướng nghiệp cần thay đổi về nội dung lẫn hình thức triển khai ngay ở phổ thông, trong đó học sinh cần tự nhận thức năng lực, sở thích bản thân.
Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, các trường cần xây dựng hoạt động trải nghiệm thực tế, tìm hiểu ngành nghề cho học sinh tối thiểu 1 lần/năm.
Mô hình mô phỏng hội nghị Liên hợp quốc
Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn) Phan Thị Ly Giang cho hay, từ năm học 2018-2019, hàng năm, mỗi lớp có từ 1-2 chuyến học tập trải nghiệm theo chủ đề như: học tập trải nghiệm thông qua việc tổ chức lễ hội Trung thu cho học sinh Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn và làng nghề truyền thống ở thị xã An Nhơn của các lớp chuyên Tiếng Anh.
Học tập trải nghiệm tại cao nguyên Vân Hòa (tỉnh Phú Yên), tại Hầm Hô (huyện Tây Sơn) của lớp chuyên Ngữ văn; tại khoa Toán và Thống kê (Trường ĐH Quy Nhơn) của lớp chuyên Toán; hay tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo của lớp chuyên Toán - Tin.
Bên cạnh đó, hoạt động CLB của học sinh nhà trường là một hình thức trải nghiệm phát triển khá mạnh, hiệu quả, chuyển từ "thầy thiết kế - trò thi công" dần sang "trò tự thiết kế, trò tự thi công"; đặc là mô hình hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc Lê Quý Đôn mở rộng - LQDOMUN.
"Đây là những hoạt động mà học sinh hoàn toàn chủ động lên ý tưởng, lập kế hoạch xác định mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức và tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, việc tham gia CLB giúp các em học hỏi và rèn luyện được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng. Quan trọng là xác định được năng lực, sở thích bản thân, từ đó có định hướng nghề nghiệp cho phù hợp", cô Giang cho hay.
Chia sẻ thêm về mô hình hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc, cô Giang nói: "Mô hình này các em tự tìm tòi rồi đề xuất ý tưởng thực hiện từ năm 2017. Đây là mô hình giả định một cuộc họp Liên hợp quốc, trong đó người tham gia đóng vai trò là đại biểu của các nước và thảo luận với nhau những chủ đề mang tầm vĩ mô
Các em tham gia hội nghị có cái nhìn sâu sắc hơn về các vấn đề toàn cầu. Hội nghị trình bày hoàn toàn bằng tiếng anh nên các em sẽ phát triển được kỹ năng nói, kỹ năng tranh biện, hùng biện".
Tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế
Trong khi đó, thầy Huỳnh Ngọc Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (thị xã An Nhơn), cho rằng hiện công tác hướng nghiệp của nhà trường còn nhiều hạn chế như chưa thực hiện hết chức năng của giáo dục hướng nghiệp; chưa tạo ra sự chuyển biến về thái độ nghề nghiệp và hiểu biết nghề nghiệp; đặc biệt chưa phát triển được năng lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của từng học sinh.
"Công tác tư vấn chọn nghề cho học của nhà trường cũng chỉ dừng lại ở việc tổ chức giới thiệu ngành nghề để các em xem xét lựa chọn hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo tư vấn, giới thiệu ngành nghề đào tạo. Đây chỉ là giải pháp tình thế, thực sự chưa mang lại hiệu quả cao trong định hướng học sinh chọn lựa ngành học phù hợp", ông Mai nhận định.
Theo thầy Mai, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp cần tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế, linh hoạt hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp, đảm bảo học sinh được tiếp cận đầy đủ thông tin về xu hướng và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.
TS Trần Thị Việt Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung khẳng định giáo dục hướng nghiệp là trách nhiệm của trường đại học, trường phổ thông và gia đình. Sự phối hợp giữa các bên sẽ giúp học sinh hiểu và lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp. Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa của 3 yếu tố: sở thích, năng lực và điều xã hội cần. Vì vậy, học sinh rất cần sự hướng dẫn, tư vấn ngay trong trường học và gia đình.