Cô giáo bật khóc nhắc kỷ niệm “phụ huynh chưa kịp tặng phong bì”

(Dân trí) - Nhận thấy cậu học giỏi đang có "vấn đề", cô mời bố mẹ em lên để cùng tìm biện pháp hỗ trợ. Cô không hề để ý hôm đó là hậu ngày lễ 8/3, cô vừa trao đổi xong thì người mẹ rút phong bì đưa cô cho, nói: "Hôm rồi tôi lu bu quá chưa kịp đến thăm cô".

Câu chuyện hiểu nhầm cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong nghề được cô Nguyễn Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Khai Minh (quận 1, TPHCM) chia sẻ trong buổi giao lưu họp mặt Nhà giáo Ưu tú TPHCM diễn ra vào ngày 15/11.


Các nhà giáo giao lưu trong buổi họp mặt Nhà giáo Ưu tú TPHCM.

Các nhà giáo giao lưu trong buổi họp mặt Nhà giáo Ưu tú TPHCM.

Cách đây đã 10 năm, khi đó cô Hạnh chủ nhiệm lớp 5, trong lớp có một cậu học trò rất thông minh mà cô đánh giá là "cuộc đời đi dạy chưa thấy học sinh nào giỏi Toán mà lại viết Văn hay đến vậy". Rồi cách ứng xử của cậu học trò rất tế nhị, rất lịch sự với các bạn nữ. Sau đó, cô thấy lạ lùng khi thấy cậu bé thay đổi, rất hằn học, cố tỏ ra mình là người nổi trội nhất, thể hiện xem thường các bạn.

Để tìm ra vấn đề và hỗ trợ con, cô Hạnh mời phụ huynh đến để chia sẻ, trao đổi. Gia đình em vốn rất quan tâm con cái, nên sau lời mời thì bố mẹ cùng đến gặp cô. Cô rất vui khi bố mẹ học sinh cùng lắng nghe chia sẻ của cô về sự thay đổi lạ lùng của con như nuốt từng lời cô giáo. Cô vỡ òa khi sau đó, nghe hai vợ chồng trao đổi quanh chuyện dạy con và đã hiểu phần nào nguyên nhân...

Hóa ra người mẹ muốn hướng con vào mục tiêu phải thật giỏi giang, nổi tiếng, nổi trội hơn hẳn các bạn, còn ông bố lại muốn con phát triển một cách bình thường. Trong tình huống này, khi trao đổi với phụ huynh giúp cậu "chỉnh" tình trạng hiện nay, quay lại đúng với con người của em, cô Hạnh đứng về phía quan điểm cùng với người bố. Cuộc gặp gỡ đến đó tưởng là kết thúc...

Nhưng thật bất ngờ, khi chuẩn bị chào nhau ra về thì người mẹ rút trong giỏ ra chiếc phong bì đưa cho cô và nói: "Xin lỗi cô vì ngày mùng 8/3 rồi tôi lu bu quá chưa đến thăm cô được". Cô Hạnh như đứng hình, đến giờ cô mới để ý, hôm đó là... 9/3. Cô cười chua chát vì có thể người mẹ lại nghĩ, cô đang "nhắc khéo".

"Tôi cảm ơn người mẹ và đẩy chiếc phong bì về phía chị. Tôi nói với chị, hãy để tôi làm nghĩa vụ của một giáo viên chủ nhiệm, hôm nay chúng ta đang cùng hợp tác để cùng giáo dục, hỗ trợ con em. Người mẹ cất chiếc phong bì rồi ra về nhưng vẫn chưa thật sự thoải mái... ", cô Hạnh ngân ngấn nước mắt rồi bật khóc khi kể lại tình huống này.

Cô Nguyễn Ngọc Hạnh kể về kỷ niệm chiếc phong bì đáng nhớ như một dấu ấn trong sự nghiệp
Cô Nguyễn Ngọc Hạnh kể về kỷ niệm "chiếc phong bì" đáng nhớ như một dấu ấn trong sự nghiệp

Sau cuộc gặp đó, cậu bé từ từ thay đổi theo hướng tích cực hơn, cô cũng an ủi phần nào sau câu chuyện buồn từ hiểu nhầm của người mẹ. Vào ngày tổng kết con ra trường, bố mẹ cậu bé đến dự rất, người mẹ tặng cô một món quà với tâm trạng, thái độ rất hạnh phúc, vui vẻ. Chị nói với cô: "Cảm ơn cô, cô đã giúp tôi hiểu hơn về vai trò của thầy cô giáo". Câu chuyện đã trở thành kỷ niệm tưởng là buồn nhưng có hậu trong sự nghiệp của cô Hạnh.

Nhà giáo Ưu tú từng 3 lần định bỏ việc

Thầy Phạm Văn Chiểu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, cũng đầy xúc động tiết lộ mình đã từng 3 lần phân vân đứng trước quyết định bỏ nghề vì áp lực công việc, áp lực cuộc sống quá khó khăn. Nhưng mỗi lần bình tâm suy nghĩ, thầy tự nhận ra ở mọi sự là ở mình. Hình như mình vẫn đang thiếu cái gì đó về tinh thần, nhiệt huyết với nghề, với sự dạy học, bản thân thiếu sự học hỏi từ chính đồng nghiệp, từ học trò.

Chính từ sự tự vấn này, thầy nỗ lực nhiều hơn, chăm chút hơn, yêu nghề hơn. Và đến năm 2017, thầy Chiểu là một trong 21 nhà giáo được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú của TPHCM.

Nói về thực trạng giáo viên trẻ hiện nay, thầy Chiểu thừa nhận có một bộ phận giáo viên trẻ “thiếu lửa”, không tâm huyết với nghề, điều này nguyên nhân chủ yếu do áp lực về kinh tế, khi lương của giáo viên còn eo hẹp, người trẻ khó dồn hết tâm, hết nhiệt cho học trò.

Nhưng thầy Chiểu cũng khẳng định, đây chỉ là một số chứ không phải tất cả giáo viên trẻ đều như vậy. Có rất nhiều thầy cô mặc dù cuộc sống khó khăn vẫn tìm được nhiệt huyết với nghề, luôn tìm tòi, sáng tạo những cách dạy mới cho học sinh.

Đứng trước thực tế hiện nay trong nghề giáo, theo thầy Chiểu cần nhất là người thầy hãy tự nhắc nhở, rèn luyện mình xem mình đã làm đúng vị trí của người thầy, đã dốc sức cho nghề, đúng với đạo đức nhà giáo hay chưa. Còn phía xã hội, để người thầy giữ được vị thế thì cần có sự quan tâm, chăm sóc không chỉ nâng cao chuyên môn và cả lẫn về kinh tế để nhà giáo giáo an tâm trong giảng dạy.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm