Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học

Hoài Nam

(Dân trí) - Từ ngày "tháo chạy" đến ở với mẹ, cháu N.N.N, sinh năm 2012 ở quận 7, TPHCM, không thể đến trường trong một diễn biến khó tin.

Chị N.T.M, 40 tuổi, ở TPHCM, đau khổ tận cùng khi nhìn học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới. Con gái chị - cháu N.N.N. - đã bước sang năm học thứ hai chưa được đến trường xuất phát từ tranh chấp giành con của bố mẹ.

Thời gian qua, chị M. đã gửi đơn cầu cứu đến cầu cứu đến Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT TPHCM, Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy (Hà Nội), Hội liên hiệp phụ nữ, các hội bảo vệ quyền trẻ em.         

Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học - 1

Người mẹ từng bị nhầm tưởng... bắt cóc trẻ em (Ảnh: Hoài Nam).

"Mẹ ơi, con muốn ở với mẹ!"

"Mẹ ơi, con muốn ở với mẹ!", chị M. nhớ mãi tin nhắn của cô con gái thứ 2 N.N.N. - khi đó đang học sinh lớp 6 Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội - gửi cho mình vào một ngày đầu tháng 11/2023. Với người mẹ phải xa con sau ly hôn, đó là một lời cầu cứu...

Trước đó, trong những lần mẹ con lén lút gặp nhau, cháu N. nói: "Con muốn ở với mẹ nhưng sợ để chị gái lại một mình".

Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học - 2

"Mẹ ơi, con muốn ở với mẹ", với người mẹ phải xa con sau ly hôn, đó là một lời cầu cứu… (Ảnh: NVCC).

Ngay lập tức, chị M. bay từ TPHCM ra Hà Nội để gặp con. Ngày 6/11/2023, tại Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, chị nộp đơn khởi kiện thay đổi quyền nuôi con. Cùng với đơn khởi kiện này và lời kêu cứu "muốn ở với mẹ" của con, chị đưa cháu N. vào TPHCM cùng mình.

"Chỉ vài ngày sau, đại diện cơ quan công an đến tận chỗ tôi ở tại TPHCM để xác minh đây có phải là một vụ bắt cóc trẻ em hay không. Khi đó, sự việc được làm rõ tôi là mẹ ruột cháu N. và cháu tự nguyện theo mẹ chứ không phải là một vụ bắt cóc như thông tin cơ quan công an nhận được", chị M. nói.

Người mẹ cho hay, sau sự việc, bố cháu vào TPHCM, tìm đến nhà chị để đón con về. Tại đây, cháu N. từ chối quay về với bố.

Chị kể, khi ly hôn năm 2017, để tránh tranh chấp đôi bên, chị M. chấp thuận theo quyết định của tòa giao bố nuôi hai con gái sinh năm 2010 và 2012. Mỗi tháng chị M. có trách nhiệm chu cấp nuôi con và không ai được cản trở quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung.

Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học - 3

Nhiều năm bị ngăn cảm gặp con, giờ người mẹ tiếp tục rơi vào tình cảnh oái oăm (Ảnh: Hoài Nam).

Tuy nhiên, từ sau quyết định của tòa, mẹ con chị bị ngăn cản gặp nhau. Chị phải lén lút gặp con, không thể gặp các con một cách trọn vẹn, chưa một lần được ngủ cùng, đi chơi riêng cùng các con, tình cảm mẹ con trở nên xa cách. 

Mẹ con gặp nhau mà như đi ăn trộm. Bao nhiêu năm, chị phải giấu mặt thông qua bạn bè, phụ huynh để hỏi thăm, gửi quà cáp cho con.

Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học - 4

Chị Mộng khởi kiện thay đổi quyền nuôi hai con vào tháng 11/2023 (Ảnh: NVCC).

Giai đoạn an ủi người mẹ nhất trên chặng đường này là năm cháu N. học lớp 4, hai mẹ con thường lén gặp được nhau tại bãi gửi xe của trường. 

"Chờ chỉ đạo" và đứa trẻ thất học ngay giữa thành phố 

Nhưng kể cả khi cháu N. đến ở với mẹ, mẹ con chị M. lại tiếp tục rơi vào một diễn biến khó hình dung.

Đón con vào TPHCM, từ tháng 11/2023, chị M. liên hệ với Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội trình bày hoàn cảnh xin rút hồ sơ, xin chuyển trường cho con. Yêu cầu của chị không được chấp nhận. 

Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học - 5

Từ ngày "tháo chạy" đến ở với mẹ, cháu N.N.N. không được đi học (Ảnh: N.M).

Với tờ giấy khai sinh của cháu N., chị M. đi khắp các trường ở TPHCM xin học cho con. Chị đến đâu các trường đầu lắc đầu vì cháu không có học bạ và đặc biệt hàng loạt trường thông tin họ nhận được đơn thư yêu cầu không tiếp nhận cháu N. vào học khi bố không đồng ý. 

Vào tháng 12/2023, một trường tư thục ở quận 7 trên tinh thần đảm bảo quyền được học của đứa trẻ đã nhận cháu N., yêu cầu gia đình sớm bổ sung hồ sơ.

