Cụ bà U70 nhận bằng thạc sĩ ngành học cực kỳ "khó nuốt"
(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Bạch Vân, 66 tuổi, là một trong 178 gương mặt nhận bằng thạc sĩ năm nay của Trường Đại học Luật TPHCM. Bà theo học ngành học cực kỳ "khó nuốt".
Tân thạc sĩ ngành luật tố tụng và hình sự Nguyễn Thị Bạch Vân (SN 1958) là một trong 5 gương mặt có thành tích học tập tốt được khen thưởng trong lễ tốt nghiệp và trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ luật cho 190 học viên của Trường Đại học Luật TPHCM ngày 16/6.
Tính đến nay, Trường Đại học Luật TPHCM đã có 37 khóa đào tạo thạc sĩ, ước tính có 5.576 học viên trúng tuyển và theo học. Số học viên tốt nghiệp và được cấp bằng thạc sĩ là hơn 3.800 học viên.
Trường cũng đã có 204 nghiên cứu sinh trúng tuyển và theo học tiến sĩ. Có 81 nghiên cứu sinh được công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ luật.
Chia sẻ về việc đi học thạc sĩ sau khi đã về hưu nhiều năm, tân thạc sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân cười cho biết, bà có lương hưu, lương đủ để... tiếp tục đi học.
Với bà việc học là không ngừng nghỉ, không giới hạn về độ tuổi. Học lên thạc sĩ ở độ tuổi này thể hiện khát khao, hoài bão bên trong của bản thân về con đường học tập.
Trước khi về hưu vào năm 2010, bà Vân là trưởng công an phường 14, quận 10, TPHCM. Sau khi về hưu, bà mở văn phòng luật chủ yếu tư vấn pháp lý miễn phí cho cộng đồng, hoạt động trong hội cựu chiến binh, làm trưởng ban quản trị chung cư nơi bà sinh sống...
Những công việc không lương này đều đòi hỏi kiến thức pháp lý nên bà quyết định học lên thạc sĩ để hỗ trợ cho những công việc mình đang làm.
Lớn tuổi, học cao học ở một ngành "khó nuốt", bà Vân cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Vậy nhưng, theo bà nhờ tinh thần ham học hỏi và đặc biệt là những kiến thức học tập đã trau dồi từ trước giúp bà bắt nhịp kịp với các bạn học trẻ tuổi. Với nỗ lực học tập, bà là một trong những học viên bảo vệ đề tài thạc sĩ sớm nhất.
Bà Nguyễn Thị Bạch Vân cho biết, bà có rất nhiều bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn - là kết quả của một quá trình học tập không ngừng nghỉ, kể cả khi đang đi làm hay về hưu.
Năm 1997, bà tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Sau đó, bà lại theo học ngành hóa phân tích và trở thành kỹ sư hóa phân tích tại Đại học Tổng hợp TPHCM vào năm 1986.
Năm 1991, bà tốt nghiệp trung cấp tại Trường Trung học Pháp lý TPHCM (tiền thân của Trường Đại học Luật TPHCM). Đến năm 1995, bà tốt nghiệp cử nhân hệ tại chức ngành luật của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Chưa hết, bà còn có bằng cử nhân anh văn, cử nhân chính trị, chứng chỉ về tin học văn phòng, chứng chỉ ngoại ngữ... Chính quá trình tích lũy kiến thức này cho bà nền tảng về công nghệ, ngoại ngữ để có thể học lên cao dù đã lớn tuổi.
"Người ta sợ đi học, còn tôi thích đi học lắm. Mỗi lần được tổ chức giao nhiệm vụ mới, tôi lại tìm bằng được thứ để học nhằm phục vụ cho công việc của mình hiệu quả hơn. Tôi học vào cuối tuần, tôi học vào buổi tối... ", bà Vân bày tỏ.
Nhận bằng thạc sĩ, tiếp tục những công việc cộng đồng "ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng" thường ngày, bà Vân tiết lộ, nếu đủ sức khỏe và có tiền, sắp tới bà dự định sẽ làm nghiên cứu sinh, học lên tiến sĩ.
Trong lễ tốt nghiệp lần này, còn có những hình ảnh các bà mẹ bế con nhỏ lên nhận bằng; có gia đình vợ chồng trẻ cùng nhận bằng...
TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho hay, các học viên cao học, hầu hết họ phải vừa đi làm, vừa lo việc gia đình con cái, lại vừa đi học nên gặp không ít khó khăn.
Trong việc học, họ phải đáp ứng yêu cầu trình độ ngoại ngữ, hoàn thành tiêu chuẩn, yêu cầu của các môn học, đề án, luận văn để đạt được mục tiêu của chương trình đào tạo. Trên thực tế, không ít học viên không thể theo học được, đã phải bỏ học giữa chừng.
TS Lê Trường Sơn nhấn mạnh, để nhận được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả học viên và cả đội ngũ giảng dạy trong quá trình đào tạo. Đây là một quá trình đáng tự hào của các thạc sĩ, tiến sĩ.
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng cho hay, xã hội ngày càng phát triển, kiến thức sẽ không bao giờ là đủ, sự học không bao giờ có điểm dừng. Mỗi người sẽ cần tiếp tục phát huy khả năng tự học, vận dụng những gì đã học để thể hiện tốt vai trò, năng lực của mình trong công việc, trong cuộc sống.