“Học tủ” thì không thể làm tốt đề thi môn Văn vào lớp 10
(Dân trí) - Đề thi Văn vào lớp 10 được nhiều người đánh giá là khá “đổi mới” và ít theo khuôn mẫu. Nếu thí sinh chỉ “học tủ” thì không thể làm bài tốt được. Tại TPHCM, thí sinh rất hào hứng với câu nghị luận xã hội về lối sống vô cảm của giới trẻ hiện nay.
Trong buổi thi Văn sáng nay, chỉ khi tiếng trống báo hiệu hết giờ vang lên mới thấy bóng dáng thí sinh rời khỏi phòng thi với nhiều trạng thái tâm trạng khác nhau.
Tại điểm thi trường THPT Kim Liên, khuôn mặt thí sinh nào cũng nặng trĩu, rất ít nụ cười nở trên môi. Mặc dù nhiều em đều chia sẻ làm được bài nhưng không dám tự tin sẽ được điểm cao.
Em Phương Anh dự thi tại đây cho biết: “ Đề quả thực không khó nhưng nó không giống khuôn mẫu ôn luyện nào. Nếu học chắc kiến thức thì sẽ làm được bài còn nếu ôn “tủ” chắc chắn không thể đạt được điểm cao”
Đồng quan điểm Mạnh Đạt - học sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn bày tỏ thêm: Em chủ yếu ôn tập ở trường và tự học ở nhà một cách chắc chắn nên cũng cảm thấy đề ở mức độ vừa phải. Về phần nghị luận em thấy câu hỏi khá hay. Mặc dù xuất phát là một văn bản nhưng thí sinh không thể dựa vào văn bản này để phân tích, làm bài được mà cần có sự hiểu biết về kiến thức bên ngoài xã hội để làm minh chứng. Việc trình bày quan điểm về thái độ của mỗi con người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể mặc dù vừa sức hiểu biết đối với học sinh lớp 9 nhưng để viết hay và thuyết phục được người khác không phải dễ.
“Đề có những câu hỏi ở mức vừa phải dưới góc độ ghi nhớ để thí sinh làm được. Có câu hỏi thiên về kỹ năng như ý 4 của phần I. Về phần nghị luận của phần II là vừa sức với học sinh, không đòi hỏi các em phải có kiến thức quá cao. Với đề thi này tôi nghĩ sẽ có nhiều điểm 6-7 còn điểm 8-9 sẽ không nhiều” – Giáo viên này chia sẻ.
Cô giáo này cũng bày tỏ: Có một vấn đề tôi băn khoăn là đề thi không ghi rõ biểu điểm cho từng ý. Điều này sẽ khiến cho thí sinh cũng như phụ huynh lo lắng. Khi làm bài không phải em nào cũng trả lời được hết nên cần ghi biểu điểm từng câu rõ ràng để các em lựa chọn. Chẳng hạn như phần II 3 điểm và có 3 ý thì liệu mỗi ý là 1 điểm hay là như thế nào? Thiết nghĩ, nếu mỗi ý là một điểm là không phù hợp ở phần câu hỏi này.
Tại hội đồng thi THPT Việt Đức, chỉ vài phút sau khi tiếng trống hết giờ vang lên, nhiều thí sinh với nụ cười rạng rỡ xuất hiện. Khi được hỏi, những sĩ tử này đều khẳng định, đề thi Văn năm nay khá dễ thở, thí sinh không khó để giành điểm cao. Ngay cả phần nghị luận, một phần thi khiến nhiều thí sinh lo lắng bởi không chỉ là kiến thức các em được học trên lớp mà đòi hỏi thí sinh phải vận dụng vốn hiểu biết thực tế, khả năng lập luận tốt, cũng được cho là khá dễ dàng.
“So với năm ngoái, đề thi năm nay dễ hơn nhiều. Phòng thi của em có đến một nửa là ra sớm trước giờ thu bài”, em Nguyễn Thị Mỹ Anh - học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho hay.
Còn em Lê Thị Bích Hà - THCS Nguyễn Du không giấu vẻ lạc quan: “Trong 3 môn, em lo nhất là môn Văn, nhưng sau khi thi xong em thấy tự tin lên rất nhiều. Chưa có đáp án nhưng em ước chừng bài làm của mình được khoảng 8 điểm”.
Tại hội đồng thi trường THCS Hồng Bàng (quận 5) hầu hết thí sinh thi xong môn đầu tiên ra về đều nở nụ cười trên môi. Theo các thí sinh một phần là vì câu nghị luận văn học trích từ bài Sang Thu của tác giả Hữu Thỉnh “trúng tủ” với đề thi học kỳ 2 vừa qua. Bên cạnh đó, nội dung phần nghị luận xã hội cũng được thí sinh đánh giá hay và phù hợp với học sinh.
Em Dung Tuyết Như- học sinh trường THCS Hồng Bàng khoe rằng có thể đạt được 8 điểm với đề văn năm nay. “Em thấy lí thú nhất là câu số 1 có nội dung rất gắn với thời sự hiện nay “U23 Việt Nam thi đấu bóng đá tại SEA Games…”, đề nghị thí sinh nêu cảm xúc của tác giả khi hát quốc ca Việt Nam cũng như từ đó nhận xét về thực trạng hát quốc ca trong học sinh”. Thí sinh Như cho rằng phần đề này rất hay vì bám sát tình hình thời sự đang diễn ra khi nước ta đang tham dự SEA Games. Bên cạnh đó, câu này cũng nhắc được thực trạng trong lễ chào cờ, các bạn học sinh vẫn còn những hành vi không phù hợp khi hát quốc ca.
Tuyết Như cho biết năm nay em đăng ký thi nguyện vọng 1 vào trường THPT Lương Thế Vinh. “Thi xong môn Văn em thấy thoải mái hơn để thi tiếp 2 môn tiếp theo và có thể tự tin khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng 1 như mình đăng ký”
Tương tự, em Ngọc Nhi- học sinh trường THCS Mạch Kiếm Hùng cho biết đề thi văn vừa sức, đơn giản và rất thời sự. “Em thích câu nghị luận xã hội về lối sống vô cảm ngay trong chính gia đình của giới trẻ hiện nay. Câu này em viết được khá dài”, Nhi chia sẻ. Với đề thi năm nay, Nhi cho biết khả năng mình có thể đạt điểm 7.
Cũng theo thí sinh này với các học sinh học lực trung bình thì dễ dàng đạt điểm trên trung bình vì đề không có câu nào lắc léo, từ ngữ quá cao siêu, chỉ cần đọc đề là hiểu được. Nhi cho biết mình làm bài vẫn còn dư 10 phút để dò lại bài.
Trong khi đó, không tự tin lắm nhưng thí sinh Mai Phương - học trường THCS Trần Bội Cơ cho biết có thể đạt được điểm 6 dù đối với em đề không quá khó. Tuy nhiên, môn này em khá nhất nên thi xong em phải tập trung cho 2 môn kế tiếp nhưng em lo nhất là môn tiếng Anh.
Đề thi môn Văn lớp 10 tại Hà Nội: Học sinh trung bình đạt 6,5 - 7 điểm Đánh giá về đề thi môn văn sáng nay, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - giáo viên môn ngữ văn trường THPT Chu Văn An cho rằng, đề thi vừa sức, kiểm tra được đồng thời nhiều vấn đề về kiến thức và kỹ năng của học sinh. Cụ thể, trong phần I của đề thi đánh giá kiến thức về tác phẩm, cảm thụ và hiểu biết xã hội trong phần II. Câu hỏi trong đề thi môn văn sáng nay là những kiến thức và kĩ năng cơ bản, rất quen thuốc với các đề thi nhiều năm gần đây, không làm khó cho học trò, học sinh lực học trung bình cũng có thể đạt khoảng 6,5 - 7 điểm. Ở Phần II của đề thi có yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Đây là câu hỏi có thể đưa lại hứng thú cho học trò bởi tính thiết thực của vấn đề với con người thời hiện đại. Với vấn đề nghị luận xuất phát từ một đoạn văn ghi lại những cảm nhận chân thực và khá đậm nữ tính của Phương Định, khi cô gái tự điều chỉnh hành vi, thái độ, tâm trạng theo "ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình...", đề thi đặt ra vấn đề tích cực về lòng tự trọng và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong ứng xử cộng đồng. Tuy nhiên, khi luận bàn về vấn đề liên quan đến cách sống, quan niệm sống nói chung thì sự định hướng của đoạn văn có thể đem đến cho học sinh một quan niệm về cách sống nhiều khi tiêu cực, dẫn đến việc con người sẽ đánh mất cái tôi của mình khi luôn sống theo cảm nhận của người khác. |