Người thầy Olympic toán quốc tế: "Gặp đề toán lớp 10 TPHCM, tôi cũng khóc!"

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về đề toán lớp 10 "làm học trò khóc như mưa" của TPHCM, ông Nguyễn Khắc Minh - người thầy Olympic toán quốc tế - nói: "Nếu gặp đề thi này, tôi cũng khóc!".

Kỳ thi lớp 10 của TPHCM diễn ra từ tuần trước nhưng dư âm về một đề thi toán "làm học sinh khóc như mưa" vẫn làm sục sôi những quan tâm và những ý kiến tranh luận trái chiều. 

Người thầy Olympic toán quốc tế: Gặp đề toán lớp 10 TPHCM, tôi cũng khóc! - 1

Một nữ sinh tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương bật khóc vì đề thi ngay sau khi rời phòng thi môn toán vào lớp 10 tại TPHCM sáng ngày 7/6 (Ảnh: Nam Anh).

Giữa nhiều luồng tranh cãi, những ngày qua bài phân tích, đánh giá cụ thể dài 8 trang giấy về đề thi toán lớp 10 TPHCM của ông Nguyễn Khắc Minh - người thầy có gần 30 năm dẫn dắt học sinh dự thi Olympic toán quốc tế (IMO) - được nhiều người trong giới chuyên môn, các thầy cô giáo đồng tình và chia sẻ chóng mặt.

Bạn đọc có thể xem toàn bộ bài đánh giá, phân tích của ông Nguyễn Khắc Minh về đề thi toán lớp 10 TPHCM năm 2024 TẠI ĐÂY

Ông Nguyễn Khắc Minh cho biết, ông đã dành 3 ngày để viết bài phân tích, đánh giá về đề thi này. Theo ông, đây là một vấn đề rất nghiêm túc, mọi nhận định đưa ra cần được lý giải đầy đủ, cặn kẽ.

Trong đó, ông đặc biệt chú ý đến 3 bài thi trong đề, gồm bài 1, bài 6 và bài 8.

Bài 1, (yêu cầu học sinh vẽ (P) và (d) trên cùng một hệ trục tọa độ; Tìm tọa độ giao điểm của (P) và (d) bằng phép tính), ông Minh cho biết, chính ông cũng không làm được!

Nếu là thí sinh dự thi, ông sẽ trả lời "Em không vẽ được, vì không ai có thể vẽ một đường cong trên hai đường thẳng, cũng như không ai có thể vẽ được trên hai đường thẳng, một đường thẳng khác, không trùng với ít nhất một trong hai đường thẳng ấy".

Người thầy Olympic toán quốc tế: Gặp đề toán lớp 10 TPHCM, tôi cũng khóc! - 2

Phần đánh giá bài 1 trong đề toán lớp 10 TPHCM của ông Nguyễn Khắc Minh (Ảnh: K.M).

Bài 6 là một tình huống, được tạo ra nhằm yêu cầu học sinh giải một toán chuyển động có dạng quen thuộc, thường gặp trong các đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT, trên phạm vi toàn quốc, bằng cách sử dụng hàm bật nhất.

Ông Nguyễn Khắc Minh cho hay, việc tạo ra tình huống nêu trên chẳng khác gì việc thò cái que vào một thùng nước trong, khuấy loạn lên cho nó thành thùng nước đục, rồi bắt học sinh làm trong trở lại.

Việc làm này hoàn toàn trái với tinh thần của toán học, trái với bản chất của toán học. Tinh thần của toán học là gỡ rối; bản chất của toán học là tìm ra cái cốt lõi đơn giản trong những thứ phức tạp.

Sau khi phân tích, đánh giá chi tiết, ông Minh khẳng định, một học sinh lớp 9 có hiểu biết đúng đắn, lành mạnh về toán, trong phạm vi Chương trình giáo dục phổ thông môn toán cấp THCS năm 2006, chắc chắn không thể làm được bài toán này.

Người thầy Olympic toán quốc tế: Gặp đề toán lớp 10 TPHCM, tôi cũng khóc! - 3

Tâm trạng của nhiều học sinh sau khi buổi thi toán tại kỳ thi vào lớp 10 ở TPHCM năm nay (Ảnh: Hoài Nam).

Trong giáo dục nói chung, và trong giáo dục Toán học nói riêng, việc bắt học sinh phải từ bỏ các cách giải quyết vấn đề đơn giản, gần gũi với các cháu, phù hợp với hiểu biết và nhận thức của các cháu, để thực hành các cách giải quyết vấn đề khó hiểu, xa lạ với hiểu biết, nhận thức của các cháu, là một việc làm phi sư phạm, trái với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm.

Ông Minh đánh giá bài 6 của đề chưa mang tính sư phạm và tạo ra một cách nhìn không đúng, một cách hiểu không đúng đối với việc ứng dụng toán học vào thực tiễn cuộc sống.

Tiếc cho bài hay của đề thi 

"Tôi đánh giá cao bài 8 trong đề thi toán lớp 10 của TPHCM. Đây là bài toán không phải "ôm" yếu tố thực tế và là bài toán có chất lượng chuyên môn tốt, khả năng phân hóa tốt.

Tuy nhiên, tôi thấy tiếc khi bài này lại nằm ở vị trí cuối cùng trong đề thi, nên rất có thể, học sinh dự thi hoặc không còn thời gian để ngó tới, hoặc ngó tới trong trạng thái mệt nhoài, do phải "đánh vật" với các bài toán phía trên.

