Con vào lớp 1, bố mẹ lo đủ thứ

(Dân trí) -“Bé nhà tôi sửa soạn tốt nghiệp… mẫu giáo và vào lớp 1, nói thiệt là tôi lo đủ thứ. Cả bố cả mẹ đều hoang mang vì thời bây chừ đâu có như mình hồi xưa nữa”. Nỗi lo này không chỉ của riêng chị Minh Hà (nhà ở Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Con vào lớp 1, bố mẹ lo đủ thứ
Ngày bé tốt nghiệp... mẫu giáo cũng là khi phụ huynh lo lắng đủ bề sửa soạn cho con vào lớp 1. (Ảnh minh họa)

Lắm nỗi lo khi con vào lớp 1

Trong buổi hội thảo dành cho phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 do Phòng GD-ĐT Q. Hải Châu (Đà Nẵng) phối hợp Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây, rất nhiều nỗi lo của phụ huynh được bày tỏ.

Chị Minh Hà, phụ huynh có con nhỏ chuẩn bị vào lớp 1, băn khoăn: “Tôi biết lên lớp 1, môi trường học của cháu sẽ khác hoàn toàn với ở trường mẫu giáo. Cháu sẽ phải học nhiều hơn chơi, lại phải ngồi yên ở bàn học không được chạy nhảy thoải mái nữa. Trong khi đó, cháu lại khá hiếu động, không biết có chịu ngồi yên một chỗ được không. Tôi nghe chị bạn kể lại, con chị ấy vô lớp 1 mấy tháng liền tự nhiên… trầm tính một cách rất đáng lo. Hỏi gì cháu cũng lắc đầu”.

Phụ huynh tên Trần Thị Ngọc lại chia sẻ một nỗi lo xa khác: “Lúc ở mẫu giáo, tôi rất yên tâm vì phụ huynh và cô dạy trẻ có cơ hội trao đổi với nhau nhiều hơn vào mỗi chiều tôi đón bé đi học về. Trường cháu học lại có phiếu liên lạc ghi nhật ký hàng ngày, kể cả việc trong ngày cháu bị cô giáo phạt và ghi rõ vì sao cô giáo phạt cháu như vậy. Khi cháu vào lớp 1, tôi chưa biết ứng xử thế nào khi cô giáo có những lời chưa phù hợp với trẻ. Tôi lại lo cháu sợ cô, về nhà không dám kể gì với bố mẹ…".

Nỗi lo chung của nhiều phụ huynh khi con chuẩn bị vào lớp 1 là nên cho trẻ học trước chương trình trước khi chính thức vào lớp 1 hay không. Anh Nguyễn Đức Bình cho biết: “Ngoài giờ học ở trường mẫu giáo, từ mấy tháng nay, tôi đã cho cháu đi học thêm trước chương trình lớp 1”. Nhiều phụ huynh cũng thừa nhận điều này dù số đông trong đó vẫn biết rằng như vậy là không nên. Nhưng như chị Nam Phương chia sẻ: “Nếu cho cháu học trước chương trình, khi cháu chưa vào lớp 1, chưa được 6 tuổi, là sai phương pháp sư phạm. Nhưng nếu để cho cháu vô tư không biết gì như thế thì tôi lo cho con tôi khi vào lớp 1, nhìn các bạn xung quanh “biết tỏng hết rồi” thì cháu sẽ sinh tâm lý tự ti, thấy mình yếu kém và chán nản. Nghĩ tới nghĩ lui như vậy, tôi hết sức hoang mang”…

Đầu tư là tốt nhưng phải đầu tư cho đúng

Chia sẻ tâm trạng hoang mang của phụ huynh trước việc nên hay không nên cho trẻ học trước chữ, ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Hải Châu, Đà Nẵng khẳng định: “Qua công tác lâu năm trong ngành giáo dục của tôi, cũng như chưa có nghiên cứu nào cho thấy các trẻ được học chữ trước khi vào lớp 1 về sau này nổi trội hơn về học lực so với trẻ vào trường học đúng theo chương trình. Cho trẻ học trước chương trình lớp 1 có thể thấy bé nắm bắt chương trình học ngay khi vừa vào trường học chính thức. Nhưng vô tình phụ huynh quên mất làm như vậy trẻ sẽ mất đi hứng thú với bài học đầu tiên, khiến trẻ cảm thấy bài học lớp 1 chẳng có gì làm mới mẻ, sinh ra mất tập trung, chán học. Đó là chưa kể trước đó, việc học trước tuổi gây áp lực tâm lý khiến cho trẻ thấy việc học hành thật nặng nề.

Thời bây giờ, phụ huynh có nhiều điều kiện đầu tư cho việc học hành của con em hơn. Đầu tư là tốt nhưng đầu tư như thế nào cho đúng. Nhiều phụ huynh nhầm tưởng việc dạy trước cho trẻ chương trình học với việc dạy cho trẻ làm quen với chữ và số ở các trường mẫu giáo hiện nay. Rõ ràng đầu tư cho trẻ học trước chương trình là “lợi bất cập hại”. Nhưng sẽ là đầu tư đúng nếu phụ huynh cho trẻ trước khi vào lớp 1 nói tiếng Việt tròn vành rõ chữ, rèn luyện tư thế ngồi học và cách cầm viết đúng, cho trẻ học các môn ngoại khóa mà trẻ thích thật sự trên tinh thần thoải mái cần thiết cho lứa tuổi của trẻ”.

TS. Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đồng ý với ông Ngưng về ý kiến trên và tư vấn lưu ý thêm đến các phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 1. TS. Hoa lưu ý các phụ huynh: “Vào lớp 1, trẻ sẽ gặp giáo viên mới, bạn học mới, bắt đầu cách học mới. Phụ huynh nên chuẩn bị tâm lý cho trẻ như giới thiệu cho trẻ về trường học mới mà trẻ sẽ học, trao đổi về những điều vui vẻ, thú vị khi trẻ vào lớp 1. Khi trẻ vào học, nhất thiết, phụ huynh nên quan tâm đến tâm trạng của trẻ, hỏi han tâm sự với bé về bạn bè, trường lớp. Nếu trẻ bày tỏ trẻ gặp khó khăn, phụ huynh trước hết nên cùng trao đổi với nhà trường để cùng giúp trẻ.

Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh đón trẻ ở trường về không hỏi han cháu cô giáo như thế nào, hôm nay con làm quen với bạn nào, buổi trưa bán trú ở trường con ăn cơm có ngon không... mà chỉ chăm chăm muốn biết “bài Toán, bài tập đọc ở trường của con hôm nay được mấy điểm”. Áp lực thành tích như vậy là quá sức với trẻ nhỏ…”.

TS. Hoa cho biết, theo khảo sát của Trung tâm ứng dụng tâm lý học, những trẻ được củng cố sự tự tin sẽ học tốt hơn. Sự tự tin đó sẽ được bồi đắp khi phụ huynh  có những động viên, khuyến khích đúng và kịp thời khi trẻ có những biểu hiện tiến bộ; chứ không phải khi trẻ hoàn thành đúng ý nguyện của bố mẹ bố mẹ mới tỏ thái độ vừa lòng.

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm