Đề xuất giờ vào học muộn hơn: Không thể áp đặt khung giờ chung cho cả nước
(Dân trí) - Nhiều nghiên cứu chỉ ra, học sinh bắt đầu vào học từ 8h30, buổi tối ngủ từ 21h30 mới đảm bảo sức khỏe. Nếu áp đặt các trường vào học cùng một giờ, sẽ rất khó khăn bởi đặc trưng riêng từng thành phố.
Trên đây là ý kiến của một số chuyên gia giáo dục liên quan đến việc điều chỉnh giờ học ở một số địa phương đang gây tranh cãi mấy ngày qua.
"Tôi từng kiệt sức vì đi học quá sớm"
Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm (tốt nghiệp Đại học Houston Baptist) cho biết, anh từng sốc khi từ Mỹ trở về Việt Nam vào năm 15 tuổi. Sở dĩ lúc đó anh sốc vì thời gian vào học ở Việt Nam sớm hơn nhiều so với Mỹ.
"Tôi sống ở Mỹ từ bé, giờ học ở đó bắt đầu muộn hơn ở Việt Nam nhưng khi về nước, tôi phải dậy từ 6h sáng để đi học nên sức khỏe bị ảnh hưởng.
Những ngày sau đó, tôi vừa phải thức khuya dậy sớm để học đuổi theo các bạn trong nước, vừa phải ôn tập cho các kì thi nên khi đỗ vào Học viện Ngoại giao, tôi phải bảo lưu kết quả một năm vì kiệt sức", thầy Ngô Huy Tâm nhớ lại.
Từ câu chuyện của bản thân trên đây, đưa đến lý do vì sao chuyên gia này vừa hoạt động giáo dục, vừa nghiên cứu và học tập các vấn đề liên quan đến não bộ cũng như sức khỏe tâm lý trẻ em.
Trở lại với việc điều chỉnh giờ học của một số trường đang gây tranh luận trong vài ngày qua, ông Ngô Huy Tâm cho rằng, tác dụng của giấc ngủ đối với trẻ em, trẻ cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày…, là vấn đề không thể bàn cãi bởi từ trước đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể đưa ra tranh cãi hay nói cách khác là các góc nhìn khác nhau liên quan đến giờ vào học ở các trường phổ thông hiện nay.
"Về mặt y học, nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ con bắt đầu vào học từ 8h30 mới đảm bảo được giấc ngủ và buổi tối phải được ngủ từ 21h30.
Thế nhưng nếu áp đặt các trường vào học cùng một giờ sẽ rất khó khăn bởi lẽ chúng ta có đặc trưng riêng từng thành phố, vùng miền và từng đối tượng học sinh và các phương thức đến trường khác nhau", ông Ngô Huy Tâm cho hay.
Cũng dưới góc nhìn này, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho rằng, thực tế hiện nay nhiều trường đang linh động và bố trí lệch giờ vào lớp, nhất là những trường học 2 buổi/ngày. Họ có thể cân đối giờ học sáng/chiều, để tạo ra khung giờ phù hợp.
Tuy nhiên, đối với những trường chỉ một buổi, khi thực hiện đúng chương trình khung 2018, nếu vào học muộn chỉ khoảng 30 phút đã không thể thực hiện được vì rất khó cho cả giáo viên và người quản lý.
Trường hợp nhà trường học một buổi nhưng mạnh dạn đưa một số môn lên buổi chiều như giáo dục thể chất, hoặc một số bộ môn nào đó thì có thể đẩy lùi giờ vào học muộn hơn nhưng còn phụ thuộc chương trình có cho phép không.
"Với điều kiện thời tiết của Việt Nam, một số địa phương cho học sinh vào học sớm, sao cho buổi trưa các em không tan học quá muộn sẽ rất nắng.
Tuy nhiên, đấy chỉ là một số địa phương linh động sao cho phù hợp với thời tiết, nếu "áp" giờ giấc chung cho cả nước sẽ rất khó vì mỗi địa phương có đặc trưng giao thông và khí hậu", Hiệu trưởng này nói.
Không thể "áp" bài toán chung cho cả nước
Trao đổi với PV Dân trí, một giáo viên tâm lý ở trường THPT tại Hà Nội cho hay, việc "áp" thời gian vào học ở cấp phổ thông phải phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng học sinh và thậm chí phù hợp với cả giờ giấc đi làm của bố mẹ.
Về điều này, ông Ngô Huy Tâm cũng đưa ra quan điểm, nếu đưa ra một cách thức hay giờ giấc chung cho hàng triệu học sinh ở toàn bộ các trường trên cả nước sẽ rất khó khăn.
Thông thường các trường tư thục được tự chủ, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc thay đổi giờ học bởi khối trường này có nhóm học sinh đồng nhất.
Trên khía cạnh chính sách, có thể chia nhỏ đối tượng học sinh ở các địa phương, càng nhỏ càng dễ thực hiện.
Ông Nguyễn Cao Cường thì cho rằng, cách đây khoảng dăm năm, đã từng có địa phương đưa ra sáng kiến cho các trường học lệch giờ để giảm thiểu vấn nạn ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, ngay sau đó ý tưởng này "phá sản" và gây nhiều tranh cãi nên thời gian học của các trường lại trở về vạch xuất phát ban đầu.
Trở lại với việc một số trường học ở TPHCM đề xuất lùi giờ học lên muộn hơn và gây tranh cãi vài ngày gần đây, thầy Cường cho rằng, tốt nhất cần thử nghiệm và thực hiện thí điểm tại một số trường. Đặc biệt, cần trao quyền cho hiệu trưởng thực hiện.
Sau một vài năm, từ kết quả đó có thể tổng kết, điều tra và lấy ý kiến của phụ huynh, có như vậy bài toán mới khả thi.
"Mỗi địa phương có các đặc trưng vùng khác nhau. Chúng ta không thể bắt buộc một khung giờ cho tất cả các trường hay nói cách khác, không thể áp bài toán chung cho cả nước", ông Nguyễn Cao Cường khẳng định.
Hiệu trưởng này đưa ra thí dụ, chẳng hạn có những trường đang vào học lúc 7h30 nhưng lùi xuống 8h. Học sinh vào học muộn 30 phút nghĩa là trong tuần khoảng 6-7 tiết phải đẩy lên buổi chiều. Như vậy, các em phải đi học thêm 2 buổi chiều nữa thì có thể thực hiện được.
Thế nhưng trường hợp có những trường đang phải chia ra hai ca vì thiếu trường lớp, việc đẩy lùi giờ muộn hơn không thể thực hiện được vì gặp nhiều khó khăn.
Một vấn đề rất quan trọng nằm ngoài tính toán khoa học là giờ học của các con phải phù hợp với giờ làm của bố mẹ.
"Vì vậy như tôi nói ngay từ đầu, cần có khảo sát và đồng thuận từ phụ huynh học sinh để có bài toán khả thi", Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường chia sẻ.