Đại biểu Quốc hội: "Giá SGK tăng, Bộ GD-ĐT không được phép im lặng"
(Dân trí) - "Khi có vấn đề bức xúc, dư luận phản ứng mạnh mẽ, Bộ GD-ĐT cần tiếp thu, có câu trả lời thỏa đáng, thể hiện rõ quan điểm của cơ quan chủ quản. Bộ không nên im lặng khiến người dân hoang mang".
Trên đây là ý kiến của bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội tỉnh Phú Yên, liên quan đến tăng giá sách giáo khoa (SGK) đang gây bức xúc dư luận mấy ngày qua.
Khi nhà giáo dục chưa vì học sinh
Là người từng đưa nhiều ý kiến liên quan đến SGK và chương trình giáo dục, quan điểm của bà như thế nào về việc SGK mới của NXB Giáo dục Việt Nam vừa công bố, có giá bán cao gấp 2-3 lần so với SGK hiện hành?
- Giá SGK không chỉ liên quan đến một mà là hàng triệu gia đình. Vậy nên cần có xem xét giá dựa trên rất nhiều khía cạnh sao cho phù hợp với vùng miền và với tất cả mọi người học.
Tôi đã từng nêu nhiều ý kiến đóng góp cho giáo dục trên tinh thần xây dựng nhưng tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần tiếp thu các ý kiến phản biện mới có thể thay đổi.
Đằng này, các đơn vị liên quan cứ khăng khăng bảo thủ giữ nguyên quan điểm, ai dám chắc trong sự bảo thủ ấy không có sự kiểm soát của lợi nhuận, vậy nên đây là một câu chuyện dài và cần có biện pháp quyết liệt. Đặc biệt, phụ huynh học sinh phải lên tiếng mạnh mẽ bởi chương trình do Bộ GD-ĐT đưa ra nhưng quyền lựa chọn thuộc về người học.
Bộ GD-ĐT từng cho rằng, ở Chương trình Phổ thông 2018 (chương trình mới), Bộ đã đưa ý kiến lên mạng để người dân và các chuyên gia đóng góp ý kiến trước khi áp dụng chứ không phải tự âm thầm thực hiện?
- Tôi thấy trả lời này rất có vấn đề ở chỗ, không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh và Internet để tiếp cận. Đặc biệt, không phải bất cứ người dân nào cũng biết vào trang web của Bộ GD-ĐT để tiếp cận những bản đề án.
Điều tôi muốn nói ở đây, hãy làm việc trực tiếp với dân nghèo, mới thấy người dân còn khổ thế nào.
Khi chúng ta đang kêu gọi số hóa hay công nghiệp 4.0 thì rất nhiều người dân, nhất là người nghèo đang còng lưng với trình độ công nghệ mức 0.4.
Trong các dự án luật, khi đưa ra một vấn đề liên quan đến nhóm đối tượng trong phạm vi điều chỉnh, nếu có liên quan đến dân sinh, phải lấy ý kiến trực tiếp, phải chia nhóm đối tượng để có cách lấy ý kiến khác nhau và khảo sát chứ không phải lấy ý kiến trên mạng.
Bà nghĩ gì khi NXBGDVN lý giải, việc giá SGK cao là do chất lượng giấy in tốt hơn, sách in màu và không được trợ cấp chi phí vì xã hội hóa?
- Sẽ có muôn vàn lý do để các NXB đưa ra cho việc tăng giá. Một khi người làm giáo dục không đặt tâm thế vì học sinh, vì người học, học sinh và phụ huynh sẽ rất khổ.
Tôi cho rằng, việc làm SGK đang bị "ngược", nghĩa là người làm sách không đặt mình vào vai trò của trẻ con, xem chúng cần gì. Giáo dục nếu bị thương mại hóa nặng, người học sẽ rất khổ.
Mặc dù NXBGD đã đưa ra các lý do tăng giá, theo tìm hiểu của PV, kẽ hở khiến cho một phần giá sách cao lên, chẳng hạn vài môn học không cần thiết SGK, nhiều bộ có quá nhiều đầu sách, tăng số trang khiến đội giá?
- Ai cũng thấy giáo dục hiện nay, nhất là học sinh khối công lập đang quá thiếu vận động.
Xu hướng để trẻ tăng vận động, tự nâng cao năng lực để không phụ thuộc sách vở, nhất là một số môn học như Trải nghiệm sáng tạo, Giáo dục thể chất…, lại càng cần thiết tăng cường hoạt động ngoài trời, vậy tại sao phải "đẻ" ra SGK cho học sinh? Điều này vừa đội giá, vừa giống khuyến khích "tự học tại chỗ"?
Tất nhiên học thì phải cần SGK nhưng không phải bộ môn nào cũng bắt buộc phải mua sách. Những môn học như Giáo dục thể chất, chỉ cần một giáo án dành cho giáo viên, bởi đặc trưng môn học là thực hành, không phải bộ môn lý thuyết.
Bộ GD-ĐT im lặng càng lâu, người dân càng hoang mang
Nghĩa là theo bà, rõ ràng các NXB có thể giảm giá SGK kể cả khi xã hội hóa hoặc chất lượng giấy in tốt hơn?
- Chúng ta có nhiều môn học nhưng phải phân loại theo hệ thống khoa học, không nhất thiết tất cả các môn đều bắt học sinh phải mua sách.
Tôi cho rằng, có thể do lợi nhuận nên có nhiều kẽ hở khiến SGK đội giá. Sự chi phối của lợi nhuận rất kinh khủng. Tất nhiên khi kinh doanh phải có lợi nhuận nhưng ở giáo dục, nếu không đặt người học làm trung tâm thì sẽ bị thương mại hóa làm biến chất.
Chẳng hạn nhiều chương trình mang tính chất giải trí nhưng thực ra sau đó bị biến tướng bởi sức hút lợi nhuận quá lớn, làm các nhóm lợi ích trở nên toan tính. Mở rộng ra, ở việc in ấn và xuất bản SGK cũng vậy.
Theo bà, có cách gì để học sinh vẫn có những bộ SGK tốt nhưng giá thành phù hợp với từng vùng miền?
- Tôi nghĩ để đầu tư cho con, cha mẹ học sinh nào cũng sẽ phải nghiến răng mua sách để con em học hành.
Nhưng hãy nhìn lại xem, những cuốn sách ấy có xứng đáng để giá cao như vậy không, hay vẫn có cách để giảm giá hơn cho người học nhưng vì sự chi phối của nhóm lợi ích nên các NXB không thể thực hiện được?
SGK phải bám vào Chương trình giáo dục, phụ hợp với từng vùng miền, phù hợp với điều kiện sống của từng người dân.
Thứ hai để giảm giá sách, tôi nghĩ cần có chiến lược, chủ trương mạnh mẽ, chẳng hạn như Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, cần có vai trò quan trọng của Bộ GD-ĐT.
Khi có vấn đề bức xúc, dư luận phản ứng mạnh mẽ, Bộ GD-ĐT cần tỉnh táo, tiếp thu ý kiến dư luận và có câu trả lời thỏa đáng cho người dân, quan trọng phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan chủ quản, của tư lệnh ngành. Bộ không thể im lặng vì im lặng càng lâu, người dân càng hoang mang.
Có người cho rằng, xã hội hóa SGK là tốt nhưng nên xã hội hóa từng phần để giảm giá sách, bởi SGK là sản phẩm đặc thù. Ý kiến của bà như thế nào?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này, nên xã hội hóa một phần. Tôi không phản đối xã hội hóa nhưng khi xã hội hóa thì tính thương mại càng cao, chúng ta rất khó kiểm soát được giá.
Do vậy tùy vào từng môn, tùy cấp học để yêu cầu phát hành các cuốn SGK sao cho phù hợp, không phát sinh quá nhiều cuốn khiến đội giá.
Trân trọng cám ơn bà!