Ép học chữ trước khi vào lớp 1 làm trẻ căng thẳng
(Dân trí)-Thời điểm này, nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 đang cập rập cho con đi học chữ như “bước đệm” trước khi đi học. Nhiều người không biết rằng quan trọng nhất với trẻ vào lớp 1, tâm - sinh lý đảm bảo cho việc học chứ không phải kỹ năng đọc viết.
Theo các nghiên cứu, sự thành công của trẻ trong năm đầu tiên tới trường có ảnh hưởng lớn đến kết quả các năm học tiếp theo. Theo một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 80% sự khác biệt trong kết quả học tập của HS lớp 4 đã có sẵn ngay từ khi trẻ bắt đầu đến trường.
Tại hội thảo “Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1” do Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc tổ chức mới đây, TS Trần Lan Hương, đại diện biên ban soạn thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi thuộc Bộ GD-ĐT khuyến cáo phụ huynh không nên ép trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Điều cần thiết là sự chuẩn bị toàn diện cho con về sức khỏe, tâm lý, nhận thức… để con có hứng thú và đảm bảo được việc học. Sự sẵn sàng của trẻ bao gồm nhiều thành tố như sức khỏe, dinh dưỡng, nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc quan hệ xã hội, mục đích học tập.
Điều quan trọng nhất đối với HS lớp 1 tương lai là sức khỏe. Khi đến trường áp lực về thể chất rất lớn, làm sao để trẻ không mệt và cảm thấy sảng khoái. Phụ huynh cần chú ý phát triển cơ tay nhỏ như trẻ tự mặc và cởi được áo, có kỹ năng cắt, nặn, dán, xé và sử dụng được bút thành thạo.
Về mặt xã hội lúc này trẻ nhận thức được về bản thân như tên mình và bố mẹ, anh chị em, số điện thoại/địa chỉ gia đình; xác định được các bộ phận trên cơ thể… Chuẩn bị tâm lý giúp trẻ tin tưởng vào khả năng của mình để khi rời bố mẹ mà không bị căng thẳng, biết quyền của mình và không để bạn khác làm điều bất lợi cho mình. Cũng như trẻ biết cảm nhận và thể hiện cảm xúc, có mối quan hệ tích cực với bạn bè, người lớn.
TS Trần Lan Hương nhấn mạnh, để chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ, cha mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ nhận thức về bản thân, hãy để trẻ làm những việc trong khả năng, tạo điều kiện cho con được chơi với bạn ở nơi ở, không nên luôn giải quyết thay trẻ trong mối quan hệ với với bạn cũng như đừng áp đặt sở thích, suy nghĩ của mình trên trẻ.
Về mặt ngôn ngữ, trẻ hiểu được lời nói của người khác, biết sử dụng lời nói để giao tiếp và có hiểu biết ban đầu với việc viết. TS Trần Lan Hương lưu ý: “Phụ huynh đừng hành hạ trẻ bằng các con chữ và chữ số. Con không muốn học mà vẫn cố ép sẽ gây áp lực lên bán cầu não trái làm trẻ căng thẳng và mất hứng thú học của trẻ. Nếu trẻ hào hứng thích thú thì nên tạo điều kiện cho trẻ làm quen với chữ nhưng phải dạy với hình thức trò chơi”.
Bố mẹ có thể tạo điều kiện cho trẻ làm quen với chữ viết bằng nhiều cách như: -Tạo môi trường chữ viết phong phú tại gia đình qua sách truyện, tạp chí, báo, nhãn mác hàng hóa… - Dạy trẻ các bài thơ, cao dao, bài hát. Khuyến khích trẻ kể lại chuyện bằng lời của mình. - Đọc sách, kể chuyện cho trẻ nghe hàng ngày và không được thay thế điều này bằng cách cho trẻ xem ti vi, nghe đài hay vi tính. - Cho trẻ xem cách người lớn đọc và coi đó là cách làm mẫu để trẻ bắt chước các hành vi của người đọc. - Chuẩn bị cơ tay cho trẻ qua các hoạt động nặn, xếp, dán, cài, đan, tết… Khuyến khích trẻ chơi logo, hình xếp xây dựng. |
Hoài Nam