Cô gái khuyết tật người Mông tốt nghiệp ĐH loại Giỏi
Cầm tấm bằng đại học loại giỏi trong tay, cô gái khuyết tật người Mông Ma Thị Nống quyết định giã từ Thủ đô, “đi ngược” về phía núi, nguyện mang tri thức trở về với quê hương.
Ma Thị Nống trong ngày nhận bằng cử nhân loại giỏi.
“Của hiếm” ở bản
Dẫn khách men theo dải đường lởm chởm đá ven bờ sông về với ngôi nhà nhỏ ở bản Mỏ Đá (xã Tân Cương, Bảo Yên, Lào Cai), Nống kể rằng ước mơ cháy bỏng của cô ngày bé không phải là manh áo mới, bữa cơm no như các bạn mà chính là được cắp sách tới trường.
Vén áo để lộ cánh tay teo tóp, Nống kể rằng đó là hậu quả của năm lên bốn tuổi, em bị một cơn sốt ác tính kéo dài hành hạ trong khi gia đình không có tiền để đưa Nống đến bệnh viện tỉnh chữa trị.
Sức khỏe không ổn định, khuyết tật, nhà lại nghèo và đông anh chị em khiến ước mong đi học của Nống ngày một xa vời.
Mỗi lần nhìn chúng bạn lội suối, men theo những con đường mòn đến lớp, Nống lại tủi cho số phận của mình. Năn nỉ bố mẹ, cuối cùng Nống đã được đến lớp cùng đợt với em ruột của mình.
Những buổi đầu đi học bị bạn bè chọc ghẹo, Nống buồn lắm nhưng ước mơ “con chữ” đã làm lu mờ đi tất cả. Quyết chiến thắng bạn bè bằng sức học, Nống đã dán ngày một nhiều những tấm bằng khen trên ngôi nhà vách đất nghèo khó.
Thấu hiểu nỗi cực nhọc của bố mẹ, ngoài giờ học, Nống dành thời gian lên nương rẫy, phụ giúp việc gia đình. Thời gian học của Nống là những buổi tối, hoặc khi chăn thả gia súc…
Chỉ có một tay thuận nên Nống phải “học việc” nhà vô cùng vất vả. “Có lần em vụng về làm đổ cả bát canh, thương con, bố em không nói gì, chỉ thở dài và bước ra ngoài. Em biết bố lo lắm, thế nên tự hứa mình phải thật cố gắng,” Nống bảo.
Cũng bởi thế, trong làng bản bạn bè trang lứa hầu hết đã có chồng con, riêng Nống vẫn ngày đêm đèn sách quyết tâm dùng tri thức để soi sáng đường đi.
“Ngược” về phía núi
Với những nỗ lực không ngơi nghỉ, trong suốt quá trình học phổ thông Nống luôn là học sinh giỏi của trường. Rồi ước mơ cũng thành sự thực khi Nống trở thành sinh viên khoa Xã hội học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội).
Ngày tiễn con từ bản xuống Thủ đô, gánh nặng và nỗi lo cho đứa con khuyết tật lại chồng lên vai những người thân ở bản Mỏ Đá. Quyết không để bố mẹ phải lo lắng, Nống liên tục đạt học bổng trong suốt bốn năm trên ghế giảng đường Đại học. Ngoài ra, Nống còn tham gia nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường và là Đảng viên ưu tú năm 2012 của Khoa Xã hội học.
Tốt nghiệp, Nống vinh dự được nhận “bằng đỏ” dành cho sinh viên loại giỏi. Được bạn bè giới thiệu chỗ làm nhưng cử nhân trẻ tuổi này bất ngờ quyết định “ngược về phía núi.”
Nói về việc này, Nống bảo đó là một quyết định rất khó khăn bởi “ai mà chả muốn ở Hà Nội lập nghiệp.” Sau nhiều đêm suy nghĩ, Nống quyết về quê bởi với cô việc giúp cho vùng đất chôn rau cắt rốn có thêm tri thức sẽ là một công việc đầy ý nghĩa. Và cô hiểu, chỉ có kiến thức mới giúp bản làng thoát khỏi cái nghèo đeo bám hết đời này qua đời khác.
Xứ bản những ngôi nhà vách đất chìm dần vào buổi chiều tà, đâu đây vang tiếng ru con à ơi của những đứa trẻ quấy khóc đòi mẹ đi làm nương chưa về. Ngôi nhà của Nống đã hiện ra sau lớp sương chiều bảng lảng.
Chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ được chứng kiến một gian nhà đầy ắp tiếng cười đón cô cử nhân trẻ. Và tôi biết, Nống sẽ làm được cái điều mình muốn cho bản làng cũng như cô từng vượt qua số phận để vươn tới đỉnh cao tri thức.
Theo Vietnam+