Đề nghị đưa ngoại ngữ vào đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội

Mỹ Hà

(Dân trí) - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị, năm 2025 sẽ áp dụng thêm môn ngoại ngữ vào tổ hợp thi đánh giá năng lực để phục vụ kỳ thi chung và đảm bảo cho các trường xét tuyển.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu, năm 2025, đơn vị này cần tăng quy mô số lượng đợt thi và thời gian mở cổng đăng ký thi cho thí sinh. Đặc biệt, thí sinh có thể tham gia thi nhiều lần với nhiều lựa chọn khác nhau theo khả năng của bản thân.

Đề thi cần có thêm môn ngoại ngữ

Ngày 28/2, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có buổi làm việc với Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN về hoạt động của Trung tâm giai đoạn 2016-2024 và định hướng phát triển 2025-2030, tầm nhìn đến 2045.

Tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân yêu cầu, năm 2025 trung tâm cần tăng quy mô số lượng đợt thi và thời gian mở cổng đăng ký thi cho thí sinh. Đặc biệt, thí sinh có thể tham gia thi nhiều lần với nhiều lựa chọn khác nhau theo khả năng của bản thân.

Đề nghị đưa ngoại ngữ vào đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội - 1

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chủ trì buổi làm việc (Ảnh: VNU).

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045, căn cứ vào nguồn lực hiện có và chiến lược phát triển của ĐHQGHN nói chung và Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN nói riêng, Trung tâm Khảo thí xác định mục tiêu và nhóm các nhiệm vụ trong công tác thi đánh giá năng lực. Trung tâm tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực theo cấu trúc bài thi áp dụng từ năm 2025 để duy trì ổn định lâu dài. 

Giám đốc ĐHQGHN đề nghị, trong năm 2025 sẽ áp dụng thêm môn ngoại ngữ vào tổ hợp thi đánh giá năng lực để phục vụ kỳ thi chung và đảm bảo cho các trường xét tuyển.

Trung tâm Khảo thí phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN để xây dựng phương án tổ chức tốt nhất cho thí sinh.

Giám đốc Lê Quân cho biết, ĐHQGHN sẽ hỗ trợ, đồng hành trong các công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đồng bộ, đảm bảo chuẩn hóa kỳ thi đánh giá năng lực nhằm xây dựng Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN trở thành tổ chức khảo thí uy tín trong nước và thế giới.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia về công nghệ thông tin, đào tạo, tổ chức cán bộ của ĐHGQHN cũng đã đưa ra các giải pháp hữu ích để Trung tâm Khảo thí dần khẳng định vị thế thương hiệu và nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyên môn trong thời gian tới.

Phân luồng hoặc kéo dài thời gian đăng ký ca thi

Như Dân trí phản ánh trước đó, trong ngày đầu tiên đăng ký ca thi vừa qua của ĐHQGHN, tình trạng sập web từ 9h, kéo dài đến đêm khiến nhiều thí sinh bức xúc. Lý giải của nhà trường, do "vượt tải" hơn 30.000 thí sinh nên dẫn đến tình trạng nghẽn mạng. 

Tại buổi làm việc hôm qua Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh trách nhiệm của Trung tâm Khảo thí, cần tiên phong, đi đầu trong cả nước về công tác khảo thí.

Đề nghị đưa ngoại ngữ vào đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội - 2

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN (Ảnh:VNU).

Theo Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, năm 2024, Trung tâm Khảo thí cần giữ ổn định kỳ thi đánh giá năng lực như năm 2023, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ thông tin cho kỳ thi, đảm bảo an toàn, đồng bộ về dữ liệu và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh khi đăng ký và tham dự kỳ thi.

Thời gian tới, trung tâm cần có giải pháp phân luồng khu vực hoặc kéo dài thời gian đăng ký ca thi để đảm bảo không có thí sinh không đăng ký được hoặc mất quá nhiều thời gian để đăng ký.

Đặc biệt, Trung tâm cần phối hợp với Ban Đào tạo ĐHQGHN để xây dựng các chính sách về học bổng, thu hút các thí sinh dự thi và thu hút sinh viên theo học tại ĐHQGHN, hoặc trao danh hiệu cho thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi khi đăng ký xét tuyển vào ĐHQGHN.

Được biết từ năm 2019, ĐHQGHN chỉ đạo Trung tâm Khảo thí xây dựng đề án tổ chức thi các học phần chung thuộc khối kiến thức chung (M1) trong chương trình đào tạo bậc đại học.

Từ năm 2021 trở lại đây, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đa mục đích, trong đó có tuyển sinh đại học, với tổng cộng 150.840 lượt thi.

Bài thi được thiết kế đánh giá năng lực người học theo thông lệ quốc tế, đánh giá 3 nhóm năng lực chính: sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).

Dạng thức chung của bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần, 150 câu hỏi thi: Tư duy định lượng, tư duy định tính và khoa học.

Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 80 cơ sở giáo dục đại học, học viện sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN làm phương án xét tuyển.