Lời chào đặc biệt của Tổng Bí thư khiến hiệu trưởng trường cũ nhớ mãi
(Dân trí) - Ông Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều - đã lặng người vì xúc động khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi ông bằng "thầy" xưng "em".
Năm 2020, trường Nguyễn Gia Thiều kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Ông Lê Trung Kiên, với vai trò hiệu trưởng nhà trường, đã xin được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để trực tiếp đưa thư mời tới Tổng Bí thư - cựu học sinh niên khóa 1957-1963 của trường.
Việc gặp Tổng Bí thư phải đi qua nhiều bước thủ tục. Thế nhưng, khi chính thức gặp mặt, ông Kiên không tin được rằng mình đã được Tổng Bí thư tiếp đón suốt 45 phút.
Vị hiệu trưởng trẻ tuổi của trường Nguyễn Gia Thiều chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông đã lặng người vì xúc động khi Tổng Bí thư chào mình bằng "thầy" xưng "em".
Trong suốt cuộc trò chuyện tâm tình kéo dài 45 phút đó, cách xưng hô của Tổng Bí thư không thay đổi. Mặc dù so về tuổi tác, ông Kiên nhận mình chỉ là con cháu của Tổng Bí thư.
"Tôi thưa với bác, tôi biết bác rất bận rộn việc Đảng, việc nước nhưng vẫn mạn phép gửi tới bác lời mời về trường cũ dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường.
Nhưng bác nói với tôi rằng: "Thưa thầy, đối với em đây là việc rất quan trọng. Giấy mời em đã nhận và đã xem. Nếu điều kiện sức khỏe cho phép và nếu Bộ Chính trị không có việc đột xuất, em sẽ về dự".
Và năm đó, bác đã về dự, với tư cách cựu học sinh của trường", ông Kiên nhớ lại.
Gặp mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Kiên mang theo 1 kỷ niệm chương, 1 phù hiệu và 1 logo của trường Nguyễn Gia Thiều.
Nhận món quà từ tay hiệu trưởng nhà trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đeo phù hiệu ngay với biểu cảm trân trọng và nói: "Báo cáo thầy, đây là lần đầu tiên em được nhận phù hiệu của trường mình".
Ông Kiên kể thêm, Tổng Bí thư có hỏi ông hai câu hỏi. Một là "Trường có mời các thầy cô giáo cũ không?". Hai là "Trường có mời các học sinh cũ không?".
Chỉ với hai câu đó, ông Kiên nhận thấy sự tế nhị, khiêm nhường hiếm có của Tổng Bí thư.
"Tôi hiểu rằng Tổng Bí thư rất muốn gặp lại thầy cô của mình, bạn học của mình trong sự kiện đặc biệt đó.
Tôi thưa với bác rằng, nhà trường mời tất cả các thầy cô từng công tác tại trường, mời tất cả các học sinh từng học tập tại trường. Nghe được điều ấy, bác rất vui.
Người bác mong gặp nhất có lẽ là thầy chủ nhiệm Lê Đức Giảng. Thầy Giảng khi đó đã ngoài 90, đi tàu hỏa từ Quy Nhơn ra. Có lẽ trong thâm tâm, bác hiểu đó có thể là lần gặp nhau cuối cùng của hai thầy trò", ông Kiên chia sẻ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học tại trường Nguyễn Gia Thiều trong 4 năm cấp 2 và 2 năm cấp 3 (từ lớp 5 đến lớp 10). Ông là lớp trưởng lớp 10B, do thầy giáo Lê Đức Giảng làm chủ nhiệm.
Trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của trường, Tổng Bí thư đã nói: "Sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm sâu sắc, những công lao dạy dỗ của các thầy cô, sự giúp đỡ của bạn bè, những ấn tượng tốt đẹp của 6 năm liên tục được học tập dưới mái trường thân yêu Nguyễn Gia Thiều".
Trường Nguyễn Gia Thiều (nay là Trường THPT Nguyễn Gia Thiều) thành lập năm 1950, đặt cơ sở đầu tiên tại thôn Lạc Thổ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đến năm 1951, trường chuyển về địa điểm hiện nay tại số 27, ngõ 298, phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội.
Nhiều năm trở lại đây, trường Nguyễn Gia Thiều luôn nằm trong tốp 10 trường THPT có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất Hà Nội.
Năm nay, trường có thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT là em Nguyễn Hà Nhi, học sinh lớp 12D1. Em đạt 57,85 điểm với 3 điểm 10 ở bài thi tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).