Đề Văn vào lớp 10 TP.HCM "đánh thức" bạn trẻ về tình trạng sống vô cảm

(Dân trí) - Phá bung những khuôn mẫu truyền thống, đề thi Văn vào lớp 10 ở TPHCM nhận được những phản hồi tích cực bởi giàu cảm xúc và rất có ý nghĩa giáo dục.

Sự độc đáo của đề thi Văn của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM diễn ra vào sáng nay 11/6 trước hết phải kể đến hình thức thể hiện. Câu hai của đề thi có hẳn hình vẽ minh họa với yêu cầu học sinh (HS) viết lên suy nghĩ của mình về việc bạn trẻ sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình.

Đề môn Văn kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của TPHCM (
Đề môn Văn kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của TPHCM (Ảnh: Hoài Nam) 

Trong khi đó, câu 1 đưa ra vấn đề cực kỳ thời sự khi đưa đoạn trích nói lên hình hát Quốc ca của U23 Việt Nam khi đấu bóng đá tại SEA Games… Qua đó, không chỉ kiểm tra ngữ pháp, cảm xúc của HS mà còn để các em thoả sức bày tỏ ý kiến về thực trạng hát Quốc ca hiện nay của học sinh trong nhà trường.

Cô Nguyễn Khánh Dương, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM cho hay đề thi hay, gắn với hơi thở cuộc sống và mang tính giáo dục cao. Sau buổi thi sáng nay, nhiều HS phản hồi làm được bài. Các em đã được làm quen với dạng đề mở nên không bỡ ngỡ.

Cô Dương phân tích, ở câu 1 chủ đề mang tính thời sự nhưng kín đáo gửi gắm bài học nhân văn sâu sắc qua việc trân trọng khi cất cao lời hát Quốc ca. Đề mở, để HS tự bày tỏ ý kiến về thực trạng hát Quốc ca, từ đó các em sẽ tự rút ra những điều cần làm giúp HS phát huy được năng lực viết văn và năng lực cảm thụ.

Chỉ có ý nhỏ trong câu hỏi về Tiếng Việt nằm trong chương trình. Điều này đòi hỏi HS cần có kỹ năng đọc hiểu văn bản, hiểu được nội dung văn bản và cảm nhận riêng của bản thân.

Đề thi có sự bứt phá về nội dung lẫn hình thức thể hiện (
Đề thi có sự bứt phá về nội dung lẫn hình thức thể hiện (Ảnh: Hoài Nam)

Câu 2 nói về sự vô cảm của giới trẻ ngay trong gia đình gắn với thực trạng giới trẻ ngày nay. Thông qua đây có thể nói một phần đánh động đến những suy nghĩ chưa chính chắn nơi HS giúp các em biết quan tâm đến người thân mình hơn.

Về hình thức, yêu cầu đề rất sáng, rõ (yêu cầu đề bằng chữ in đậm) giúp HS xác định được động lệch đề, tránh được việc xác định sau hoặc làm lệch đề.

Câu 3 cũng không quá khó. Ngoài việc cảm nhận bức tranh thiên nhiên qua hai khổ thơ cho sẵn, HS được lựa chọn bài cùng chủ đề sẽ giúp các em “thả hồn” để cảm nhận thơ. Tuy nhiên, cô Khánh Dương nhấn mạnh, HS cần chú ý tìm được điểm gặp gỡ của hai tác giả khi viết chung chủ đề và có sự liên kết, liên hệ giữa hai tác phẩm.

Học sinh tỏ ra phấn chấn với sự thay đổi trong cách ra đề (
Học sinh tỏ ra phấn chấn với sự thay đổi trong cách ra đề (Ảnh: Lê Phương)

Thầy Nguyễn Văn Cải, giáo viên Văn, Trường THPT Quang Trung, Củ Chi, TPHCM bày tỏ, đề thi vào lớp 10 hay, gần gũi nhưng lại rất sâu sắc, mang đến rất nhiều cảm xúc và có tính định hướng giáo dục các em rất nhẹ nhàng.

“Vế hai của câu 3 khi yêu cầu HS liên hệ khổ thơ, đoạn thơ khác để thấy điểm gặp gỡ của các tác giả rất mới mẻ và có khả năng phân loại được thí sinh”, thầy Cải chia sẻ.

Nhiều giáo viên vui mừng khi gần đây, TPHCM đang rất “mạnh tay” trong việc đổi mới đề thi môn Văn theo hướng mở. Điều này không chỉ giúp HS, thầy cô tránh luyện tủ, học tủ mà hơn hết giúp thầy trò thật sự phấn chấn, có thể thăng hoa với môn Văn.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm