Quảng Ngãi:

Cô giáo Kadong: Người mẹ đỡ đầu cho học sinh vùng cao

(Dân trí) - "Tôi chỉ mong một điều, học trò tôi không phải đói rách, có chỗ ăn chỗ ở, các em viết được cái chữ, làm được những bài tính toán đơn giản", đó là tâm sự của cô giáo người Kadong, Đinh Thị Thiết (31 tuổi), hiện dạy tại điểm trường xóm Ông Du (thôn Đăk Doa, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi).

Cô Thiết chỉ dạy học sinh viết chữ
Cô Thiết chỉ dạy học sinh viết chữ.

Bằng nghị lực cùng tình yêu thương, cô Đinh Thị Thiết đã nhận nuôi và dạy dỗ hàng chục học trò có hoàn cảnh khó khăn, chính cô đã làm nên điều kỳ diệu.

Vượt qua nghịch cảnh

Để đến được điểm trường xóm Ông Du (thôn Đăk Doa, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), từ thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi vượt hơn 100km, đi qua các con đường lầy lội, trắc trở. Điểm đến là một ngôi trường chỉ vỏn vẹn 20m2, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Liên, thầy Nguyễn Ngọc Huệ, cho biết: "Ngôi trường ấy là một điểm trường thôn, nằm giữa ranh giới tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, chỉ cách trung tâm xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) một cây cầu bắt qua sông, là điểm trường khó khăn nhất của xã".

Điểm trường chỉ có "độc" nhất một phòng học, trong đó có 6 bộ bàn ghế nhưng chỉ 4 học sinh (HS), 1 tấm bảng nhưng được chia đến 2 phần để dạy 2 lớp gồm lớp 1 và lớp 2, mỗi lớp sĩ số chỉ 2 HS. Bên cạnh phòng học là phòng ngủ của cô giáo Thiết cùng 4 HS, đồng thời cũng là nơi nấu ăn, sinh hoạt và soạn giáo án.

Người cô giáo cần mẫn ấy biết bao năm qua đã nhận nuôi hàng chục đứa trẻ khó khăn, chăm lo từ cái ăn, cái mặc cho đến "cầm tay chỉ mực" từng nét chữ một cách tự nguyện.

Cô Thiết chia sẻ: "Tôi nghĩ mình dù nghèo nhưng nhìn học trò mình mất cha, mất mẹ, không nơi nương tựa, tôi thấy mình vẫn còn may mắn. Chính vì thế, tôi hi vọng mình trở thành mẹ "đỡ đầu", dù chỉ đi cùng các em một đoạn đường ngắn".

Cô giáo Thiết đã vượt qua nghịch cảnh của bản thân để giúp đỡ, cưu mang trẻ con làng bản nghèo Sơn Dung này.

Hoàn cảnh gia đình cô Thiết vô cùng khó khăn, cha cô mất hồi năm 2009, mẹ cô phải lặn lội làm rẫy nuôi 7 người con, trong đó cô Thiết là con thứ năm. Gia đình anh chị em cô điều làm rẫy, làm thuê, buôn bán qua ngày, chỉ riêng cô được học hành.

Cô Thiết tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, khoa Sư phạm Hóa học. Với trình độ như vậy, cô có thể xin về các trường ở đồng bằng, thị trấn. Nhưng có lẽ vì lớn lên tại một bản nghèo, thấu hiểu cảnh khổ của học sinh vùng cao, cô quyết định xin về dạy tại Trường Tiểu học Sơn Liên và tình nguyện đi đến điểm trường xa xôi, khó khăn nhất.

Cô bắt đầu dạy học từ năm 2011, và cứ mỗi lần thấy HS nào mất cha, mất mẹ, …cô đều "cưu mang" HS ấy. Cô cho ăn, ở, ngủ, và dạy học từ khi nhận về nuôi đến khi các em lên học trường chính ở xã.

Lương tháng chỉ khoảng 6 triệu, nhưng 6 triệu đó, cô vừa tính toán chi tiêu trong trường học, rồi tiền cho HS ăn, mua sắm quần áo, mua vở,…xem HS như con trong nhà.

Nhiều lúc đói khổ, cô về tận nhà mẹ, xin bao gạo mang lên cho học trò, lại "gói ghém" thêm vài bộ quần áo đã cũ mang lên tận trường.

Số phận của cô Thiết cũng lắm thăng trầm, lấy chồng hồi năm 2011, sau 2 năm gắn bó, đôi vợ chồng trẻ chia tay nhau. Và chính những đứa trẻ cô "cưu mang" đã vực dậy trong cô tình yêu thương lần nữa. Dù cô chưa từng làm mẹ, nhưng trong sâu thẳm, cô luôn xem chúng như "con ruột".

Và cô giáo người Kadong lại tiếp tục nuôi dưỡng và dạy học cho chính những đứa "con ruột" của mình.

Ngôi trường ấm áp tình mẫu tử

Mỗi đứa trẻ đến với điểm trường của cô giáo Thiết đều xuất phát từ nhiều hoàn cảnh éo le khác nhau. Từ năm 2012 đến nay, cô đã nhận nuôi 11 em, hoàn cảnh khác nhau, cô nuôi bằng chính đồng lương tháng của mình mà không có một sự hỗ trợ nào khác.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được, 4 đứa trẻ tại điểm trường này đều được "nhận nuôi", cô Thiết chia sẻ: "Thấy gia đình 4 đứa khó khăn, tôi quyết định mang về trường nuôi ăn học. Mỗi đứa với tôi là một câu chuyện về cuộc sống, tình yêu thương và động lực".

Cô Thiết cùng 4 học trò cô nhận nuôi
Cô Thiết cùng 4 học trò cô nhận nuôi.

Em Đinh Văn Chui (SN 2008) hiện đang học lớp 1, hoàn cảnh của em cực kỳ khó khăn, cả mẹ và cha em đều bị bệnh thần kinh, lúc tỉnh lúc mê, điên dại, đi lang thang rồi bỏ em từ năm 2013. Là người cùng xóm, cô Thiết đến tận nhà, đưa em Chui về với điểm trường này và bắt đầu dạy em cầm từng nét bút.

Cùng hoàn cảnh, em Đinh Văn Hình (SN 2007) học lớp 2, cha mẹ uống rượu rồi cùng bỏ nhà đi biệt để lại 5 đứa con nheo nhóc, cô giáo Thiết xin nhận nuôi 2 người con, là em Đinh Văn Hùng, hiện học lớp 4 ở tuyến xã, còn em Hình thì đang sống cùng cô ở điểm trường xóm Ông Du.

Em Đinh Thị Duyên (SN 2008) học lớp 1, mẹ bỏ đi từ đầu năm 2014, cha suốt ngày uống rượu, em được cô Thiết đưa về khi nhìn thấy em bị người cha say xỉn đánh đập.

Còn em Đinh Văn Phá (SN 2007) học lớp 2, mẹ bị bệnh, còn cha vừa đi rẫy lại vác theo hũ rượu, em Phá chỉ mới 7 tuổi nhưng phải theo cha đi rẫy, em được xem như lao động trong nhà, việc học hành cũng không được quan tâm.

Bốn em học sinh cô giáo Thiết đều đưa về và chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho đến chuyện học.
 
Video clip: Một buổi lên lớp của cô giáo Thiết.

Trong khi đó, giá cả vùng cao thì đắt đỏ, 1kg thịt giá 100 nghìn đồng. Cô Thiết nói: "Chỉ 1 tuần mới dám ăn thịt một lần, còn lại toàn ăn rau và mắm, đôi khi khá hơn, được miếng đu đủ, bí đỏ. Cứ sáng thì pha mì gói cho học sinh ăn, trưa đi hái măng rừng, rau rừng về". Nơi đây để đến chợ phải đi bộ chừng 5km, đường xá lầy lội, có khi cả tuần mới xuống xã, nhất là những lúc mưa gió, đường xá đi lại khó khăn, điểm trường này gần như bị cô lập. Thậm chí những lúc như thế, các giáo viên dạy tuyến xã phải tiếp tế lương thực cho các thầy, các cô, kể cả học sinh nằm trong vùng cô lập.

Cô Thiết cùng các con đi hái rau rừng
Cô Thiết cùng các con đi hái rau rừng.

Mỗi tối, cô lại đi đến nhà dân gần đó, xin cho những đứa trẻ ngủ nhờ. Có khi đói quá, cô phải đi xin bữa rau, bữa cháo cho các con. Vì là điểm trường xa xôi, khó khăn lớn nhất là sinh hoạt tối, đèn điện lúc có lúc không, trường lại nằm trên đồi hoang vắng, nên cô và các em phải xin ngủ lẫn xin ăn.

Và xoay quanh điểm trường ấy là cả một câu chuyện về tình mẫu tử, cô Thiết nhớ lại, năm 2012, cô nhận nuôi em Đinh Thị Than, hiện giờ đang học lớp 4. Hồi ấy, cô trò hay ngủ cùng nhau, nằm cạnh cô giáo, Than kể cô nghe chuyện gia đình, cô Thiết cho biết, cha em mất từ khi em mới 6 tuổi, mẹ đi lấy chồng khác, "nó hay nói nó ghét mẹ vì bỏ nó đi, lại quay sang ôm tôi rồi khóc" - cô nói.

Em Duyên nói: "Con rất thích cô Thiết vì cô cho con đồ để mặc, cơm để ăn lại không bảo con đi rẫy, chỉ cho con cái chữ".

Và những học sinh "cưu mang" ngày ấy, có những em hiện học dưới xã, là những HS giỏi, tiên tiến như em Đinh Thị Xế (HS giỏi lớp 4), em Đinh Thị Thành (HS tiên tiến lớp 2).

Cô Thiết hướng dẫn học sinh học chữ
Cô Thiết hướng dẫn học sinh học chữ.

Ngoài những giờ học trên lớp, cô Thiết còn kèm thêm buổi chiều để giúp HS tăng cường kỹ năng viết, làm toán, dạy trò chơi, học hát.

Mặc dù khó khăn nhưng cô Thiết luôn cố gắng giữ trường, giữ lớp, cưu mang HS, những đứa trẻ mà cha mẹ chúng không quan tâm đến sự tồn tại của chúng.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Liên, thầy Nguyễn Ngọc Huệ cho biết: "Thông thường một giáo viên chỉ quản lý 4 HS là điều kiện thuận lợi cho công tác chủ nhiệm, thế nhưng cái khó khăn lớn nhất cô giáo Thiết gặp phải là các em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bỏ đi…, cô Thiết đã chủ động đưa các em về nơi ở của mình để nuôi dạy mà không cần bất cứ một trợ cấp nào".

Theo thông tin từ phía nhà trường, hiện tại, ban giám hiệu đã phối hợp công đoàn trường trích phần nhỏ hỗ trợ tiền xăng dầu đi lại cho cô Thiết.

 

Nguyễn Trang