Đề minh họa tốt nghiệp THPT 2025 có điểm giống đề chuẩn hóa SAT của Mỹ

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều nét giống đề thi chuẩn hóa (SAT) và bài thi xét tuyển vào đại học (ACT) của Mỹ.

Trên đây là nhận xét của Tiến sĩ Phạm Ngọc Duy, Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) về đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Theo TS Duy, điểm giống dễ nhận thấy nhất là về cấu trúc đề và phiếu trả lời. "Đây là dấu hiệu rất tích cực với giáo dục Việt Nam", TS Duy cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, ông đã xem rất kỹ đề thi minh họa cho thấy, đề thi định hướng theo đánh giá năng lực rõ ràng hơn. Biểu hiện rõ nhất là ít câu hỏi các kiến thức phức tạp như tích phân, đạo hàm, hình học giải tích trong không gian. Các câu hỏi ở đề thi minh họa đều sử dụng những kiến thức cơ bản và chú trọng tính ứng dụng.

Đề minh họa tốt nghiệp THPT 2025 có điểm giống đề chuẩn hóa SAT của Mỹ - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Hải Long).

Các loại hình câu hỏi đã đa dạng và có tính nguyên bản (authenticity) cao hơn. Ví dụ, có các câu hỏi yêu cầu thí sinh tự đưa ra đáp án mà không thể đoán mò hoặc khoanh bừa.

Bảng đặc tả cấu trúc đề thi cũng được đính kèm với đề thi minh họa. Điều này làm tăng tính minh bạch và giảm thiểu bất công với những thí sinh không có điều kiện đi học thêm.

Tuy nhiên theo chuyên gia này, ở đề thi các môn xã hội vẫn thiên về kiểm tra kiến thức. 

"Tôi tin đề thi mới từ năm 2025 này sẽ có tác dụng tích cực tới quá trình học và giáo dục của Việt Nam trong hàng thập kỷ tới. Mặc dù vậy, ở đề thi các môn xã hội, theo tôi cần có nhiều ví dụ câu hỏi theo hướng đánh giá năng lực", TS Duy nói.

Được biết trước khi công bố, đề thi minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh.

Kết quả thử nghiệm cấu trúc định dạng đề thi đã được tiến hành phân tích theo lý thuyết khảo thí cổ điển và hiện đại theo khuyến nghị của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ tại đợt tập huấn toàn quốc cho hơn 3.500 cán bộ, giảng viên, giáo viên thuộc 63 Sở GD&ĐT và 12 cơ sở giáo dục đại học từ ngày 11 đến ngày 17/12 vừa qua.

Trên cơ sở phân tích kết quả thử nghiệm, Bộ GD&ĐT đã mời các chuyên gia (là tác giả chương trình giáo dục phổ thông 2018, tác giả sách giáo khoa, giảng viên và giáo viên có nhiều kinh nghiệm) làm việc tập trung để hoàn thiện cấu trúc định dạng đề thi cùng đề minh họa để công bố.

Trả lời phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề thi năm 2025 thay đổi hình thức, cấu trúc, định dạng để phù hợp với định hướng đánh giá năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới.

Cũng theo ông Hà, không phải trước đây đề thi tốt nghiệp THPT không có đánh giá năng lực nhưng theo định hướng của chương trình mới, tỷ lệ này tăng lên để phù hợp hơn.

Về định dạng, ông Hà cho biết đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có thêm hai định dạng trắc nghiệm mới gồm: trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn.

Lý giải vì sao Bộ GD&ĐT đưa ra các định dạng trắc nghiệm mới, ông Hà cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ.

Do vậy, định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực.

Hiện, trừ ngữ văn, đề thi các môn còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm, chọn một trong bốn phương án.

Do đó, Bộ GD&ĐT nghiên cứu thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới, các câu hỏi mở yêu cầu câu trả lời ngắn, nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh.

Ông cũng nhận định mỗi dạng thức đề thi đều có ưu nhược điểm, cần tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm