Đại học Việt Nam giảng dạy online mùa Covid-19: Trong cái khó, ló cái khôn
(Dân trí) - Chuyển sang dạy online vì Covid-19, vấn đề được đặt ra là các trường đại học Việt Nam tổ chức như thế nào để đảm bảo duy trì liên tục các hoạt động giảng dạy, kiểm tra đánh giá một cách hiệu quả.
Trong khuôn khổ chương trình hành động đặc biệt ứng phó với đại dịch Covid-19, Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF đã tổ chức hội thảo từ xa về chủ đề Tác động của việc đóng cửa trường đại học đối với các hoạt động đào tạo, đánh giá chất lượng, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học” ngày 16/4.
Tham dự buổi hội thảo có hơn 100 đại biểu, gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, đại diện của 43 trường đại học Việt Nam, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Tại buổi hội nghị, các trường đã chỉ ra những thách thức gặp phải và cùng nhau để xuất các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn này.
Tại buổi hội thảo, các trường đại học đã chia sẻ những khó khăn gặp phải, đồng thời nêu những giải pháp họ đã triển khai nhằm tháo gỡ những khó khăn trong giảng dạy online.
Đảm bảo chất lượng đào tạo online, dự tính phương án tuyển sinh
PGS.TS Nguyễn Duy Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Thái Bình chia sẻ: “Trường chúng tôi là trường Y nên sinh viên năm cuối của trường vẫn đi thực tập tại các bệnh viện tuyến huyện.
Đây là lực lượng quan trọng dự phòng cho phòng chống dịch nếu dịch xảy ra tại tỉnh. Còn lại phần lớn sinh viên nghỉ tại chỗ. Trong quá trình này, trường tổ chức dạy trực tuyến cho các em với các môn nhiều lý thuyết nhưng với đặc thù giảng nghề y, có nhiều môn liên quan đến thực hành, thực tập nên việc giảng dạy online chỉ được một phần.
Mặt khác, nền tảng công nghệ thông tin từ trước đến nay để giảng online của trường rất ít, đó cũng là khó khăn”. Đại diện này kiến nghị các trường bạn hỗ trợ việc tăng cường phát triển giảng dạy online.
Ông bày tỏ băn khoăn về vấn đề tuyển sinh: “Chúng tôi đang chuẩn bị phương án tuyển sinh. Nếu thời điểm học lại của học sinh muộn quá và Bộ GD&ĐT không thể tổ chức thi THPT quốc gia mà phải tổ chức thi riêng từng trường thì trường rất khó khăn.
Giả sử trong trường hợp không tổ chức thi THPT quốc gia, Bộ có thể tổ chức chuyên gia hướng dẫn hay có các trung tâm để đặt đề thi liên quan đến tuyển sinh hay không?”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cũng đặt ra vấn đề: “Nếu bây giờ Bộ GD&ĐT bỏ kỳ thi THPT quốc gia thì vấn đề lớn nhất là học sinh phải di chuyển đến 3-4 trường để thi các đề thi khác nhau. Đây sẽ là thách thức lớn cho người học”.
PGS.TS Võ Trung Hùng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng (trực thuộc Đại học Đà Nẵng) cho hay, khi có dịch nhà trường triển khai hệ thống đào tạo online cho 162 học phần cho 2700 sinh viên, với sự tham gia của 96 cán bộ giảng viên nhà trường. Giảng viên linh hoạt sử dụng phần mềm như Teams, Zoom, Wattpad… để tương tác với sinh viên. Bước đầu thấy hiệu quả tương đối tốt.
Trường nằm ở miền Trung, Tây Nguyên nên có nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa… bởi vậy số sinh viên có thể tham gia học trực tuyến đạt khoảng 70-80%, một số em không thể tham gia.
Đồng thời, trường có nhiều học phần cần làm ở xưởng thí nghiệm, dù có làm qua mô hình online nhưng hiệu quả cũng không thể đáp ứng được như trực tiếp.
Đại diện trường đề xuất nên chăng có hướng dẫn khung về đảm bảo chất lượng cho đào tạo trực tuyến để các đại học lấy đó làm cơ sở; có hình thức chia sẻ môn học cơ sở chung mà trường nổi tiếng sử dụng để dùng chung nhằm tăng chất lượng đào tạo online cũng như có thêm nguồn thêm tài liệu tham khảo.
Tuy nhiên, trường gặp khó khăn về vấn đề thu học phí. “Một số đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã triển khai đào tạo trực tuyến được khoảng 2 tháng nhưng còn một số vướng mắc vấn đề thu học phí online thì thu thế nào…”, ông Hùng nói.
Trong đại dịch, khó khăn thử thách đặt ra không ít nhưng các trường đại học đã nỗ lực và có biện pháp khắc phục khi chuyển sang phương pháp giảng day trực tuyến bởi “trong cái khó, ló cái khôn”.
Đối tượng cần chăm sóc là sinh viên…
Theo ông Lê Hữu Nam – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ứng phó với diễn biến khó lường của dịch bệnh, trường chuyển từ giảng dạy hội họp trực tiếp sang trực tuyến từ sau Tết.
Do sau Tết các em về quê chưa kịp trở lại trường nên mạng yếu hoặc không có để học online, nhà trường đã hỗ trợ mỗi em 100.000 đồng để mở rộng băng thông truy cập học. Các em về quê giáo trình tài liệu không mang theo, nhà trường chỉ đạo giảng viên phải cung cấp đầy đủ dữ liệu, tập bài giảng để sinh viên nắm được. Đến hiện tại, 100% các môn được giảng dạy online.
Đặc biệt, với khoá sinh viên sắp tốt nghiệp, trường đã làm công văn thông báo hình thức thi tốt nghiệp: vấn đáp, trắc nghiệp online, tự luận, đồ án, làm bài tập trên máy tính… tuỳ thuộc đặc điểm môn học và điều kiện của khoa. Thông tin đó nộp về phòng khảo thí để phòng khảo thí kiểm tra, giám sát và thanh tra.
“Trường đang có kế hoạch chuẩn bị cho thời điểm kết thục dịch, trường yêu cầu các khoa bộ môn báo cáo tổng kết các môn đã giảng dạy online.
Nếu các môn đã giảng online xong, trường yêu cầu bổ sung 2 buổi dạy trực tiếp nữa để khắc phục tính hạn chế (tương tác không cao, đường truyền gián đoạn, âm thanh không rõ). Qua đó, giúp giáo viên truy bài, sinh viên nắm vững kiến thức đảm bảo chất lượng. Với các môn chưa kết thúc giảng dạy online cũng tương tự.
Ngoài ra, trường hỗ trợ sinh viên bằng cách giảm học phí (7%). Ngay sau tuần đầu tiên giảng online, Ban giám hiệu và các phòng ban chức năng đã tổ chức đối thoại online với sinh viên để lắng nghe ý kiến của các em để điều chỉnh kịp thời về phương pháp giảng dạy, bài tập, bài giảng, tài liệu”, ông Nam chia sẻ.
Đại diện này bày tỏ: “Trong cái khó ló cái khôn, nhờ dịch Covid-19 mà chúng ta có những ứng phó kịp thời trong quản trị đại học đảm bảo chất lượng ở tình huống không thể dạy trực tiếp.
Tôi nghĩ trong thời gian tới, các trường nên có đề án xây dựng chương trình giảng dạy online kết nối giữa các thành viên AUF nhằm thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi tín chỉ để các em cùng tham gia một môn học, một chương trình nào đó mà không phải di chuyển. Nếu thực hiện được sẽ kết nối tốt hơn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học”.
Đại dịch cũng là cơ hội lớn để các đại học Việt Nam nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Một đại diện Khoa tiếng Pháp – Đại học Hà Nội lại đặt vấn đề: Giảng dạy ngoại ngữ trực tuyến có hiệu quả không?
“Dạy viết dùng nền tảng chữa bài thì tốt nhưng khi dạy nói để các em ghi âm gửi bài lên thì tốt nhưng nếu nói online có thể gặp vấn đề đường truyền. Chúng tôi đề nghị lập một nhóm nghiên cứu hoặc trao đổi để có thể tận dụng kinh nghiệm của đơn vị làm tốt”, đại diện này chia sẻ.
Còn đại diện Đại học Bách Khoa Đà Nẵng lại đặt vấn đề kiểm soát đánh giá chất lượng dạy online và đề xuất khi hết dịch các công cụ giảng dạy trực tuyến vẫn được tiếp tục vì nó hỗ trợ thiết thực cho việc học tập; sau khi học xong sinh viên có thể nghe, xem lại buổi giảng dạy.
Các đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh, trong đại dịch Covid-19 này, đối tượng các trường đại học cần chăm sóc là sinh viên. Trường Đại học Nhân văn cũng như Đại học Huế xác định những em gặp nhiều khó khăn trong học online để hỗ trợ kịp thời bằng hình thức cho học học phần sau, thậm chí mở thêm lớp - khu biệt các em hay bị vắng nhiều để giúp các em. Một số đại học như Đại học Bách Khoa hỗ trợ máy tính cũ.
Cô Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng trường, trường ĐH Ngoại thương cho biết, cũng như các trường khác, nhà trường cũng gặp những khó khăn nhất định khi chuyển sang dạy trực tuyến. Giảng viên gặp khó vì thời gian chuẩn bị và triển khai mất nhiều lần.
Do đó, nhà trường hỗ trợ mỗi giảng viên 300.000 đồng/ mỗi tín chỉ. Sinh viên gặp khó khăn về hoàn cảnh gia đình, đường truyền… trường hỗ trợ 5% học phí đối với sinh viên tất cả các hệ (đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, sau đại học).
Ngoài ra, trường có chính sách hỗ trợ học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ngoài học bổng định kỳ như thường lệ.
Cũng trong cuộc họp, các đại biểu thống nhất cần tăng cường kết nối giữa các trường thành viên thuộc mạng lưới AUF, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, sáng kiến cũng như nguồn tài liệu học tập trực tuyến.
Phát biểu khai mạc phiên làm việc, giám đốc Văn phòng đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), bà Ouidad Tebbaa phát biểu: “Điều tuyệt vời nhất mà buổi hội nghị này mang lại chính là tinh thần đoàn kết, sự lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm”.
Cũng theo bà Ouidad Tebbaa, AUF tổ chức cuộc họp này nhằm kết nối các trường đại học thành viên, tạo điều kiện để các trường chia sẻ với nhau những sáng kiến và kinh nghiệm.
Lệ Thu