Điều đặc biệt về 3 bài thơ viết năm 23 tuổi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(Dân trí) - 3 bài thơ được sáng tác vào mùa xuân năm 1967, nằm trong tập san lưu hành nội bộ của nhóm sinh viên khoa Văn khóa VIII Đại học Tổng hợp Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là người lưu giữ tập san này.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam - là bạn đồng môn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng cùng học tại khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông cũng là Trưởng Ban liên lạc lớp Văn khóa VIII (1963-1967).
Trong thư viện cá nhân có hơn 1 vạn đầu sách của ông, tư liệu về người bạn học đặc biệt được ông sắp xếp, lưu trữ cẩn trọng.
Ông đánh dấu từng trang sách có nội dung về lớp, về các bạn mình.
Một trong những tư liệu quý mà PGS Thiện giữ gìn nhiều năm qua là 3 bài thơ được chàng sinh viên khoa Văn Nguyễn Phú Trọng viết cách đây hơn nửa thế kỷ, vào mùa xuân năm 1967.
Đáng nói, cả 3 bài thơ là thủ bút của tác giả Nguyễn Phú Trọng, ký bút danh Phú Trọng với nét chữ tuổi 20 ngay thẳng, gọn gàng.
Đây cũng là lần đầu tiên PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện cung cấp cho báo Dân trí 3 bài thơ này.
"Mùa xuân năm 1967, nhóm sinh viên năm thứ 4 khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp chúng tôi đi thực tế tại Lạng Sơn. Cảm hứng từ những tấm gương thanh niên xung phong trong lao động, sản xuất và chiến đấu đã giúp chúng tôi sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật sống động.
Chúng tôi xem bản báo cáo thực tế của chúng tôi là tập san lưu hành nội bộ. Ngày ấy chúng tôi không có thời gian đánh máy chữ, nên tự viết tay 3 bản. Tác phẩm của ai sẽ do người đó viết.
Một bản chúng tôi tặng cho đơn vị thanh niên xung phong, một bản chúng tôi nộp cho nhà trường, một bản do lớp trưởng giữ.
Qua thời gian, các bản bị thất lạc. Nhưng một sự việc may mắn tình cờ đã mang một bản photo của cuốn tập san đó trở lại tay tôi vào năm 2015", PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.
Mở từng trang cuốn tập san viết tay của những chàng sinh viên khoa văn mơ mộng, PGS Thiện đọc cho phóng viên Dân trí từng câu thơ ký tên "Phú Trọng" mà ông tâm đắc.
Đó là những câu thơ sáng ngời lý tưởng phụng sự:
"Hoa Tổ quốc hai miền đều khoe sắc
Rực rỡ trong Nam, chói ngời đất Bắc
Hãy ươm thêm hoa trên mảnh đất này
Cho con người càng có vị hương say
Lạng Sơn ơi, mùa hoa đang chín đỏ
Tôi đến tôi đi giữa những anh hùng
Đường Tổ quốc anh góp phần nối mở
Để mỗi ngày thêm rạng những chiến công"
(Trích Mùa hoa)
"Vẫn họ đấy, núi rừng ơi có biết
Mới hôm nào còn tíu tít đến trường
Vai đỏ khăn quàng chạy rộn đường mương
Trống vào học, còn đuổi nhau, mò cá
Vẫn họ đấy, trên đường quen đất lạ
Của Kinh Môn, Tràng Định, Ninh Giang
Của Lộc Bình, Văn Lãng, Bình Giang…
Ôi sông núi của quê cha đất mẹ
Họ đem tuổi hai mươi đi làm đường chống Mỹ"
(Trích Gặp anh)
Đó còn là những câu thơ bay bổng, mang đậm tinh thần lãng mạn cách mạng của tuổi 20:
"Ngày đi học không có hoa cài tóc
Các bạn cười, em tôi chỉ khóc
Mẹ cắt cho em bằng giấy đóa hoa nhài
Em chẳng vừa lòng, phụng phịu ném đi ngay
Mẹ thương em, mẹ giồng hoa thiên lý
Rồi cha đi tìm trúc bắc thêm giàn
Em nhảy nhót, nô cười hơn nắc nẻ
Bím tóc hoa cài thơm nức cả đêm trăng"
(Trích Hoa thiên lý)
Cũng trong cuốn tập san này, trang đầu tiên ghi lời ký tặng đơn vị thanh niên xung phong do lớp trưởng Nguyễn Hữu Khang viết. Trang cuối cùng là mục lục do sinh viên Nguyễn Phú Trọng viết.
Tập san có 27 tác phẩm thơ, văn, nhạc, họa, thì riêng sinh viên Nguyễn Phú Trọng có 3 bài thơ. Trên mỗi trang thơ còn có hình minh họa vẽ tay bằng bút mực.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện không rõ ai là người đã vẽ minh họa cho tập san.
Nhắc về người bạn học Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ông và mọi người trong lớp Văn khóa VIII Đại học Tổng hợp khi gặp Tổng Bí thư đều xưng hô thân mật kiểu bạn bè quen thuộc.
"Anh Trọng cũng muốn thế. Chúng tôi xưng hô với nhau là bạn. Các chức vụ trong Đảng và Nhà nước đều được để ở bên ngoài những cuộc họp lớp, gặp mặt thân tình của bạn bè chúng tôi.
Trong cuộc gặp gần đây do lớp tổ chức, Ban Liên lạc lớp đã tặng anh một bản photocopy tập san viết tay trên. Anh vui mừng cảm ơn khi nhận ra những bài thơ mình thăng hoa cảm hứng viết hồi nào, giúp anh nhớ lại chuyến đi thực tập năm ấy trong những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc", PGS Thiện hồi tưởng.