Cô cử nhân người Tày làm phó Chủ tịch xã vùng cao
(Dân trí) -Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, cô gái trẻ Trần Thị Hương xung phong về làm Phó Chủ tịch UBND xã. Với những nỗ lực và thành tích đạt được, Hương vinh dự là một trong số 1.000 đại biểu ưu tú về dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X vừa qua.
Còn nhớ khi chúng tôi gặp Trần Thị Hương (sinh năm 1988) tại Đại hội Đoàn, cô phó Chủ tịch xã người Tày có gương mặt hiền lành, phúc hậu và nụ cười có duyên khiến nhiều người mới nhìn đã có cảm tình. Điều mà ít ai có thể ngờ rằng Hương học Sư phạm Ngữ văn để trở thành một cô giáo nhưng lại đang ở vị trí phó Chủ tịch xã quản lí trực tiếp mảng kinh tế.
Từ bé mơ ước được trở thành cô giáo đứng trên bục giảng, vì thế Hương đã quyết tâm thi vào Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên khoa Ngữ văn. Nhưng đúng như lời cô tâm sự ''nghề nghiệp nó cũng là cái duyên'' nên khi ra trường đúng lúc Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở 62 huyện nghèo trong cả nước. Hương tình nguyện và được lựa chọn tuy nhiên khi nhận công tác, Hương đã do dự rất nhiều bởi sự can ngăn từ phía gia đình.
Cô cho biết, bố mẹ không thích con gái làm công việc ở xã bởi con gái đã được đào tạo bài bản về ngành Sư phạm thì làm cô giáo là phù hợp nhất. Một điều thêm nữa đó là cô về nhận công tác tại xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) cách Trùng Khánh quê cô gần 300 km - một quãng đường quá xa khiến gia đình không yên tâm. Nhưng quyết định cuối cùng, Hương vẫn mạnh dạn rời xa gia đình để về mảnh đất Nam Quang của huyện Bảo Lâm làm phó Chủ tịch xã.
Cô Phó chủ tịch xã Trần Thị Hương phát biểu trong Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.
Hương là người dân tộc Tày, nhưng nơi cô đến làm việc là vùng bà con các dân tộc Mông, Nùng, Sán Chỉ, Dao... vì thế sự bất đồng ngôn ngữ là rào cản rất lớn. Hơn nữa Nam Quang lại là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm với 10 bản và 553 hộ dân. Đường sá, giao thông khó khăn, muốn đến được tận xóm, tận bản phải vượt rừng mất cả ngày đường. Người dân trong xã còn hơn nửa là mù chữ, không biết viết, cũng không nói được tiếng phổ thông nên điều này cũng là một ''thử thách'' lớn đối với cô cán bộ trẻ. Để khắc phục khó khăn này, ban đầu mỗi lần xuống bản, Hương đều nhờ một người biết tiếng bản địa để ''phiên dịch'' hộ. Nhưng bù lại là Hương không nề hà chịu khó lắng nghe, chịu khó tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh từng gia đình.
Nhờ vậy, người dân nơi đây khá vui vẻ, hỗ trợ. Họ coi Hương như con cháu trong gia đình. Nhắc đến người dân nơi cô làm việc, Hương luôn cho rằng mình may mắn khi: ''Trong công việc mình là cán bộ hướng dẫn cho bà con, còn ngoài ra mình là con, là cháu của bà con nên có gì mà mình chưa biết, chưa hiểu bà con là người tận tình chỉ bảo khiến mình không thấy có khoảng cách gì cả''.
Về làm phó Chủ tịch xã, Hương được phân công quản lí mảng kinh tế, xây dựng nông thôn mới; làm tổ trưởng thực hiện chương trình 30a-CP/2008 của Chính phủ; Tổ trưởng tổ kiểm tra dân xâm canh, xâm cư trên địa bàn xã; Tổ trưởng tổ thực hiện Dự án ''Cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn''; Phó Ban Quản lý Quỹ Hỗ trợ và Phát triển xã và Phó Ban Phòng chống bão lũ, Bảo vệ và Phát triển rừng... Cô trực tiếp thực hiện chương trình ''Cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và nông thôn'' đang được triển khai trên địa bàn xã với kinh phí mỗi năm dự án hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương... phục vụ đời sống, sản xuất cho bà con.
Mong muốn của Hương là bà con dân tộc thiểu số sẽ có cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Không làm việc theo kiểu quan liêu, tự định đoạt, với mọi chủ trương kế hoạch, cô phó Chủ tịch đều xuống từng thôn bản lấy ý kiến của dân, sau đó về mở hội nghị thống nhất phương án thực hiện. Nhờ đó mà công việc trôi chảy và được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con trong xã. Ngoài công việc quản lí và giám sát về các vấn đề kinh tế, Hương còn nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ; tổ chức cuộc thi ''Dân vận khéo'', vận động các doanh nghiệp quyên góp tiền để tổ chức các chương trình từ thiện cho học sinh nghèo tại các điểm trường trong xã.
Về dự Đại hội Đoàn toàn quốc vừa rồi, cô phó Chủ tịch xã mang theo những điều trăn trở về hoạt động, công tác Đoàn trình Đại hội. Chia sẻ về điều này, cô thẳng thắn cho biết: ''Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đặc biệt đến vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên trong thời gian ngắn chưa thể khắc phục hết được mọi khó khăn. Ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, mình rất muốn bản thân những người thủ lĩnh ở cơ sở phải tự rèn luyện, trau dồi kiến thức để lãnh đạo, hướng dẫn cho bà con trong địa phương vừa làm kinh tế giỏi, vừa có đời sống văn hóa phong phú''.
Không ngần ngại nhận những ''khiếm khuyết'' còn chưa đạt được, cô phó Chủ tịch vùng cao luôn đau đáu tâm nguyện phải giúp cho dân có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Vũ Ân