Sợ đi học lớp 1

Niềm háo hức khi được trở thành học sinh lớp 1 bỗng biến mất trong ngày tựu trường đầu tiên, khi bé M. bị “ăn” điểm 3 môn tập viết.

Chị H. - mẹ của bé, ở khu dân cư An Trang, An Đồng, Hải Phòng - lo lắng kể: “Con bé nói sẽ không đi học nữa vì cô bảo con viết chữ xấu nhất lớp”.

Hầu hết mỗi buổi học, phiếu bài tập về nhà (được photo phát cho từng học sinh) của học sinh lớp 1 Trường tiểu học An Đồng, Hải Phòng đều được cô giáo chấm điểm chi tiết đến từng 0,3 hoặc 0,5, y như thang điểm chấm thi đại học. Mỗi tuần, cô giáo đều phát cho học sinh một bảng điểm ghi điểm trung bình môn tiếng Việt và toán. Trong hai tuần đầu tiên, rất nhiều bé ở lớp 1D - một trong những lớp có chất lượng của trường này - đã bị “ăn” điểm 3-4. 

Sợ đi học lớp 1 - 1
Làm sao để mỗi ngày đến lớp là một ngày hội của các bé?

V., một bé trai học lớp 1 Trường tiểu học An Đồng, sau một tuần đi học đã nói với bố mẹ: “Con không đi học nữa, vì học làm con đau đầu lắm!”. Mẹ cháu cho biết: “Mới bước vào năm học nhưng mỗi ngày cháu phải làm khoảng 10 bài tập, trong đó có 5 bài tập toán, 4-5 bài tiếng Việt và tập viết. Xem phiếu bài tập của cháu V. thì thấy hầu như ngày nào cũng có 1-2 trang bài tập về nhà. Có những bài tập quá khó và không chuẩn. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, khi phụ huynh bày tỏ nỗi bức xúc thì cô giáo đã giải thích: “Do áp dụng phương pháp dạy học mới nên yêu cầu học sinh cao hơn”.

Sợ đi học lớp 1 - 2
 
Sợ đi học lớp 1 - 3
 
Sợ đi học lớp 1 - 4
Phiếu bài tập về nhà của học sinh lớp 1 Trường tiểu học An Đồng - Hải Phòng được cô giáo chấm điểm chi tiết đến từng 0,3 hoặc 0,5 điểm.

Chị C., một phụ huynh nghèo ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, cho biết chị có ba đứa con (sinh ba) cùng đi học lớp 1 trong năm học này. Ba cháu được xếp vào ba lớp khác nhau. Ngày đầu tiên đi học về, chị kiểm tra tập vở thì thấy cùng học lớp 1 nhưng vở của ba cháu học ba kiểu khác nhau.

Cháu thứ nhất cô chỉ yêu cầu tập viết các nét cơ bản trong hai trang giấy. Hai cháu còn lại “được” giao về viết chữ (mà thật ra là chép chữ) đến bốn trang giấy. Một cháu kêu khóc và đòi mẹ cho nghỉ, không đi học nữa vì sợ cô giáo và bài tập nhiều quá. Chị an ủi, động viên thì cháu đòi chuyển sang lớp khác mới chịu đi học. Gia đình chị C. từ Long An mới chuyển lên TP.HCM để cho con đi học nên cả ba đứa con của chị đều chưa học qua mẫu giáo và còn bỡ ngỡ từ những nét chữ đầu tiên, khác hẳn với phần đông các bạn trong lớp đều đã được học trước chương trình.

Trong điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành quy định rõ việc giáo viên không được có những lời nói, nhận xét làm tổn hại, gây tâm lý căng thẳng cho học sinh. Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục nhấn mạnh việc “không giao bài tập về nhà cho học sinh ở các trường học hai buổi/ngày” và quy định những loại sách, vở tối thiểu học sinh cần mang đến trường, quy định thời lượng dạy học đối với học sinh trong ngày, trong tuần...

Song những quy định nêu trên xem ra vẫn còn xa lạ với cách thức dạy và học trên thực tế hiện nay, khi căn bệnh thành tích vẫn còn “ám ảnh” cả nhà trường lẫn giáo viên, phụ huynh và nạn nhân cuối cùng chính là những học sinh non nớt trong những ngày đầu cắp sách đến trường.

Ông Lê Tiến Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Điều chỉnh cách đánh giá đối với học sinh tiểu học là cần thiết theo nguyên tắc thể hiện tính nhân văn của giáo dục tiểu học, lấy động viên, khuyến khích sự tiến bộ của các em là chính, không được gây áp lực cho học sinh và giáo viên, đảm bảo lợi ích chính đáng cho học sinh”.

Theo Vĩnh Hà - Lưu Trang
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm