Quảng Ninh

Đào tạo nghề phải bảo đảm chất lượng gắn với đầu ra và thu nhập khá

An Nhiên

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để đáp ứng yêu cầu tỉ lệ lao động qua đào tạo cho ngành nghề mà tỉnh cần, phải có các giải pháp bền vững.

Đào tạo nghề phải bảo đảm chất lượng gắn với đầu ra và thu nhập khá - 1

Đại biểu Trần Thùy Liên chất vấn Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh vì sao công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng đạt thấp, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và ngắn hạn.

Trong đó, công tác đào tạo nghề phải bảo đảm chất lượng gắn với đầu ra cùng thu nhập khá; các trường phải ký cam kết với người học về tạo việc làm... được coi là giải pháp bền vững cho các trường trong giai đoạn tới.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp 21, Khóa XIII HĐND tỉnh Quảng Ninh diễn ra chiều qua 8/12, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Hoài Sơn xung quanh các lĩnh vực thuộc ngành này.

Cụ thể, đại biểu Trần Thùy Liên, Tổ đại biểu Quảng Yên chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về vấn đề tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh tuy đạt trên 85%, song công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng đạt thấp, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và ngắn hạn; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ cũng chưa cao.

Đào tạo nghề phải bảo đảm chất lượng gắn với đầu ra và thu nhập khá - 2

Đại biểu Ngọc Thái Hoàng đề nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết rõ hơn về những giải pháp để tham mưu cho tỉnh trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu lao động cho những ngành nghề mà tỉnh đang cần.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thùy Liên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hoài Sơn cho biết, mặc dù hàng năm tỷ lệ tuyển sinh đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Cụ thể, công tác tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn hạn chế, nhất là tuyển sinh trình độ trung cấp và cao đẳng, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, những ngành nghề xã hội, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng học sinh, sinh viên không đăng ký tham gia học nghề.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa cung cấp đầy đủ kịp thời kế hoạch sử dụng lao động trong trung hạn của đơn vị, khi có nhu cầu mới thông báo tuyển lao động. Vì vậy, số liệu dự báo về nhu cầu sử dụng lao động đối với nghề không cụ thể, chỉ dự báo được xu thế sử dụng lao động về ngành, lĩnh vực. Điều này dẫn đến tình trạng công tác đào tạo lao động khó đáp ứng được kịp thời về cơ cấu trình độ, ngành, nghề đối với thị trường lao động. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở mặc dù đã được cải thiện nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành nghề còn thiếu, lạc hậu, một số nơi đầu tư chưa đồng bộ…

Về nguyên nhân của những khó khăn này, ông Sơn cho rằng, xuất phát từ nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về GDNN ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ; một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của GDNN; tình trạng các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông, không cần qua đào tạo…

Để giải quyết thực trạng này, ông Sơn đề xuất với tỉnh, trước mắt cần tăng cường, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển GDNN; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo, cụ thể là tăng cường kiểm tra, rà soát năng lực của các cơ sở đào tạo, công tác tuyển sinh, đào tạo, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường…

Cũng với nội dung thuộc lĩnh vực ngành LĐ-TB&XH, đại biểu Ngọc Thái Hoàng, Tổ đại biểu Cẩm Phả đề nghị Giám đốc Sở cho biết rõ hơn về những giải pháp để tham mưu cho tỉnh trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu lao động cho những ngành nghề mà tỉnh đang cần, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, xây dựng, du lịch… Giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học nghề và thu hút học sinh, sinh viên vào tại các trường nghề của tỉnh

Trả lời câu hỏi của đại biểu này, Giám đốc LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho rằng, những giải pháp được coi là quan trọng, then chốt trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu những ngành, nghề mà tỉnh đang cần là tập trung làm tốt công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu lao động...

Đào tạo nghề phải bảo đảm chất lượng gắn với đầu ra và thu nhập khá - 3

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, ông Nguyễn Hoài Sơn cho biết, mặc dù hàng năm tỷ lệ tuyển sinh đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Cùng với đó, tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 "Nhà": Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác GDNN; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, các giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học nghề và thu hút học sinh, sinh viên vào tại các trường nghề của tỉnh, như: Nâng cao chất lượng tư vấn tuyển sinh định hướng nghề nghiệp; trang thiết bị đào tạo cho các trường cao đẳng, các trung tâm GDNN cấp huyện; khuyến khích các trường cao đẳng mở phân hiệu, chi nhánh tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh… cũng được Giám đốc Sở này nêu rõ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm