Tốt nghiệp thủ khoa ở Mỹ, tiến sĩ về nước dạy học theo đề án tiền tỷ

Hoài Nam

(Dân trí) - Tốt nghiệp thủ khoa ngành toán tại Đại học Duke, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Công nghệ California (Mỹ), TS Cấn Trần Thành Trung về nước đi dạy theo đề án thu hút nhà khoa học xuất sắc.

Thông tin từ Đại học Quốc gia TPHCM, tiến sĩ trẻ Cấn Trần Thành Trung, tốt nghiệp từ Mỹ trúng tuyển chương trình VNU350 - chương trình thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐH Quốc gia TPHCM.

Tốt nghiệp thủ khoa ở Mỹ, tiến sĩ về nước dạy học theo đề án tiền tỷ - 1

Cấn Trần Thành Trung và mẹ trong ngày tốt nghiệp Đại học Duke, Mỹ (Ảnh: VNUHCM).

TS Cấn Trần Thành Trung sinh năm 1995, cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) là chủ nhân giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế tại Colombia năm 2013.

Anh nhận học bổng toàn phần tại Đại học Duke, Mỹ - trường ở top 7 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ, theo US News 2024. Tại trường đại học danh tiếng này, năm 2018, Trung tốt nghiệp thủ khoa ngành toán.

Trước khi trở về nước, anh vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học từ Viện Công Nghệ California, Mỹ. Theo Bảng xếp hạng THE 2024, Viện Công nghệ California xếp thứ 7 các trường đại học tốt nhất thế giới.

Trúng tuyển theo đề án VNU350, tiến sĩ Cấn Trần Thành Trung sẽ về giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.

Chia sẻ với Đại học Quốc gia TPHCM, TS Cấn Trần Thành Trung cho hay, từ năm 2016, anh đã cùng nhóm PiMA tổ chức trại hè toán học và ứng dụng cho học sinh cấp 3 trên cả nước.

Chương trình nhằm giới thiệu toán ứng dụng hiện đại trên đại học cho các bạn học sinh THPT và rèn luyện những kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, nghiên cứu, lập trình. Đến nay, nhiều trại sinh của PiMA đã rất thành đạt, hiện đang làm cho các công ty công nghệ hàng đầu hoặc là nghiên cứu sinh ở các đại học lớn trên thế giới.

Khi về nước, anh ấp ủ từng bước phát triển PiMA trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu toán học và ứng dụng chất lượng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM).

Được biết, ngay từ khi còn là sinh viên, Cấn Trần Thành Trung đã đam mê đào tạo hướng dẫn cho học sinh, sinh viên vì anh nhận thấy học sinh, sinh viên Việt Nam có nhiều tiềm năng, không thua kém gì sinh viên học tập tại Mỹ.

Tốt nghiệp thủ khoa ở Mỹ, tiến sĩ về nước dạy học theo đề án tiền tỷ - 2

Cấn Trần Thành Trung (ngoài cùng bên phải) và nhóm học sinh đầu tiên anh hướng dẫn tại PiMA (Ảnh: VNUHCM).

Tuy nhiên, khi anh trao đổi với các giáo sư ở nước ngoài thì biết rằng sinh viên Việt Nam học các ngành toán trong nước chưa được đánh giá cao.

Bởi vậy, anh Trung mong ước sau khi tiếp cận được những kiến thức mới của thế giới sẽ trở về Việt Nam, đào tạo các thế hệ học sinh, sinh viên để trong tương lai không xa sẽ có thêm nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu toán học trẻ.

Chương trình VNU350 của Đại học Quốc gia TPHCM với mục tiêu thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại đại học này. 

Về chính sách đãi ngộ, đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian 2 năm đầu sẽ được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng); năm thứ ba được cấp một đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng); năm thứ tư được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng.

Sang năm thứ năm được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cấp Nhà nước.

Đối với các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng.

Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.

Nhà khoa học sẽ hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị nơi nhà khoa học đến công tác (gồm lương, thưởng, các phụ cấp, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khen thưởng…).