Vậy nhưng chỉ được 2 tuần, chị M. nhận thông báo trường trả cháu về. Phía nhà trường giãi bày, có người đã liên hệ đến trường đe dọa sẽ tố cáo trường tiếp nhận cháu N. vào học mà không được sự đồng ý của bố. 

Cháu N. không được đi học từ đó đến nay. Cháu đã chậm một năm, năm học mới lại chuẩn bị bắt đầu...  Là người mẹ, chị còn mang nỗi trăn trở, con gái mình phát triển trước tuổi, cháu cao hơn 1,6m, giờ đi học với em ít tuổi hơn đã là vấn đề tâm lý rất khó khăn với con.

Sau nhiều lần bị hoãn, phiên tòa xét xử vụ tranh chấp nuôi con giữa chị M. và chồng cũ diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua. Ngày 14/8, Hội đồng xét xử TAND quận Cầu Giấy ban hành quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị M. và giao cháu N.N.N. cho bà M. trực tiếp nuôi dưỡng. 

Vậy nhưng con đường đi học của cháu vẫn mù mịt. Người mẹ cho biết khi chị gửi quyết định này cho trường THCS Cầu Giấy để rút hồ sơ của cháu vẫn chưa được chấp thuận do quyết định vẫn đang trong khung thời gian chưa có hiệu lực. Phía nhà trường phản hồi đến chị vẫn là tiếp tục "chờ chỉ đạo". 

Thời gian dài con không được đi học, mẹ xoay xở đủ mọi cách, chị M. lo lắng giữa chị và bố cháu tiếp tục có tranh chấp thì chẳng lẽ con gái chị phải... thất học? 

Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học - 6

Bước sang năm thứ 2, cháu N.N.N. không thể đến trường (Ảnh: N.M).

Giữa bộn bề ấy, đứa trẻ với những tổn thương đầy mình, khi chạy về ẩn náu bên mẹ lại phải chịu thêm nỗi đau khác là đang thất học ngay khi sống giữa thành phố lớn nhất cả nước.

Nhìn tình cảnh của chị M., nhiều người tặc lưỡi khuyên: "Hay trả cháu về cho bố?". Là một người mẹ, trước nỗi lòng: "Con muốn ở với mẹ" làm sao chị có thể đưa tay đẩy con đi?

Đề nghị tiếp nhận trẻ đi học 

Trao đổi với PV Dân trí sáng 28/8, luật sư Trần Thị Thu Hà, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết Hội đã có văn bản gửi Phòng GD&ĐT Cầu Giấy, Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội và Phòng GD&ĐT quận 7, TPHCM đề nghị giải quyết, tiếp nhận cho cháu N.N.N. đi học. 

Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học - 7

Đơn đề nghị của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về việc giải quyết quyền đi học của cháu N.N.N (Ảnh: H.N).

Nếu trường hợp mẹ cháu bé vẫn không rút được hồ sơ, Trung ương Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ can thiệp trực tiếp. 

 Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng có văn bản ký ngày 23/8 gửi Phòng GD&ĐT Cầu Giấy, Trường THCS Cầu Giấy đề nghị tạo điều kiện cho để cháu N.N.N. rút hồ sơ và chuyển trường nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cháu cũng như đề nghị Phòng GD&ĐT quận 7 tiếp nhận cháu N. 

Trường làm theo quy định

Trước đó, vào tháng 6/2024, trao với phóng viên Dân trí về trường hợp học sinh N.N.N., bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội cho biết trường hợp của em N. rất đặc biệt, bà có thể nhớ từng cột mốc.

Vào ngày 8/11, người mẹ đưa em N. vào TPHCM. Ngay sau đó, trường nhận được đơn từ ông N.D.Đ., bố ruột của em N. đề nghị không cho bất cứ ai rút hồ sơ của N., chỉ có ông Đ. hoặc người ông ủy quyền mới được rút học bạ và chuyển trường cho cháu N.

Chuyện lạ lùng bố mẹ ly hôn, bé gái năm thứ 2 không được đi học - 8

Một phần trong thư phản hồi ngày 15/12/2023 của Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội gửi chị M. về nguyện vọng chuyển trường cho con (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Đ. cũng cung cấp đến trường quyết định năm 2017 của Tòa án Nhân dân Cầu Giấy về việc ông là người được giao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé.

Bà Lê Kim Anh cho biết, trường đã rất nhiều lần làm việc với ông Đ. nhưng ông vẫn giữ quan điểm như trên.

Theo thư phản hồi của nhà trường gửi bà M. vào tháng12/2023, trường cũng đề nghị, ông Đ., bà M. thống nhất về việc chuyển trường cho cháu N. và thông báo bằng văn bản về trường để thực hiện việc chuyển trường cho cháu N. theo đúng quy định.

Thư phản hồi cũng thể hiện, việc giải quyết nguyện vọng chuyển trường vào TPHCM cho cháu N. theo nguyện vọng của bà M. trường sẽ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên và theo đúng quy định pháp luật.