Cơm bán trú bị mốc đen, phụ huynh đợi cả tuần chưa biết nguyên nhân
(Dân trí) - Theo phản ánh của phụ huynh học sinh, suất cơm bán trú tại TPHCM xuất hiện một số hạt cơm có mốc đen.
Phụ huynh lớp 12A13, Trường Trung học phổ thông (THPT) Trưng Vương (quận 1, TPHCM) phản ánh trong bữa trưa bán trú ngày 19/10, phần cơm của học sinh có tình trạng bị mốc rêu, mùi vị giống như bị ôi thiu.
Khi dùng cơm, học sinh đã báo cáo việc này với người phụ trách bán trú, được tiếp nhận thông tin và lập biên bản ghi nhận.
Theo phụ huynh, đến ngày 20/10, giáo viên chủ nhiệm gửi vào nhóm lớp tin nhắn của lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ có buổi làm việc chính thức với các bộ phận liên quan để có câu trả lời chính thức đến phụ huynh…
"Phải đến một tuần sau (ngày 26/10), chờ mãi không thấy phản hồi, phụ huynh hỏi thì giáo viên chủ nhiệm mới gửi biên bản về an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện nội dung nhà trường đã làm việc với căng tin (đơn vị tổ chức bữa ăn). Thế nhưng, biên bản không thể hiện rõ trách nhiệm về sự việc cơm bán trú chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", một phụ huynh bức xúc.
Trước tình trạng hàng loạt bếp ăn bán trú có vấn đề về an toàn thực phẩm thời gian qua, phụ huynh mong muốn nhà trường trả lời rõ ràng về trách nhiệm, đồng thời cần có phương án cam kết để không tái diễn tình trạng này.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Lương Bích Nga - Phó hiệu trưởng phụ trách công tác bán trú, Trường THPT Trưng Vương - xác nhận bữa trưa bán trú ngày 19/10 có hiện tượng cơm bị mốc ở 1 khay.
Ngay thời điểm đó, nhà trường đã lập biên bản về an toàn vệ sinh thực phẩm, có xác nhận của người phụ trách bán trú, lãnh đạo nhà trường, có chứng kiến của học sinh và đơn vị cung cấp. Đồng thời, các đơn vị đổi khay cơm khác cho học sinh.
Bà Nga cho hay, lãnh đạo trường đã trực tiếp gặp gỡ trao đổi, động viên học sinh lớp 12A13, theo dõi sức khỏe học sinh trong suốt thời gian em ở trường và cả khi ở nhà.
"Trong thời điểm lập biên bản, căng tin có đủ giấy tờ nguồn gốc nguyên liệu trong ngày. Khay ăn được rửa bằng máy áp lực cao qua máy sấy. Thức ăn trong quá trình vận chuyển đều có nắp đậy. Nhà trường đã đánh giá lại quy trình phục vụ bữa ăn, xem lại mẫu lưu thực phẩm trong ngày", bà Nga nói.
Theo bà Lương Bích Nga, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường có ghi nhận thêm ý kiến từ các thầy cô phụ trách bán trú nhưng không ghi nhận thêm trường hợp nào học sinh phản ánh về chất lượng bữa ăn.
"Tức là chỉ có 1 khay cơm có hiện tượng cơm bị mốc, vì thế rất khó để lý giải nguyên nhân chính xác cơm mốc là từ đâu. Hiện chưa tìm ra nguyên nhân", đại diện nhà trường cho hay.
Thông tin về quy trình tổ chức giám sát bếp ăn bán trú, Phó hiệu trưởng cho biết nhà trường ký hợp đồng với Công ty H.H. cung cấp suất ăn cho học sinh và công ty đặt bếp nấu tại trường nhằm đảm bảo bữa cơm của học sinh được nóng, không mất thời gian vận chuyển.
Từ thực đơn, nhà trường thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đảm bảo theo yêu cầu và quy định của vệ sinh an toàn thực phẩm của.
Hàng tuần, nhà trường đều kiểm tra bếp ăn của căng tin. Mỗi sáng, nhân viên y tế trường sẽ kiểm tra thực phẩm nhập về có đảm bảo nguồn gốc không, kiểm tra về định lượng thức ăn hàng ngày để bổ sung khẩu phần ăn cho học sinh. Đặc biệt, mỗi ngày, giáo viên phục vụ bán trú kiểm tra xác suất 5% phần ăn học sinh.
Lãnh đạo nhà trường xác nhận sự việc xảy ra, trách nhiệm trước hết là của nhà trường. Nhà trường sẽ rút kinh nghiệm, siết chặt hơn nữa khâu an toàn vệ sinh thực phẩm khu tổ chức bữa ăn cho học sinh, thực hiện kiểm tra mỗi ngày.
Nhà trường yêu cầu căng tin phải nghiêm ngặt hơn nữa trong khâu phân chia thức ăn, vận chuyển phần ăn, không để xảy ra tình trạng như trên.
Được biết, mỗi ngày, trường học này có hơn 1.700 học sinh ăn bán trú. Trong ngày 19/10, số học sinh ăn cơm bán trú là 1.706 phần
Được biết, trong chiều nay (31/10) Trường THPT Trưng Vương đã mời ban đại diện phụ huynh lớp 12A13 vào làm việc về phần cơm bị mốc.