Đề toán thi tốt nghiệp tăng độ khó, xuất hiện câu hỏi lạ
(Dân trí) - Nhiều giáo viên nhận định đề thi toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có độ phân hóa cao, xuất hiện dạng câu hỏi khó và lạ. Mức độ khó ngang ngửa so với đề năm 2018 mang tính lịch sử.
Đề thi tăng độ khó, có câu hỏi lạ
Chiều 27/6, hơn 1 triệu học sinh cả nước hoàn thành bài thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Nhận xét về đề thi môn toán, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng tổ Toán - Tin, Trường THCS và THPT M.V.Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội nhận định đề thi năm nay mặc dù ổn định về mặt cấu trúc so với năm trước, nhưng mức độ khó tăng lên, đặc biệt là các câu từ 39 đến 50.
Theo cô Hồng, 5 câu thuộc chương trình lớp 11 đều ở mức độ nhận biết (cấp số cộng, tổ hợp) và thông hiểu (xác suất, góc, khoảng cách). Còn lại 33 câu khác ở mức độ này đều thuộc chương trình lớp 12, hoàn toàn mang tính xét tốt nghiệp THPT, không đánh đố học sinh.
Câu ứng dụng tích phân để tính quãng đường đi được của ô tô mặc dù là một câu quen thuộc đối với học sinh, nhưng nữ giáo viên đánh giá là một câu hỏi hay vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mạnh dạn đưa được bài toán thực tế vào đề.
Các câu từ 39 đến 50 đều ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, nhiều câu khá lạ với học sinh, yêu cầu các em phải sử dụng linh hoạt kiến thức ở nhiều mảng chuyên đề để xử lý.
"Dự đoán mức phổ điểm môn toán năm nay là 7,4 điểm và sẽ khó đạt điểm 9-10 hơn năm ngoái", giáo viên Nguyễn Thị Hồng dự báo.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Công Chính, giáo viên tại Tuyensinh247.com đánh giá đề năm nay có mức độ khó tăng hơn hẳn với năm 2023 và có sự khác biệt và tính phân loại cao hơn đề minh họa 2024.
"Các dạng câu hỏi từ 40 trở đi có nhiều sự mới lạ và phức tạp. Nhìn tổng quan đề thi năm nay đáp ứng được cả 2 mục tiêu là xét tuyển tốt nghiệp và thấy rõ sự phân hóa nên có thể dùng kết quả làm căn cứ tuyển sinh Đại học. Về mức độ khó và tính phân loại có thể thấy ngang ngửa so với đề năm 2018 mang tính lịch sử", ông Chính nói.
Khó đạt điểm 9, 10
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên toán tại Hà Nội nhận định đề toán phân hóa khá mạnh, dự báo phổ điểm ở mức 7 điểm, thấp hơn năm ngoái.
Cụ thể, theo thầy Tùng, câu hỏi từ 1 đến 35 (7 điểm) ở mức nhận biết, thông hiểu. Đề quen thuộc, cơ bản, tương tự các năm trước. Câu 36 đến 43 ở mức vận dụng nhưng dài hơn và tính toán nhiều hơn so với các năm trước. Ngay ở phần này, đề thi đã đòi hỏi học sinh cần nắm chắc kiến thức, có kỹ năng tốt mới hoàn thành được. Câu 44 đến 50 chiếm 1,4 điểm ở mức vận dụng cao.
"Đề thi dài và phức tạp hơn. Đề này thách thức với phần lớn học sinh và phổ điểm sẽ giảm so với năm trước. Số điểm trên 9 sẽ không nhiều như mọi năm. Dự đoán điểm trung bình là 6 điểm, trung vị là 6,3. Mốc điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,4", ông Trần Mạnh Tùng bày tỏ.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Quang Thi, giáo viên toán, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng cho rằng số câu hỏi dễ và khó được phân đều cho các chủ đề mà học sinh được học trong chương trình lớp 11 và lớp 12.
Ông Thi cũng nhận định từ câu 39 trở đi, câu hỏi nâng cao và độ khó tăng dần. Những câu này xâu chuỗi kiến thức đòi hỏi học sinh biết lập luận, suy đoán và tính toán nhanh mới làm được.
"Tôi cho rằng đề thi tốt nghiệp năm nay như vậy là phù hợp. Học sinh trung bình và yếu làm được từ 5 điểm đến 6,2 điểm. Học sinh khá làm được từ 6,2 điểm đến 8,2 điểm. Học sinh giỏi làm được từ 8,2 điểm đến 9,2 điểm. Mức điểm còn lại dành cho học sinh xuất sắc. Số điểm tuyệt đối sẽ có nhưng không nhiều", ThS Nguyễn Quang Thi nêu quan điểm.
Tổ toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI, cũng dự kiến phổ điểm sẽ dao động ở mức 7 điểm, số lượng điểm 10 sẽ rất ít.
"Đề thi có các câu hỏi vận dụng cao, cực khó dễ khiến các thí sinh thấy lúng túng trong việc tìm hướng giải như câu 46 - câu 50 (mã đề 110). Thí sinh cần có sự bình tĩnh và sự nhanh nhạy cũng như tư duy tốt để có thể xác định hướng giải, đồng thời cần kết hợp nhiều kiến thức trong chuyên đề để có thể giải quyết các câu hỏi này", đại diện Tổ toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ.