Đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ học phí, chi phí cho sinh viên sư phạm
(Dân trí) - Bộ Giáo dục đề xuất sinh viên sư phạm học yếu, rèn luyện yếu sẽ không được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng.
Giảm đối tượng hỗ trợ
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên (SV) sư phạm.
Theo đó, Bộ GD&ĐT bổ sung điểm mới vào nội dung quy định mức hỗ trợ theo kết quả học tập để tạo động lực cho SV sư phạm và nâng cao chất lượng.
Cụ thể, SV sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên (GV) nơi theo học. Ngoài ra, đối tượng này còn được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Điểm mới được đề xuất là từ năm thứ 2 và các năm học tiếp theo, nếu SV có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo GV thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV sư phạm theo năm học.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sửa đổi bổ sung những nội dung liên quan đến cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho SV sư phạm, việc xây dựng dự toán, bố trí kinh phí, việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Tại khoản 4 Điều 85 của Luật Giáo dục 2019 quy định: Học sinh, SV sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.
Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.
Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.
Đề xuất trên được đưa ra dựa trên thực tiễn 2 năm học triển khai thực hiện Nghị định 116. Theo Bộ GD&ĐT, sau 2 năm học, số lượng thí sinh, phụ huynh quan tâm tới các ngành đào tạo GV tăng lên.
Tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển, tỷ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo GV tăng mạnh tương quan với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác.
Điều đó chứng tỏ các chính sách của Nghị định 116 đã có tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đào tạo GV, là tiền đề để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 116 cũng phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Theo thống kê, tỷ lệ SV được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số SV nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số SV đăng ký hưởng chính sách.
Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, số SV thuộc diện đào tạo theo nhu cầu xã hội được ngân sách nhà nước cấp (thông qua Bộ GD&ĐT) chiếm tỷ lệ 75,7% so với số SV đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số SV nhập học.
"Có thể nói phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo GV không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116", Bộ GD&ĐT báo cáo.
Ngoài ra, 6 cơ sở đào tạo đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ. Trong đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 13 chỉ tiêu; Trường ĐH Sư phạm TPHCM 51 chỉ tiêu.
Việc này ảnh hưởng kinh phí đào tạo, kinh phí hỗ trợ cho SV sư phạm, gây mất công bằng giữa các SV sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu và SV sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Các địa phương lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện và chi trả kinh phí đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo GV vẫn có đội ngũ GV xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương.
Kinh phí chậm chi trả
Cùng với đó, hàng năm, Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho SV sư phạm của các cơ sở đào tạo GV thuộc Bộ GD&ĐT. Vì vậy, kinh phí luôn chậm so với kế hoạch đào tạo dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo và SV.
Số SV đăng ký hưởng chính sách là 30.807, trong khi số lượng các địa phương đặt hàng là 1.928 và giao nhiệm vụ là 5.563.
Một số khó khăn khác được chỉ ra như: Không thống nhất tại các văn bản quy phạm pháp luật; SV đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu được chi trả kinh phí từ ngân sách địa phương nhưng sau khi tốt nghiệp có thể không trúng tuyển vào công tác trong ngành giáo dục của địa phương.
Việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho SV sư phạm từ địa phương khác đến học không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vì kinh phí địa phương nào chỉ dùng để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó, không chi cho các đối tượng ngoài địa phương.
Thời gian thông báo chỉ tiêu, thời gian kết thúc đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116 không trùng thời gian xây dựng dự toán (dự toán phải lập trước 1 năm) nên không có cơ sở chính xác để xây dựng dự toán...
Từ các khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng dự toán, bố trí kinh phí thực hiện trên, Bộ GD&ĐT đề nghị bổ sung thêm nội dung hướng dẫn xây dựng dự toán và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.
Hàng năm, căn cứ số chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT thông báo, cơ sở đào tạo GV lập dự toán kinh phí gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho SV sư phạm được cấp cho cơ sở đào tạo GV theo hình thức giao dự toán theo quy định.
Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho SV sư phạm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Các địa phương khó khăn chưa cân đối được ngân sách được ngân sách trung ương hỗ trợ để đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.
Bộ GD&ĐT cũng đề xuất về nội dung bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.