Đào tạo Thạc sĩ theo định hướng ứng dụng: Học viên không phải làm luận văn
(Dân trí) - Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, học viên không phải làm luận văn như chương trình theo định hướng nghiên cứu. Học viên làm bài luận, dự án, báo cáo tốt nghiệp cuối khóa (nếu có).
Đó là một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ (dự thảo quy chế), mà Bộ GD&ĐT đưa ra để lấy ý kiến góp ý.
Dự kiến Thông tư sẽ ban hành trong tháng 12/2020.
Dự thảo Thông tư quy chế tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ xem TẠI ĐÂY
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Thông tư điều chỉnh một số nội dung để quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ là kế thừa và phát triển các quy định của quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức đào tạo của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dự thảo Quy chế tiếp cận theo hướng tăng cường quản lý chất lượng. Cụ thể như sau:
Thời gian đào tạo Thạc sĩ không quá 2 năm
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2018 giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo. Vì vậy, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc theo định hướng ứng dụng do giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng, ban hành, thực hiện, tự đánh giá chất lượng đào tạo và thực hiện kiểm định chất lượng chương trình theo quy định pháp luật hiện hành.
Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ được được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình đào tạo và do hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo quy định.
Thời gian kéo dài kế thừa quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành: kéo dài không quá 02 năm so với thời gian thiết kế của chương trình.
Tuyển sinh theo hình thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển
Về tuyển sinh, quy chế hiện hành tại Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT chỉ có hình thức thi tuyển và quy định rất chi tiết về đề thi, tổ chức thi, chấm thi,... Tuy nhiên, căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2018, bên cạnh thi tuyển, cơ sở đào tạo được phép sử dụng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Dự thảo quy chế quy định tuyển sinh trình độ thạc sĩ theo hướng quy định về nguyên tắc và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Trên cơ sở đó các cơ sở đào tạo (CSĐT) xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, tường ngành đào tạo nhưng vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định để thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như sự giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cho rằng, Quy định về phương thức xét tuyển, CSĐT căn cứ theo kết quả học tập đại học, đề xuất nghiên cứu đối với chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu.
Các trường tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ các cơ sở giáo dục đại học ở các nước phát triển như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, Australia, New Zealand, Nhật Bản… để ban hành quy chế tổ chức xét tuyển cho phù hợp với trường và ngành đào tạo. Ví dụ như xét hồ sơ học tập, kinh nghiệm làm việc, bài luận về bản thân, thư giới thiệu của giảng viên hoặc người quản lý, đề xuất cho đề tài nghiên cứu đối với chương trình theo định hướng nghiên cứu…
Mở rộng đối tượng đầu vào
Về tổ chức và quản lý đào tạo, Dự thảo quy chế cho phép đối tượng đầu vào là người học có bằng đại học ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau.
Với mỗi đối tượng đầu vào, CSĐT phải căn cứ vào chương trình đào tạo (ở trình độ đại học) của người học để xác định những nội dung/ học phần mà người học cần học bổ sung trước khi vào học chương trình thạc sĩ.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đào tạo của mọi đối tượng người học khác nhau, tổ chức đào tạo trình độ ThS có thể mềm dẻo về quy trình nhưng vẫn phải bảo đảm về chất lượng. Đó là một trong những ưu điểm của phương thức tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
“Đây chính là lý do, dự thảo Quy chế ThS đã quy định tổ chức đào tạo ThS theo hệ thống tín chỉ và yêu cầu các cơ sở đào tạo phải căn cứ vào quy chế về đào tạo tín chỉ được quy định ở trình độ ĐH khi xây dựng quy chế tổ chức đào tạo theo tín chỉ để áp dụng trong đào tạo ThS. Giảng viên giảng dạy trình độ ThS phải là Tiến sĩ” – lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Không được phép liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài cơ sở
Về địa điểm đào tạo, Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT cho phép các cơ sở đào tạo có thể đào tạo một phần chương trình theo định hướng ứng dụng ở ngoài cơ sở đào tạo. Các CSĐT không được phép tổ chức đào tạo ThS ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo do quy định tại Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung năm 2018 không cho phép liên kết đào tạo trình độ ThS ngoài cơ sở.
Về hình thức học tập, tương tự dự thảo quy chế đào tạo trình độ đại học, dự thảo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ này cũng cho phép chương trình đào tạo có thể tổ chức đào tạo kết hợp với hình thức đào tạo trực tuyến nhưng không quá 30% khối lượng kiến thức của toàn bộ chương trình đào tạo (trong điều kiện học tập bình thường và trường phải cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến).
