Câu chuyện “bé xách đỡ mẹ” trong sách Công nghệ giáo dục dạy trẻ tư duy phản biện

(Dân trí) - Nguyễn Siêu (tốt nghiệp xuất sắc ĐH Vassar - Mỹ, hiện làm việc tại tập đoàn truyền thông lớn Paramount Network) cho biết, bản thân cũng từng được học câu chuyện “Bé xách đỡ mẹ” mà đang bị nhiều người phê phán là vô giáo dục. Tuy nhiên, chàng cựu học sinh Thực nghiệm khẳng định, bài đọc ấy không dạy cho trẻ em thói hư tật xấu, trái lại dạy chúng tư duy phản biện từ rất sớm.

Từng là một người học chương trình công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại trọn vẹn 5 năm ở trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội), trước tranh cãi của dư luận về chương trình này, Nguyễn Siêu có bài phân tích “Công nghệ giáo dục: Một cách nhìn toàn cảnh”.

Dưới đây là phần 1 của bài phân tích. Theo đó, Nguyễn Siêu chỉ rõ trải nghiệm của bản thân về một số điểm đáng lưu ý trong sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại trong đó, có mẩu chuyện "bé xách đỡ mẹ" đang gặp không ít phê phán, tranh cãi về tính giáo dục:

Ngày xưa tôi học trường tiểu học Thực nghiệm (Ba Đình, Hà Nội). Chương trình tôi được giảng dạy trong suốt 5 năm 2001-2005 chính là chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại mà dư luận đang có nhiều tranh luận. Sau bài viết hôm trước giải thích tại sao chúng tôi lại học ngôn ngữ từ những hình tròn, hình vuông, tôi nhận được nhiều tin nhắn hỏi rằng ngoài những khối tròn vuông ấy thì chúng tôi còn được học gì ở trường Thực nghiệm nữa. Để đưa ra một bức tranh toàn cảnh hơn về chương trình giáo dục mà mọi người đang cho là “khác biệt” này, tôi muốn chia sẻ tất tần tật những điều dưới đây về 5 năm đi học có lẽ là vui nhất, hạnh phúc nhất, hiếu kỳ nhất của mình.

Ở trường Thực nghiệm, chúng tôi luôn tự hiểu rõ bộ sách giáo khoa mình học có rất nhiều điểm khác biệt so với các bạn trường khác. Tôi vẫn luôn thấy tự hào về điều này, mặc dù trong con mắt của nhiều người sự khác biệt là một điều mạo hiểm. Thấm thoắt 17 năm đã trôi qua từ ngày tôi bắt đầu cắp sách tới trường, nên những chia sẻ dưới đây chỉ là những mảnh ghép vụn vặt của ký ức mà tôi cố gắng lục lọi mấy ngày qua, có lẽ cũng chưa thể đầy đủ để lột tả hết một công trình giáo dục đồ sộ.

Bên cạnh đó, tôi cũng chưa một lần được học theo bộ sách đại trà của các bạn ở trường khác, nên nếu có những điểm trùng lặp, giống nhau, không đáng mang ra so sánh, mong mọi người thông cảm. Điều số 1 tới số 7 ở dưới đây nói về chương trình tiếng Việt. Từ điều số 8, tôi viết về chương trình Toán, Tiếng Anh, một số môn khác, cũng như việc trường không chấm điểm, không xếp loại, cho các bạn quan tâm.

Nguyễn Siêu (thứ 3 từ trái sang), một người học chương trình công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại trọn vẹn 5 năm.
Nguyễn Siêu (thứ 3 từ trái sang), một người học chương trình công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại trọn vẹn 5 năm.

1. Tôi đã thi vào lớp 1 trường Thực nghiệm thế nào?

Ngày ấy, tôi không đơn giản chỉ nộp hồ sơ rồi nghiễm nhiên trở thành một học sinh Thực nghiệm. Tôi phải đăng ký dự thi cùng rất nhiều bạn khác. Bài thi không kiểm tra vốn hiểu biết, mà kiểm tra phản xạ và lối suy nghĩ logic. Chúng tôi được phát cho những mẩu giấy hình tròn, hình vuông, hình tam giác. Cô giáo sẽ đọc một bài thơ, cứ khi nghe thấy một từ nào đó được yêu cầu trước (ví dụ như khi nghe thấy từ “cò” trong một bài ca dao cô đọc), thì sẽ đặt một hình tam giác xuống bàn. Hoặc như trong bài thi của tôi, cô giáo đọc một truyện ngắn và sau đó hỏi lại là con gấu trong truyện “gừ” mấy tiếng. Đó một trong những bài thi đầu đời tôi phải vượt qua để có một suất trong ngôi trường này.