Như vậy, có thể mọi ưu điểm của bài toán khó có "đất" để phát huy tác dụng", ông Nguyễn Khắc Minh.

Sau khi phân tích, đánh giá cụ thể từng bài trong đề thi, về tổng thể đề thi, ông Nguyễn Khắc Minh nhận định:

1. Với 2 trang giấy khổ A4 đặc kín chữ, rất có thể, đề thi có tác động không tích cực tới tâm lý của học sinh dự thi, làm các cháu mất bình tĩnh, lo lắng; vì thế, sẽ tạo ra những điều kiện không thuận lợi cho học sinh dự thi phát huy được hết khả năng của mình, bộc lộ được ở mức tối đa năng lực của mình.

2. Đề thi chưa đáp ứng được một số yêu cầu tối thiểu, mang tính nguyên tắc, đối với một đề thi, do trong Đề thi có những bài toán không đảm bảo tính đúng, tính chính xác khoa học; có những bài toán được diễn đạt tối nghĩa, không mạch lạc, thiếu rõ ràng và có những bài toán chưa mang tính sư phạm.

3. Nhiều bài toán có yếu tố thực tế trong đề thi gây phản cảm đối với việc ứng dụng toán học vào thực tiễn; thậm chí, có bài còn làm méo mó hình ảnh của toán học, và gây ra hiểu biết sai, nhận thức sai về việc ứng dụng toán học vào thực tiễn. Những câu chữ dùng để truyền tải các yếu tố thực tế ở những bài toán này là những câu chữ chỉ làm cho đề thi trở nên dài dòng, gây ức chế cho học sinh dự thi.

4. Những điều nêu trên có thể ảnh hưởng không tốt tới khả năng đánh giá, phân loại năng lực học sinh dự thi mà đề thi hướng tới.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Minh quanh bài phân tích, đánh giá của ông về đề toán lớp 10 đang được nhiều người chia sẻ.

Ông có thể chia sẻ về việc dành thời gian 3 ngày để phân tích, đánh giá về đề thi toán lớp 10 năm 2024 của TPHCM?

- Bởi những "ồn ào" ở khắp mọi nơi quanh đề thi này. Đây là một sự khác biệt hoàn toàn so với đề thi của các tỉnh thành khác.

Người thầy Olympic toán quốc tế: Gặp đề toán lớp 10 TPHCM, tôi cũng khóc! - 4

Ông Nguyễn Khắc Minh tại Olympic toán quốc tế 2017 ở Brazil (Ảnh: NVCC).

Mắc "bệnh nghề nghiệp" mạn tính, tôi đọc đề thi lớp 10 của TPHCM để xem vì sao lại có những ồn ào như vậy. Sau khi đọc đề, tôi nhận ra đúng là có nhiều vấn đề cần phải nói thật.

Đề thi là một sản phẩm chuyên môn, mọi nhận định đưa ra phải được lý giải đầy đủ, cặn kẽ dưới góc độ chuyên môn để cùng học tập, rút kinh nghiệm.

Việc đánh giá cần dựa vào chuyên môn chứ không phải nhận xét mang tính cảm tính "theo tôi nó hay/nó dở; nó khó/nó dễ... ".

Đó là lý do tôi dành 3 ngày tập trung để viết bài phân tích, đánh giá về mặt chuyên môn chứ không phải chỉ trong 10-15 phút.

Là người dẫn dắt hàng chục lớp học sinh dự thi Olympic toán quốc tế, ông nghĩ thế nào về hình ảnh nhiều học trò khóc như mưa và tiếp tục "khóc" trên các diễn đàn trước đề thi toán lớp 10 ở TPHCM năm nay?

Trong một kỳ thi, học trò sẽ rất thất vọng khi không thể hiện hết được năng lực của mình. Với một đề thi như đề thi toán của TPHCM như năm nay, khi các cháu thấy mình không đủ không đủ bình tĩnh để làm bài có thể dẫn đến kết quả không như mong muốn thì việc các cháu khóc là bình thường.

Với đề thi này, các em khóc là cái chắc, nếu nín mới lạ. Người ta giao việc cho mình làm, rồi tìm cách gây rối mình thực hiện các công việc ấy; mình được dạy nhảy cao ở mức 1m, nhưng lại yêu cầu mình phải nhảy qua ngưỡng 1.5m.

Nếu tôi gặp đề thi này, tôi cũng khóc!

Người thầy Olympic toán quốc tế: Gặp đề toán lớp 10 TPHCM, tôi cũng khóc! - 5

Nước mắt của học trò về một đề thi (Ảnh: Hoài Nam).

Góc nhìn của ông trước những ý kiến cho rằng đề thi này là sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá giữa vô số các đề thi quen thuộc cũ kỹ hàng chục năm qua?

- Đổi mới giáo dục là việc cần thiết, là việc phải làm. Nhưng cái cần quan tâm là đổi mới như thế nào để cái mới tốt hơn cái cũ chứ không phải là cứ đổi để làm sao cho mới thì là đổi mới. 

Các vấn đề chuyên môn luôn có tính nguyên tắc. Nếu việc thay đổi chưa đảm bảo nguyên tắc thì không được gọi là đổi mới mà chỉ là đổi khác.

Qua đánh giá của mình, tôi mong muốn chúng ta cùng nhau thận trọng trong quá trình đổi mới; cần lắng nghe các ý kiến của người học, người dạy, của các chuyên gia, ... trong quá trình thực hiện đổi mới.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!