Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và đào tạo ĐH còn yếu kém
(Dân trí) - Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo còn nghèo nàn, giảng viên chưa tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, thiếu sự cọ sát với mội trường thực tiễn… dẫn đến chất lượng đào tạo của các trường đại học chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đây là các ý kiến, tham luận của những nhà nghiên cứu, nhà quản lý của nhiều trường ĐH phía nam tại hội thảo khoa học về hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật với công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo ở ĐH do trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức.
Các nhà nghiên cứu đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý và sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và đào tạo ở nhiều trường ĐH.
Cụ thể, trong tham luận của thạc sĩ Trịnh Xuân Thắng, Giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV (Cần Thơ) nêu rằng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 196 trường ĐH và CĐ chỉ mới có 172 trường có thư viện truyền thống, tức là có tới 13% số trường không có thư viện. Trong đó mới chỉ có 39,3% số trường có thư viện điện tử nhưng hầu hết chưa đáp ứng nhu cầu truy cập, trung bình 172 sinh viên mới có 1 máy tính. Còn những trường có thư viện nhưng mức độ đáp ứng nhu cầu đọc của sinh viên cũng rất thấp khi trung bình 21,2 sinh viên mới có 1 chỗ ngồi. Chưa kể, diện tích sử dụng thư viện trung bình của sinh viên chỉ ở mức 0,18m2, rất thấp so với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành 0,5 m2.
Vẫn còn tới 13% trường ĐH, CĐ chưa có thư viện.
Ngoài ra, cũng theo khảo sát của Bộ trong số 5.572 phòng thí nghiệm của các trường ĐH, CĐ chỉ có 22,5% có thiết bị tốt, 19% phòng có công nghệ hiện đại, chỉ 15,5% được trường đánh giá đạt mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học và chỉ 1,4% phòng có chất lượng tương đương trên thế giới. Diện tích sử dụng phòng thí nghiệm cho sinh viên cũng hạn chế, trung bình khoảng 0,53 m2 so với tiêu chuẩn đặt ra 1,4 m2.
Nhiều phòng thí nghiệm, xưởng thực hành của các trường ĐH, CĐ hiện nay mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của sinh viên. Đặc biệt, trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành còn quá lạc hậu.
Thạc sĩ Trịnh Xuân Thắng nhấn mạnh: “Các phòng thí nghiệm hiện đại được giữ gìn kỹ lưỡng, chỉ học viên cao học và nghiên cứu sinh mới được tiếp cận. Lẽ ra khi theo học tín chỉ, sinh viên đóng học phí thực hành cao hơn lý thuyết thì khi vào phòng thí nghiệm phải được miễn phí. Chính bất cập này khiến sinh viên ngại đến phòng thí nghiệm hơn”.
Thạc sĩ Thắng cho rằng, tình trạng trên xuất phát từ việc cho phép, kiểm định các điều kiện để thành lập trường ĐH có phần buông lỏng. Điều này dẫn đến tăng nhanh số lượng trường, trong đó nhiều trường mới thành lập chưa đảm bảo cơ sở vật chất, đặc biệt trường ngoài công lập. Vì vậy, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của các trường vừa không đủ về số lượng, vừa không đảm bảo chất lượng.
Tương tự, PGS.TS Lê Khắc Cường - Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TPHCM) cũng cho rằng với những mặt bằng nhỏ hẹp, trang thiết bị lạc hậu, sẽ rất khó khăn để nói đến chuyện nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và hội nhập.
Bên cạnh đó, ông Cường còn chỉ ra rằng vẫn còn tình trạng sử dụng lãng phí các cơ sở vật chất khiến cho dù có nhiều phòng ốc, trang thiết bị, phần mềm nhưng chưa phát huy hiệu quả cho việc đào tạo, nghiên cứu.
Không chỉ nêu lên các hạn chế, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp cụ thể như dùng chung trang thiết bị đã được đầu tư để khai thác tối đa hiệu suất của các trang thiết bị. Đây cũng là giải pháp để nâng cao ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực phục vụ đời sống.
Lê Phương
(Email: lephuong@dantri.com.vn)