Cơn lốc AI và nguy cơ "xóa sổ" văn hóa đọc trong sinh viên
(Dân trí) - Một số nghiên cứu sâu cho thấy, việc tiếp xúc liên tục với các nội dung ngắn, "dễ tiêu hóa" trên nền tảng xã hội làm giảm khả năng tập trung của người trẻ khi đọc các văn bản dài.
Họ dần hình thành thói quen thích đọc và học những kiến thức nhanh kiểu "mỳ ăn liền", thay vì những tài liệu khoa học ở trình độ chuyên gia với nhiều thuật ngữ chuyên ngành đòi hỏi phải tập trung trình độ cao.

Học sinh Hà Nội tìm hiểu trải nghiệm về văn hóa đọc (Ảnh: Mỹ Hà).
Khủng hoảng đọc trong sinh viên trường đại học
Những năm gần đây, nhiều giảng viên đại học lo ngại khi sinh viên gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tự học, tự nghiên cứu.
Không chỉ Việt Nam, những khảo sát gần đây tại nhiều quốc gia cho thấy thế hệ sinh viên hệ Gen Z và Gen Alpha thiếu các kỹ năng đọc và nắm bắt các văn bản phức tạp.
Một báo cáo từ Hiệp hội Đánh giá Giáo dục Quốc gia (NAEP - Mỹ) cho thấy, khoảng 31% học sinh lớp 12 đạt mức "thành thạo" trong đọc hiểu và con số này dường như không cải thiện khi các em trở thành sinh viên đại học.
Thậm chí các khảo sát cho thấy, sinh viên ngại đọc các bài báo học thuật khi được giao nhiệm vụ học tập; khó khăn trong việc hiểu các bài báo khoa học có dung lượng dài; khó khăn trong việc tóm tắt các ý chính hoặc phân tích các lập luận trong văn bản; không có khả năng kết nối thông tin từ các nguồn khác nhau để hình thành ý kiến riêng.
Do vậy sinh viên thường né tránh các nhiệm vụ đọc được giao, tận dụng AI để tóm tắt văn bản và chỉ đọc những tổng hợp đơn giản hóa từ báo chí, thậm chí hoàn toàn bỏ qua việc đọc.
Điều này làm giảm chất lượng học tập, đặc biệt chất lượng tư duy phân tích sâu; kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo vốn là cốt lõi của giáo dục đại học để các em xây dựng nghề nghiệp.

Học sinh khó nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách bởi nền giáo dục ứng thí (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
Chán đọc vì nền giáo dục ứng thí
Một phần nguyên nhân gây nên cơn "khủng hoảng" đọc bắt nguồn từ yếu tố thời đại và văn hóa; từ nền giáo dục phổ thông chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc phát triển năng lực đọc.
Trong nền giáo dục ứng thí, việc tập trung cho các kỳ thi chuẩn hóa vốn ưu tiên cho các bài đọc ngắn, các câu hỏi trắc nghiệm thay vì những văn bản dài và phức tạp khiến các em dường như đầu tư học các kỹ thuật, mẹo giải bài để tăng tốc độ phản ứng thay vì suy nghĩ sâu sắc.
Điều này khiến các em không được rèn luyện kỹ năng đọc sâu (deep reading) - khả năng tương tác với các ý tưởng phức tạp trong thời gian dài.
Việc giảm thời lượng trong dạy các tác phẩm kinh điển; các văn bản có nội dung ngôn ngữ giàu có phản ánh thực trạng xã hội sâu sắc một phần khiến các em giảm khả năng tiếp cận vốn từ vựng và các cấu trúc ngôn ngữ nâng cao.
Các kỹ năng đọc nhanh nắm nội dung, kỹ năng đọc để tóm tắt; kỹ năng đọc để phân tích, phản biện dường như chưa được đưa vào trong chương trình dạy học.
Thứ hai, cùng với sự phổ biến của mạng xã hội, video ngắn và các nền tảng kỹ thuật số đã làm thay đổi cách sinh viên tiếp nhận thông tin ở bậc đại học.
Một số nghiên cứu sâu cho thấy, việc tiếp xúc liên tục với các nội dung ngắn, "dễ tiêu hóa" trên các nền tảng xã hội làm giảm khả năng duy trì sự tập trung của người trẻ khi đọc các văn bản dài.
Giới trẻ dần ưu tiên tốc độ tiếp nhận thông tin thay vì nghiền ngẫm thông tin. Điều này dẫn đến việc học sinh và sinh viên quen với việc đọc lướt kể cả với những văn bản được họ quan tâm và là nhiệm vụ học tập.
Họ dần hình thành thói quen thích đọc và học những kiến thức nhanh kiểu "mỳ ăn liền" thay vì những tài liệu khoa học ở trình độ chuyên gia với nhiều thuật ngữ chuyên ngành đòi hỏi phải tập trung trình độ cao.
Thứ ba, năng lực đọc càng yếu, sinh viên càng cảm thấy bị đe dọa bởi các văn bản học thuật phức tạp và cách thức ứng phó sẽ là né tránh khó khăn, sử dụng các trợ lý AI để tóm tắt, làm cho đơn giản hóa.
Điều này kéo theo vòng luẩn quẩn: Sinh viên ngày càng phụ thuộc AI, ít chịu đầu tư đọc dẫn đến kỹ năng đọc hiểu kém, kéo theo sự tự tin và động lực đọc ngày càng kém hơn và không sẵn sàng cho việc đọc nghiêm túc.

Việc tiếp xúc liên tục với các nội dung ngắn, "dễ tiêu hóa" trên các nền tảng xã hội làm giảm khả năng duy trì sự tập trung của người trẻ khi đọc các văn bản dài (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
Khủng hoảng bắt nguồn từ việc thay đổi thói quen
Trong bối cảnh của kỷ nguyên số, khủng hoảng của việc đọc có thể bắt nguồn từ việc thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin. Nó có thể dẫn đến những thách thức lớn nhưng không phải không thể khắc phục.
Thứ nhất, ở cấp giáo dục phổ thông cần ưu tiên đưa vào chương trình và các hoạt động đọc nhiều tài liệu phong phú. Các tài liệu này nên bao gồm nhiều thể loại, từ những tác phẩm văn học cổ điển đến các bài báo khoa học có nội dung phù hợp với trình độ học sinh.
Từ những chiến lược đọc hiểu, các kỹ năng ghi chú, tóm tắt và đặt câu hỏi được hình thành ở bậc phổ thông giúp học sinh tiếp cận các văn bản phức tạp một cách tự tin.
Ở bậc đại học, giảng viên phải thiết kế đa dạng các hoạt động và nội dung tự học, tự đọc hiệu quả để nâng cao kỹ năng đọc cho sinh viên; có hình thức kiểm tra, đánh giá quá trình tự đọc này để đưa ra những phản hồi hữu ích.
Các trường đại học cần tổ chức nhiều chương trình đọc sách tự chọn hoặc các loại hình câu lạc bộ sách để khởi dậy niềm yêu thích đọc sách, hình thành văn hóa đọc ở người học.
Người học cần được hướng dẫn về các năng lực số và năng lực AI để hiểu được tiềm năng và những nguy cơ tiềm ẩn. Họ cần được hướng dẫn các kỹ thuật để tập trung vào những nhiệm vụ nghiên cứu sâu; kỹ năng quản lý thời gian để giảm phân tâm từ công nghệ trong các giờ học.
Giảng viên cần khuyến khích để sinh viên đặt câu hỏi, có thể thoải mái thừa nhận những khó khăn khi đọc thay vì e ngại hoặc cảm thấy xấu hổ. Qua những phản hồi tích cực, cá nhân hóa từ người hướng dẫn có thể giúp sinh viên xây dựng sự tự tin.
Các trường đại học cần nghiên cứu việc thành lập trung tâm hỗ trợ học tập và giảng dạy để phát triển kỹ năng đọc, tư duy phản biện cho giảng viên và sinh viên.