ĐH Oxford hỏi “lắt léo” trong bài phỏng vấn tuyển sinh
(Dân trí) - “Tại sao mắt mèo trông lại sáng rực lên trong bóng tối?” là một trong nhiều câu hỏi khác thường mà các thí sinh thi vào Trường đại học Oxford phải trả lời trong bài thi phỏng vấn tuyển sinh.
Khi số lượng hồ sơ xin học lên đến mức kỷ lục, Trường ĐH Oxford ngày càng dựa vào các cuộc phỏng vấn và bài thi trắc nghiệm đánh giá khả năng và năng lực suy luận của thí sinh.
Khi chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra đợt tuyển chọn sinh viên của ĐH Oxford, các giáo sư của trường này đưa ra một loạt các câu hỏi mẫu để các thí sinh chuẩn bị cho bài phỏng vấn tuyển sinh.
Mike Nicholson, giám đốc tuyển sinh của ĐH Oxford, cho biết các câu hỏi phỏng vấn nhằm “thúc đẩy thí sinh suy nghĩ, chứ không phải là đưa ra các số liệu hay đáp án cụ thể”.
Trong một bài phỏng vấn dành cho các thí sinh ngành Tâm lý học của Trường Brasenose thuộc ĐH Oxford có câu hỏi: “Cái gì là bình thường đối với con người?”.
Trong khi đó, các thí sinh ngành Khoa học sinh học tại Trường St Anne’s College thuộc ĐH Oxford được giám khảo cho xem một cây xương rồng và yêu cầu: “Hãy nói cho tôi về nó”.
Còn một buổi phỏng vấn dành cho thí sinh ngành Khoa học công nghệ y sinh tại Trường St Peter’s College, các giám khảo đặt câu hỏi: “Tại sao mắt mèo trông lại sáng rực lên trong bóng tối?”.
Tại Trường Pembroke College, thí sinh ngành Thần học phải trả lời câu hỏi: “Nếu có người nào liều mạng sống của anh ta và của những người khác trong khi chơi thể thao hoặc trong các hoạt động mạo hiểm, anh ta nên được coi là một anh hùng hay là thằng ngốc?”.
Năm ngoái, có tới 17.144 thí sinh cạnh tranh để giành 3.200 suất vào học tại ĐH Oxford. Năm nay dự kiến lượng thí sinh tiếp tục tăng khi nhu cầu học các khóa học có cấp bằng đang tăng lên khắp nước Anh.
Hiện nay trường đại học cổ kính danh tiếng này của nước Anh đang áp dụng một trong những quy trình tuyển sinh khó nhất trên thế giới, trong đó điều kiện tối thiểu là thí sinh phải có các điểm A trong bài thi GCSE (tương đương kỳ thi tốt nghiệp cấp THCS ở Việt Nam) và A-level (tương đương kỳ thi tú tài ở Việt Nam).
Để trở thành sinh viên ĐH Oxford, ngoài việc đạt điểm cao, đa số các thí sinh phải trải qua hai vòng phỏng vấn, thi trắc nghiệm đánh giá khả năng, nộp bài luận và có người giới thiệu.
Nói về những câu hỏi “quái chiêu” này của ĐH Oxford, Tiến sỹ Nicholas Owen, một nhà tư vấn tuyển sinh, cho rằng không phải là Trường ĐH Oxford đang chọn thí sinh với những câu hỏi “bẫy”.
Theo Tiến sỹ Nicholson, những câu hỏi này trong bài phỏng vấn không nhằm để xem thí sinh đưa ra đáp án đúng hoặc kiểm tra kiến thức chuyên ngành của thí sinh, mà để đánh giá xem các thí sinh phản ứng thế nào trước các ý tưởng mới.