Cô giáo chia sẻ sự “lạ lẫm” khi dạy học trên truyền hình mùa Covid-19

(Dân trí) - “Điều tôi mong muốn với học sinh là các em biết lên một thời gian biểu để chăm sóc sức khỏe, tập luyện thể thao, giải trí lành mạnh... và duy trì thói quen học tập, phát huy tinh thần tự học”...

Đó là chia sẻ từ cô giáo Đặng Thị Kim Thương, giáo viên Trường THCS Thái Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cô Thương là một trong 58 giáo viên được Sở GD&ĐT Khánh Hòa tuyển chọn giảng dạy trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường.

Tiết lộ về việc dạy học trên truyền hình cho học sinh mùa dịch Covid-19, cô Thương tâm sự rằng “đó là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm”.

Cô giáo chia sẻ sự “lạ lẫm” khi dạy học trên truyền hình mùa Covid-19 - 1

Cô Đặng Thị Kim Thương, giáo viên Trường THCS Thái Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh NVCC)

“Đây là một công việc mới mẻ, lần đầu tiên của đội ngũ giáo viên trong tổ nghiệp vụ. Chúng tôi đã có buổi họp với lãnh đạo Sở GD&ĐT vào ngày 10/3. Chúng tôi tiến hành thảo luận, trao đổi để thống nhất kế hoạch và nội dung ôn tập cho học sinh lớp 9 trong thời lượng phát sóng với 4 chuyên đề: 2 chuyên đề Đọc- Hiểu văn bản, 1 chuyên đề Tiếng Việt và 1 chuyên đề Tập làm văn”, cô Thương chia sẻ.

Theo cô, khó khăn nhất là thời lượng phát sóng chỉ giới hạn 25 đến 30 phút mà khối lượng kiến thức ôn tập ở học kỳ 1 rất nhiều. Vì vậy, bản thân cô cùng 3 đồng nghiệp khác đã cân nhắc dung lượng kiến thức để truyền tải đến cho học sinh, đảm bảo khái quát, hệ thống kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành.

“Nội dung bài dạy ôn tập Tiếng Việt Học kỳ 1 - môn Ngữ văn lớp 9 của tôi đều được thông qua tất cả anh chị em trong Tổ nghiệp vụ để bàn bạc, thống nhất”, cô cho hay.

Nữ giáo viên cho biết, là một giáo viên, bản thân cô đã quen với công việc dạy học trên lớp. Sự tương tác với học sinh là một yêu cầu quan trọng để có thể hoàn thành bài giảng.

“Dạy học trên lớp, ngoài nội dung kiến thức cần truyền đạt đến học sinh, tôi cũng cần được quan sát học sinh, nắm bắt thái độ, cảm xúc của học sinh khi tiếp thu kiến thức, khi thực hành. Sự ân cần, quan tâm của người giáo viên sẽ đem lại cho học sinh niềm vui, sự hứng khởi trong học tập.

Dạy học trên truyền hình thật sự là một công việc hoàn toàn mới mẻ. Lần đầu tiên đứng trước máy quay, tôi cũng khá hồi hộp”, nữ giáo viên chia sẻ.

Cô giáo chia sẻ sự “lạ lẫm” khi dạy học trên truyền hình mùa Covid-19 - 2

Cô Đặng Thị Kim Thương trong tiết học dạy trên truyền hình cho học sinh lớp 9 mùa dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC)

Trong tình hình học sinh không đến trường kéo dài, việc dạy học trên truyền hình có những ưu điểm như giúp học sinh duy trì nề nếp, thói quen học tập.

Cô Thương cho hay, trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, các em học sinh cũng đã tiến hành học trực tuyến trên trang học tập trực tuyến của nhà trường. Vì vậy, ngoài chương trình dạy học trên truyền hình, học sinh vẫn duy trì nề nếp học tập nhờ trang dạy học trực tuyến của mỗi trường.

“Điều tôi mong muốn với học sinh trong thời gian này là các em biết lên một thời gian biểu cho bản thân để chăm sóc sức khỏe, tập luyện thể thao, giải trí lành mạnh, giúp đỡ cha mẹ việc gia đình và duy trì thói quen học tập, phát huy tinh thần tự học”, cô nói.

Được biết, cô Thương là cựu học sinh chuyên Văn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Phú Khánh. Cô tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn hệ chính quy năm 1993. Cô là giáo viên có tiết dạy xuất sắc trong Hội giảng giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh Khánh Hòa năm học 2008-2009; tham gia dạy bồi dưỡng học sinh giỏi của đội tuyển cấp thành phố từ năm 30 tuổi; được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích công tác năm 2009. Nhiều học sinh của cô Thương đã đạt giải Nhất, Nhì, Ba... cấp tỉnh Khánh Hòa. 

Hải Đăng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm