Cô giáo nhường phòng ngủ làm phòng học cho học sinh

Những cô giáo ở cụm trường bản Ho, Quan Hóa (Thanh Hóa) đã nhường phòng ở của mình làm phòng học cho các em.

Bản Ho, thuộc xã Hiền Kiệt, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa), là bản biên giới duy nhất của huyện giáp với bản Him Đăm, cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay (Hủa Phăn – Lào).

Leo mãi rồi cũng đến, Ho nằm biệt lập với thế giới bên ngoài. Cách trung tâm xã gần chục cây số, đường núi đá, trời mưa thì chỉ có đi bộ mới vào được. Ở nơi đó, những lớp học vùng biên như ngọn lửa sưởi ấm trái tim mỗi người. Ở nơi đó, những thầy cô giáo hy sinh tuổi xuân của mình, tình nguyện cắm bản, bám trường mang cái chữ đến cho học sinh.

Cô giáo nhường phòng ngủ làm phòng học cho học sinh - 1

Những em nhỏ bản Ho chăm chỉ học bài

Bản có 91 hộ thì có tới 82 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Ngày trước, con em bản lớn lên thì theo bố mẹ vào rừng kiếm cái ăn cho no bụng chứ cái chữ không no được. Thế rồi những thầy cô giáo lên bản, vận động các em đến trường. Nay riêng cấp tiểu học của bản đã có 64 em.

Giờ ở bản được bố trí 4 giáo viên, các thầy cô từ xuôi lên đây, có người đã gắn bó với bản nơi biên viễn này hơn chục năm trời. Nhà nước quan tâm xây dựng 2 phòng học và 2 phòng ở để các giáo viên tiện bề công tác vì đường xá xa xôi.

Nhưng từ năm 2013, có 2 phòng học nhưng giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 5, không còn cách nào khác, phòng ở của giáo viên đã phải dùng làm phòng học. Các cô tâm sự, ở thì hết mấy, phòng thường ngày dùng làm lớp học, tối đến lấy trốn nghỉ lưng.

Căn phòng ngủ của giáo viên bản Ho chưa đầy chục mét vuông ngày là lớp học, tối là phòng ngủ
Căn phòng ngủ của giáo viên bản Ho chưa đầy chục mét vuông ngày là lớp học, tối là phòng ngủ

Cứ thế, cái chữ đến với những em nhỏ bản Ho trong tình thương yêu, đùm bọc của những giáo viên xa nhà, xa quê.

Cô giáo Nguyễn Thị Toan, 43 tuổi, quê ở huyện Nông Cống, cách nơi cô đang công tác cả vài trăm cây số. Lên đây đã được hơn 10 năm, cô tâm sự: Ban đầu lên bản, học sinh đến lớp ít lắm. Mãi rồi chúng tôi thuyết phục các em, gia đình các em. Đến nay, các em của bản cứ đến tuổi là đến trường thôi. Là thân gái, đường xá đi lại khó khăn nhưng tôi không ngại, được nuôi dạy cái chữ cho các em là chúng tôi vui rồi.

Theo phòng giáo dục huyện thì do giao thông còn khó khăn nên việc đáp ứng nhu cầu lớp học trong bản còn thiếu. Vậy nên các cô giáo ở bản phải nhường cả phòng ở, căn phòng chưa đầy 10m2 để làm lớp học. Hơn nữa, các phòng ở đây cũng đã được đầu tư xây dựng từ lâu nên đã có dấu hiệu xuống cấp.

Một góc bản Ho
Một góc bản Ho

Em Hà Văn Tuyển (học sinh lớp 4) nói tiếng kinh rất mạch lạc, em cho biết: các cô yêu chúng em lắm, cô bảo về nhà phải nghe lời bố mẹ, ông bà và chăm chỉ học bài để sau này no ấm. Năm ngoái nhiều hôm chúng em phải chờ để có lớp học, năm nay không phải chờ nữa.

Mưa phùn hun hút, rời Ho vào chiều tà nơi biên viễn ngày cuối tháng ba, thi thoảng những cây hoa ban ven đường nở bung khoe sắc khiến chúng tôi không thể quên có những tình thương, những con người hàng ngày đang âm thầm hy sinh vì con chữ vùng biên./.

Theo VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm