Sinh viên thèm việc, thích tiền nhưng nghe "tuyển sale" là... bỏ chạy

Hoài Nam

(Dân trí) - Sinh viên, cử ra nhân ra trường kiếm việc làm, đi đâu cũng thấy tuyển sale (bán hàng), nhất là mảng bất động sản, bảo hiểm. Nhưng nhiều người nghe đến "sale" là... tẩy chay, bỏ chạy.

Đó là vấn đề được đặt ra tại buổi thông tin Ngày hội tuyển dụng tích hợp Job Fair năm 2024 của Trường Đại học Tài chính Marketing.

Ngày hội sẽ diễn ra vào 15/6 tới đưa đến hơn 3.000 đầu việc cho sinh viên, từ thực tập sinh đến bán thời gian hay toàn thời gian ở nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, giáo dục, thương mại, marketing, kế toán, thẩm định giá, du lịch, nhà hàng, khách sạn…

Sinh viên thèm việc, thích tiền nhưng nghe tuyển sale là... bỏ chạy - 1

Khách mời nêu vấn đề sinh viên ra trường khó kiếm việc làm (Ảnh: Hoài Nam).

Quan sát qua, một khách mời nêu ra vấn đề, sinh viên ra trường hiện nay khó tìm việc theo đúng ngành nghề đào tạo. Trên thị trường việc làm, nhiều ngành nghề nhu cầu tuyển dụng rất thấp, sinh viên kiếm việc toàn gặp tuyển dụng sale (nhân viên kinh doanh trực tiếp tiếp xúc với khách hàng) đặc biệt là mảng bất động sản, bảo hiểm nhân thọ…

Thực tế, nhiều sinh viên dù đang rất thèm việc, thèm tiền nhưng nghe đến nghề sale là… bỏ chạy, nhiều người thà thất nghiệp. Đi đâu cũng thấy tuyển sale, nhiều em lo lắng thị trường lao động có còn nhiều cơ hội việc làm khác cho sinh viên hay không. 

Trước thắc mắc này, ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, chia sẻ nhiều người cứ nghe đến nghề sale là… kỳ thị.

Trong khi, ông Dũng nhấn mạnh việc các công ty tuyển dụng nhân viên sale là nhu cầu thực tế trên thị trường lao động. 

Trước sự phát triển của công nghệ, nghề sale lại càng quan trọng trong các công ty. Nếu các vị trí công việc khác có thể thay thế, cắt giảm nhân sự nghề sale không bị ảnh hưởng nhiều từ tác động này, các công cụ công nghệ là để hỗ trợ nghề sale làm việc hiệu quả hơn.

Sinh viên thèm việc, thích tiền nhưng nghe tuyển sale là... bỏ chạy - 2

Ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Dũng cho rằng, ở các công ty, người trực tiếp bán hàng không chỉ nhân viên sale, ngay cả giám đốc cấp cao trong công ty, tập đoàn cũng là một nhân viên sale.

Đây là công việc vừa áp dụng giữa khoa học và nghệ thuật để làm sao thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm của mình. Ai từng trải qua công việc sale sẽ có nhiều kinh nghiệm thực tế.

Về quan tâm của nhiều sinh viên liệu mức lương "ngàn" đô có khả thi với sinh viên mới ra trường, ông Dũng chia sẻ con số này là khả thi nhưng các bạn cần nhìn vào thực tế tùy ngành nghề, khả năng, kinh nghiệm, kỹ năng của từng các nhân.

"Các ngành nghề đa dạng, mức thu nhập cũng đa dạng, không thể đánh đồng tất cả công việc. Tuy nhiên, mỗi vị trí công việc đều mang đến cho chúng ta kinh nghiệm, mỗi kinh nghiệm đều có thể chuyển hóa từ từ vào thực tế giúp chúng ta phát triển, thăng tiến trong công việc", ông Lê Xuân Dũng nói.

Nhiều vấn đề khác liên quan đến quá trình tìm việc làm của sinh viên như quá trình chuẩn bị hồ sơ, sinh viên trường chưa có kinh nghiệm nhưng doanh nghiệp đòi kinh nghiệm, kinh nghiệm phỏng vấn… cũng được đặt ra tại chương trình. 

Ông Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, ngay khi đang ở trên ghế giảng đường, sinh viên cần chú trọng bổ sung, trau dồi, rèn luyện cho mình nhiều kỹ năng mềm nói chung và những kỹ năng tương ứng với ngành nghề riêng các em theo đuổi.

Kỹ năng này có thể đến từ các tương tác trong cuộc sống, trong học tập, trong hoạt động hội nhóm, trong khi đi làm thêm… Đó chính là kinh nghiệm để khi ra trường, sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Sinh viên thèm việc, thích tiền nhưng nghe tuyển sale là... bỏ chạy - 3

Sinh viên băn khoăn khi nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng thấp (Ảnh: Hoài Nam).

Trong quý 1/2024, khảo sát từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho thấy ngành nghề đứng đầu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn là ngành kinh doanh - thương mại với hơn 22.000 chỗ làm việc, chiếm gần 27% tổng nhu cầu trong quý I/2024. Đây là ngành liên tục nhiều năm đứng đầu danh sách nhu cầu nhân lực tại thị trường TPHCM.

Tiếp đó, đến các ngành nghề như dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch; cơ khí - tự động hóa; dệt may - giày da…

Một số ngành nghề khó tìm việc nhất tại TPHCM khi không có hoặc ít doanh nghiệp tuyển dụng như công nghệ sinh hoạt, nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản, báo chí - biên tập viên…