Câu chuyện “bé xách đỡ mẹ” trong sách Công nghệ giáo dục dạy trẻ tư duy phản biện - 2

2. Chúng tôi học khối vuông, khối tròn, vì trong tự nhiên con người phát âm trước khi biết viết chữ

Trong bài viết trước, tôi đã giải thích tại sao học sinh lớp 1 ở trường Thực nghiệm lại chỉ từng hình vuông, hình tròn, rồi đọc vanh vách một câu thơ. Nếu sách giáo khoa đại trà dạy chữ viết trước (và bắt đầu bằng chữ “e”), thì trường Thực nghiệm dạy về âm trước, do thuận theo tự nhiên thì chúng ta biết nói trước khi biết viết. Ký hiệu mỗi “tiếng,” tức đơn vị ngữ âm hoàn chỉnh được phát ra, bằng hình tròn, hình vuông là để chúng tôi nhận biết nếu mắt nhìn thấy 8 tiếng, thì miệng cũng phải phát ra 8 tiếng, 8 âm thanh. Hình khối cũng chỉ là “vật thay thế” cho “vật thật,” tức âm thanh, một triết luận cơ bản của ngôn ngữ và truyền thông.

Đây chỉ là những bài học đầu, trước khi học sinh Thực nghiệm bắt đầu học cụ thể về mặt chữ, rồi mới học về nghĩa. Khi học về âm, điều quan trọng là làm thế nào để học sinh “quên” đi nghĩa, khiến chúng tập trung 100% vào cách phát âm, rồi sau khi nắm chắc kiến thức ngữ âm thì mới học tiếp các khía cạnh khác của ngôn ngữ. Đó chính là phương pháp căn bản của khoa học giáo dục mà có lẽ nhiều người không hiểu.

Câu chuyện “bé xách đỡ mẹ” trong sách Công nghệ giáo dục dạy trẻ tư duy phản biện - 3

Khi đã bạn biết tới tận ngọn ngành của một thứ gì đó và bạn muốn truyền đạt điều này cho ai đó, bạn luôn muốn truyền đạt tất cả mọi thứ một lúc, giải thích thật cặn kẽ để họ có thể hiểu được một vấn đề từ A tới Z. Tuy nhiên, học sinh tiểu học không suy nghĩ như vậy. Muốn giảng dạy một vấn đề phức tạp như ngôn ngữ, phải đi thật chậm, thật dần dần, phải dạy riêng rẽ từng thứ một. Đây là tại sao “giáo dục” là một ngành, chứ không phải ai muốn “dạy” là cũng “dạy” được. “Giáo dục” cần phương pháp.

Một ví dụ là tôi học Hoá cấp 2, có những hợp chất với sắt (tại sao có cả FeS lẫn FeS2) tôi thấy được viết không giống quy tắc được học khi cân bằng phương trình hoá học, nhưng lúc ấy cô giáo bảo cứ biết là như vậy, tới cấp 3 mới bắt đầu học về hoá trị với số oxi hoá, lúc ấy mới hiểu lý do đằng sau những cái “bất quy tắc” kia. Có những cái phải để từ từ, theo thời gian rồi dần dần học sẽ hiểu, không thể một dạy một lúc được luôn. Trong trường hợp này cũng vậy, để tập trung vào “âm,” học sinh cần quên phần “nghĩa” tạm thời. Những hình vuông, hình tròn sinh ra để thay thế cũng một phần vì mục đích này.

3. Khối vuông, khối tròn trở nên hữu ích cho việc tách vần

Từ việc sử dụng hình khối để “đại diện” cho “tiếng,” chúng tôi bắt đầu “đặt” tiếng vào hình khối để phân tách chúng ra. Chúng tôi đặt tiếng “ba” vào một hình chữ nhật, kẻ hai vạch thẳng song song để tách âm “b” và âm “a” ra (nhìn hình minh hoạ bên dưới).

Đây là một cách học phát âm giàu tư duy hình ảnh, và chính vì nó mà tôi phát âm tiếng Việt rất nhanh.
Đây là một cách học phát âm giàu tư duy hình ảnh, và chính vì nó mà tôi phát âm tiếng Việt rất nhanh.

Từ đây, chúng tôi được học là một “tiếng” có thể có hai phần, là “phần đầu” và “phần vần.” Tiếp theo, trong “phần vần,” chúng tôi tiếp tục kẻ hai vạch thẳng để tách thành 3 phần: “âm đệm,” “âm chính” và “âm cuối.” Ví dụ như từ “Loan" (tên mẹ tôi), “L” là phần đầu,” “O” là âm đệm, “A” là âm chính, “N” là âm cuối. Chúng tôi được học là trong 4 phần trên, một tiếng có thể mất âm đầu, âm đệm và âm cuối, nhưng luôn có âm chính, không thể thiếu được. Dấu thanh cũng được đặt lên phía trên của mô hình chữ nhật này để thay đổi cách phát âm.

Đây là một cách học phát âm giàu tư duy hình ảnh, và chính vì nó mà tôi phát âm tiếng Việt rất nhanh. Mỗi khi nhìn vào một “tiếng,” tôi đầu hình dung trong đầu mô hình này và có thể phát âm được ngay lập tức. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn chia sẻ về phương diện cá nhân rằng nhờ cách học này mà tới hiện nay tôi tư duy hầu hết mọi thứ đều bằng hình ảnh. Tôi ghi nhớ một kỷ niệm bằng hình ảnh. Tôi phân tích truyền thông bằng hình ảnh. Tôi thậm chí cũng dùng một ấn tượng hình ảnh để ghi nhớ âm thanh. Tôi không biết lối tư duy hình ảnh này có vượt trội hơn những lối tư duy khác hay không, nhưng nó khiến cá nhân tôi đánh giá một sự vật, sự việc nhanh nhẹn hơn, cuộc sống cũng dễ dàng hơn nhiều phần.

4. Đánh vần “ie” là “ia” là theo âm chứ không phải theo chữ

Ngoài hình vuông, hình tròn, một trong những điều mọi người tranh cãi là tại sao lại đánh vần “iê” là “ia” mà không phải là “i-ê.” Theo như tôi đã viết ở trên, triết lý Công nghệ giáo dục là dạy âm thanh trước, chữ viết theo sau và phục vụ cho âm thanh.

Câu chuyện “bé xách đỡ mẹ” trong sách Công nghệ giáo dục dạy trẻ tư duy phản biện - 5

Đánh vần vì thế dựa vào âm thanh chứ không phải dựa vào cách viết. Theo đó, “iê” không phải là hai nguyên âm, mà là một nguyên âm đôi, vì chúng ta không bao giờ để chúng đứng một mình không có âm cuối. Ví dụ như chúng ta viết “Sia” chứ không bao giờ viết “Siê,” và để viết “Siê” thì phải có một âm cuối, ví dụ như “Siêu” thì nó mới tồn tại. Vì thế, “iê” chỉ là một thể dạng khác của nguyên âm “ia” chứ không phải một thực thể của riêng nó. Cách đánh vần “iê” vì thế cũng là “ia,” chứ không phải là “i-ê.” Trong mô hình chữ nhật mô tả “tiếng” ở bên trên, “iê” cũng được viết cùng nhau trong ô “âm chính,” chứ không phải viết “i” ở âm đệm và “ê” ở âm chính, vì chúng đi liền nhau trong một “nguyên âm đôi”.

Nguyên âm đôi cũng là một trong những điều chúng tôi học cuối cùng, và cũng là khó nhất, trong phần ngữ âm này, nhưng chúng thực sự không hề khó một khi bạn hiểu bản chất vấn đề. Người lớn có thể thấy khó hiểu vì họ quen khái niệm “đánh vần” tức là “đọc” lại chữ viết, tức là chữ có trước, âm thanh có sau. Công nghệ giáo dục quan niệm ngược lại. “Đánh vần” là đọc bật lên một âm thanh, độc lập khỏi con chữ, vì âm thanh có trước, chữ chỉ để ghi lại âm thanh mà thôi.

5. “Gà qué”, “đi bể”, “quả muỗm” dạy cách trân trọng sự khác biệt của mỗi địa phương

Nhiều người tự hỏi, tại sao lại dạy trẻ em những từ mà nó còn không biết nghĩa là gì. Ví dụ, “bể” là từ địa phương, tại sao lại dạy trẻ một phương ngữ không quen thuộc? Thứ nhất, như đã nói ở trên, chương trình này dạy cách phát âm đầu tiên, và trong quá trình học âm, chúng ta chưa quan trọng ngữ nghĩa.

Thứ hai, những người chỉ trích điều này có lẽ quên mất, đi học là để tiếp thu những điều mới, chứ không phải chỉ làm quen với những thứ quen thuộc. Tôi nhớ hồi học tới từ “bể,” tôi cũng thắc mắc hỏi cô, thì được giải thích “bể” là một từ đồng nghĩa với “biển,” có những địa phương khác dùng. Một giây sau, tôi hiểu ngay, thích thú, chứ không õng ẹo không chịu học như một vài câu chuyện trên mạng.

Đây là kiến thức mới, mình đến trường để học cái mới, chứ tại sao lại đòi chỉ học những cái quen thuộc? Nhờ học được từ “bể” mà tôi mới à ra, tại sao người ta lại gọi là “nem cua bể.” Nó dạy cho tôi hai điều: một là cách liên kết giữa những từ đồng nghĩa với nhau, để biết nhiều hơn, tăng vốn từ cho mình, và hai là biết rằng Việt Nam có rất nhiều địa phương khác nhau, nhiều tỉnh thành khác nhau, nhiều phương ngữ khác nhau, từ đó hiểu thêm rằng không phải ai cũng nói giống mình, dùng từ giống mình, biết cách trân trọng sự khác biệt.

6. Câu chuyện “bé xách đỡ mẹ” dạy tư duy phản biện

Tôi cũng từng được học câu chuyện “Bé xách đỡ mẹ,” hiện đang bị nhiều người phê phán là vô giáo dục, dạy cho trẻ em thói hư tật xấu. Tôi có thể chia sẻ trong trải nghiệm của tôi, là tôi đã từng đọc câu chuyện này ở trường Thực nghiệm, và tới ngày hôm nay vẫn chưa một lần vô ơn với ai. Hồi đó, khi đọc câu chuyện này, tôi chỉ cười. Tôi cười vì tôi hiểu thằng bé ranh ma, láu cá. Tôi cười vì tôi biết đây chỉ là một câu chuyện cười thâm thúy mà thôi.

Bài đọc Bé xách đỡ mẹ trong sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đang gây tranh cãi về tính giáo dục.
Bài đọc "Bé xách đỡ mẹ" trong sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đang gây tranh cãi về tính giáo dục.

Ở 6 tuổi, tôi nghĩ một đứa trẻ con đã hiểu đủ để biết đây không phải là cách cư xử nhà trường đang khuyến khích. Ở 6 tuổi, một đứa trẻ con đã đủ thông minh để biết đây chỉ là một truyện cười. Trong trường Thực nghiệm, chúng tôi chưa bao giờ được các cô bắt đọc một câu chuyện và yêu cầu, “Hãy làm đúng y hệt những gì người ta làm”. Không, những bài đọc trong sách Thực nghiệm không mang tính chất giáo lý, mục đích không phải để khiến trẻ công nhận là đúng và học theo.

Những bài đọc này khuyến khích trẻ tự hỏi bản thân mình, cái gì ở đây hay, cái gì không hay, cái gì buồn cười, tại sao lại buồn cười. Đây là mấu chốt của Tư duy phản biện. Ở trường Thực nghiệm, chúng tôi đã được học tư duy phản biện từ rất sớm như thế. Chúng tôi không học theo kiểu cái gì nhà trường giảng thì mình tự coi là đúng. Chúng tôi học cách tự đưa ra đánh giá, nhận xét của mình.

(Còn tiếp phần 2…)

Nguyễn Siêu

(Từ New York, Mỹ)