Đàn ong khuyến học
(Dân trí) - Sau mỗi vụ thu hoặch mật, 42 hộ nuôi ong của xã Trường Xuân (Quảng Ninh - Quảng Bình), trích ra một phần để góp vào quỹ khuyến học của xã và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Người khởi đầu cho mô hình nuôi ong khuyến học là anh thương binh 1/4 Trần Xuân Lập, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Trường Xuân. Ông Lập cho biết, mô hình này triển khai từ năm 2001 tại hai thôn Nam Kim Sen và Bắc Kim Sen với 10 đàn ong, hỗ trợ chủ yếu cho con em đồng bào Vân Kiều được đến trường. Mỗi thành viên trong hội đóng góp một đàn ong để làm quỹ hoạt động.
Qua 5 năm, hội đã thu nạp hơn 40 hộ nuôi ong tham gia và đóng góp gần 50 đàn ong cho chương trình đàn ong khuyến học. Trung bình mỗi năm, mỗi đàn ong cho 4 lần lấy mật từ 10-12 kg/năm thu về 1,5-2 triệu đồng/đàn. Ngoài tặng quà và trao các suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, hội còn trao thưởng cho những giáo viên có nhiều đóng góp cho bản làng.
Theo chân ông Trần Xuân Lập, chúng tôi đến thăm nhà em Trần Thị Giảng, một học sinh giỏi người Vân Kiều nhận được sự trợ giúp của chương trình đàn ong khuyến học. Mẹ mất từ năm học lớp 3, sống với người cha bị tâm thần, hai chị em Giảng phải lăn lộn mưu sinh bữa đói bữa no qua ngày. Khi hai chị em sắp phải nghi học ở nhà lên nương thì chương trình đàn ong khuyến học đến kịp... động viên và giúp đỡ vật chất để hai em được tới trường. Giảng tâm sự: “Em muốn đi học để sau này trở thành cô giáo dạy chữ cho con em dân bản, nuôi bố, nuôi em...”.
Theo tổng kết của hội khuyến học huyện Quảng Ninh, chương trình đàn ong khuyến học đã chi gần 40 triệu đồng cho việc khen thưởng và giúp đỡ con em đồng bào vùng cao. Hội đang cho một số thành viên vay vốn để phát triển kinh tế và nuôi con em ăn học. |
5 năm liền nhận được tiền hỗ trợ học phí và sách vở của chương trình, Nguyễn Đình Lương (thôn Nam Kim Sen) xúc động kể lại: “Ba mẹ mất sớm, hai bà cháu lủi thủi nuôi nhau nên việc học của mình cũng dang dở. Năm lớp 10, không đủ học phí em định nghỉ học nhưng nhờ nguồn quỹ đàn ong khuyến học “tiếp sức” nên mới bước tiếp con đường học hành”. Hiện Nguyễn Đình Lương đang công tác tại Học viện Bưu chính Viễn thông và thường xuyên hỗ trợ cho các chương trình khuyến học của hội.
Tham gia chương trình đàn ong khuyến học từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Văn Lãnh (thôn Bắc Kim Sen) sở hữu 40 đàn ong, đóng góp 3 đàn cho hội. Đối với ông, niềm vui lớn nhất là được tiếp sức cho con em dân bản được đến trường học cái chữ Bác Hồ để sau này trở về xây dựng quê hương. Cùng với ông Lãnh có ông Nguyễn Văn Hà (nuôi 10 đàn ong), Trần Văn Thiện ( 11 đàn)… đó là những “tiền bối” của phong trào khuyến học xã Trường Xuân.
Vừa qua, trong lễ tổng kết năm học 2009 của trường THCS Trường Xuân, chín học sinh nghèo học giỏi đã nhận được quà từ quỹ đàn ong khuyến học, trong đó có tám em là người Vân Kiều. Chủ tịch hội khuyến học huyện Quảng Ninh Lê Văn Cần cho biết: “Chương trình đàn ong khuyến học không chỉ đưa lại lợi ích kinh tế mà còn xoá các vùng trắng khuyến học ở địa bàn miền tây huyện, giúp đỡ nhiều học sinh khó khăn được đến trường. Sắp tới hội sẽ nhân rộng mô hình này sang các địa bàn khác”.
Nguyễn Tấn Tài