Công bố sách giáo khoa lớp 1 mới: NXB Giáo dục chiếm ưu thế
(Dân trí) - Chiều nay (22/11), Bộ GD&ĐT công bố các bộ/cuốn sách giáo khoa (SGK) đã vượt qua vòng thẩm định để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020 - 2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, NXB Giáo dục chiếm ưu thế với 24/32 sách giáo khoa được lựa chọn.
NXB Giáo dục có 24/32 cuốn được chọn lựa
Được biết, 32 sách giáo khoa thuộc các nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Trong đó, NXB Giáo dục chiếm ưu thế với 24 cuốn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ GD trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới GD phổ thông (Bộ GD&ĐT): “Về nguyên tắc, các SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường.
Vấn đề chọn sách của đơn vị/tác giả nào làm tài liệu dạy học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế.
Hiện Bộ đang xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện luật. Căn cứ vào đó UBND cấp tỉnh sẽ thành lập hội đồng chọn sách để sử dụng tại địa phương”.
Sẽ có bản SGK điện tử
Trước đó, ngày 8/11, NXB Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) ra mắt 4 bản mẫu SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các bản mẫu SGK do NXB GDVN biên soạn hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực.
Đội ngũ tác giả biên soạn SGK gồm 150 tổng chủ biên, chủ biên và hơn 700 tác giả là các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học và giáo viên giỏi...
Cùng với đó là đội ngũ 500 biên tập viên, thiết kế, họa sĩ vẽ minh họa theo các bài học để giúp học sinh hào hứng hơn với các môn học.
Đặc biệt, những tuyến nhân vật minh họa trong sách còn đồng hành cùng học sinh theo các lớp và lồng ghép trong những hình ảnh minh họa là thông điệp ý nghĩa về cuộc sống gửi tới các em học sinh.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính Ban phát triển chương trình GDPT mới, (Bộ GD&ĐT), Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn cho biết, các bộ sách mới này có một số điểm khác biệt về mục tiêu thực hiện; Nội dung các hoạt động học tập, khám phá và tiếp cận dụng kiến thức có tình mở; Phương tổ chức các hoạt động tăng cường tương tác…
Với các bản mẫu SGK giấy vừa ra mắt, NXBGDVN còn phát triển đồng bộ SGK điện tử, các tư liệu, tài nguyên số để hỗ trợ giảng dạy dành cho giáo viên.
Đồng thời cung ứng đầy đủ, đồng bộ thiết bị và học liệu giáo dục, hỗ trợ cho việc dạy học hiệu quả trong nhà trường phổ thông.
Quy trình thẩm định chặt chẽ
Được biết, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các bộ sách được đề nghị thẩm định đối với 9 môn học ở lớp 1 với 49 bản thảo, cụ thể như sau: tiếng Việt, toán, đạo đức mỗi môn 6 bản thảo; tự nhiên - xã hội (5); giáo dục thể chất (4); nghệ thuật (âm nhạc) (5); nghệ thuật (mỹ thuật) (5); hoạt động trải nghiệm (6); tiếng Anh (6).
Các hội đồng đã qua 2 vòng và kết quả sơ bộ có 38/49 bản thảo ở tất cả 9 môn học được các hội đồng thẩm định đánh giá là “đạt” và đề nghị Bộ trưởng xem xét phê duyệt. Có 11/49 bản thảo ở 6 môn học bị đánh giá “không đạt”.
Từ tháng 7 đến giữa tháng 10/2019, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập đã tiến hành đánh giá các bản thảo SGK của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà các nhà xuất bản gửi về. Quá trình này gồm 2 vòng với quy trình tổ chức chặt chẽ, khắt khe.
Theo đó, mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập trong 15 ngày.
Hội đồng sau đó làm việc tập trung trong 7 ngày để nghe tác giả trình bày ý tưởng của bộ sách và thảo luận công khai các vấn đề của bản thảo SGK.
GS. Trần Kiều - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 môn Toán chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh giá, hoạt động thẩm định SGK lần này tiến bộ nhất trong các lần thẩm định từ trước đến nay.
Mỹ Hà