Quy định này nhằm hướng tới việc tổ chức đào tạo ThS của Việt Nam tiệm cận với xu hướng quốc tế, đồng thời nâng cao hiệu quả và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
CSĐT phải quy định khối lượng tín chỉ học viên đăng ký tối thiểu và tối đa cho mỗi học kỳ. Cụ thể, khối lượng tín chỉ cho mỗi học kỳ không quá 23 tín chỉ đối với chương trình đào tạo được thiết kế 01 năm có 02 học kỳ; mỗi học kỳ không quá 15 tín chỉ đối với chương trình đào tạo được thiết kế 01 năm có 03 học kỳ.
Siết chặt chất lượng đầu ra
Dự thảo cũng tăng cường quản lý chất lượng đầu ra: việc tổ chức thi, kiểm tra đánh giá giữ vài trò quan trọng trong quá trình đào tạo. Cụ thể, Thủ trưởng CSĐT giao một đơn vị chuyên trách trong CSĐT thực hiện tổ chức thi, chấm thi, quản lý ngân hàng đề thi, quản lý đề thi kết thúc học phần... theo quy định, quy trình do CSĐT xây dựng và ban hành.
Để bảo đảm khách quan, công bằng, đơn vị chuyên trách này độc lập với các đơn vị tổ chức đào tạo. Đề thi phải xây dựng từ ngân hàng đề thi của cơ sở đào tạo, phù hợp với nội dung và bảo đảm mục tiêu học phần, chuẩn đầu ra đã xác định trong đề cương chi tiết.
Căn cứ chuẩn đầu ra ngoại ngữ của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF), dự thảo quy định chuẩn đầu ra phải đạt trình độ bậc 4 theo Khung năng lực 6 bậc cho Việt Nam. Chuẩn đầu ra này cũng là điều kiện đầu vào của tuyển sinh trình độ tiến sĩ tại Việt Nam.
Xử lý vi phạm khi tỷ lệ sao chép không trích dẫn đúng quy định.
Về hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiêu chuẩn người hướng dẫn, theo dự thảo, để hạn chế việc một giảng viên hướng dẫn luận văn thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu tràn lan và không có công cụ kiểm soát chất lượng, dự thảo đã được chỉnh lý làm rõ hơn so với quy định tại quy chế hiện hành (Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT) về yêu cầu và quy định hướng dẫn luận văn đối với chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu: Người có chức danh giáo sư được hướng dẫn tối đa 7 học viên; người có học vị tiến sĩ khoa học hoặc có học hàm phó giáo sư được hướng dẫn tối đa 5 học viên; người có học vị tiến sĩ từ 1 năm trở lên được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian, kể cả học viên của cơ sở đào tạo khác.
Về tính liêm chính trong học thuật được nhấn mạnh tại dự thảo quy chế. Do đặc thù của mỗi lĩnh vực đào tạo, quốc tế có các quy định và hướng dẫn trích dẫn theo tiêu chuẩn khác nhau nên dự thảo quy chế giao cho cơ sở đào tạo học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có các quy định về: cách thức trình bày luận văn, số lượng từ tối thiểu và tối đa theo yêu cầu của từng ngành đào tạo; quy định về cam kết của học viên trong đạo đức nghiên cứu;
Quy định và hướng dẫn việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu đã công bố theo các quy định trích dẫn quốc tế đã chuẩn hóa và theo yêu cầu của từng ngành, chuyên ngành đào tạo; quy định về rà soát và chống sao chép bằng phần mềm chuyên dụng; xử lý vi phạm khi tỷ lệ sao chép không trích dẫn đúng quy định.
Đào tạo theo định hướng ứng dụng, học viên không phải làm luận văn
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cho biết, trong quá trình xây dựng, Dự thảo quy chế đã tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế khi quy định rõ về chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu và chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng.
Đối với chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, học viên không phải làm luận văn như chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu; cơ sở đào tạo quy định cho từng chương trình cụ thể, học viên học các học phần bắt buộc và học phần tự chọn, có thể CSĐT yêu cầu học viên làm bài luận, dự án, báo cáo tốt nghiệp cuối khóa (nếu có).
Để tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong thực hiện tự chủ đào tạo trình độ thạc sĩ, dự thảo bổ sung quy định về công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo cũng như bổ sung quy định yêu cầu minh bạch tra cứu văn bằng để phục vụ công tác hậu kiểm.