Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 đổi mới cách hỏi kiến thức, kỹ năng
(Dân trí) - Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 đổi mới về nội dung, cách hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng, năng lực của học sinh, bám sát định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhằm hỗ trợ học sinh, giáo viên có sự chuẩn bị, ngày 29/12, Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa tốt nghiệp THPT 2025.
Việc này giúp học sinh hình dung đề thi theo dạng thức mới, có định hướng ôn tập, chuẩn bị sớm cho kỳ thi.
Theo một số chuyên gia, cấu trúc định dạng đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo.
Theo đó, người học sẽ biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa.
Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng để thi: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, Câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Nhận xét về đề thi minh họa môn văn, tổ ngữ văn Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, đề có đổi mới về nội dung, cách hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng, năng lực của học sinh, bám sát những định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc - hiểu thể loại văn học, rèn luyện kĩ năng viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 -7,25 điểm.
Mặc dù ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng…
Đây có lẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kì thi 2025.
Đối với đề thi môn toán, so với đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay, đề thi minh họa 2025 có những điểm đổi mới.
Về số lượng câu hỏi: Gồm 50 lệnh hỏi với 34 câu hỏi làm trong thời gian 90 phút
Về dạng thức câu hỏi và cách tính điểm: Bổ sung thêm hai dạng thức câu hỏi mới (trắc nghiệm đúng sai và trắc nghiệm trả lời ngắn) với cách tính điểm riêng biệt cho từng dạng thức. Cụ thể như sau:
Về cấp độ tư duy: Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo.
Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).
Tỷ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề minh họa là khoảng 73% nhưng sẽ chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi, 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng, chính vì vậy các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào trường.
Như vậy, với đề thi này, học sinh cũng cần có sự điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho kỳ thi 2025.
Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn, gồm toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân).
Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh sẽ thi hai môn bắt buộc là toán, văn và hai môn trong số các môn còn lại. Như vậy, số môn thi từ năm 2025 giảm hai và số buổi thi giảm một.
Theo Bộ GD&ĐT, phương án này giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội.